Chuyên gia: Thị trường lao động cuối năm của TP HCM sẽ ấm lên nhưng chưa thể đột phá

Theo TS. Huỳnh Thanh Điền, thị trường lao động cuối năm của TP HCM sẽ chỉ dừng lại ở mức ấm lên chứ chưa thể có sự đột phá. Bởi, thu nhập của người dân trong thời gian qua đã bị sụt giảm.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động (Sở LĐ-TB&XH TP HCM), trong những tháng cuối năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thâm dụng lao động.

 Trong những tháng cuối năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn

Trong những tháng cuối năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn

Tuy nhiên, nhìn chung về kinh tế - xã hội TP HCM cũng đã đạt một số kết quả tích cực, với số doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp thành lập mới tăng lên, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

Mặt khác, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động cũng cho rằng, hoạt động đầu tư công, xuất khẩu được đẩy mạnh, thêm vào đó doanh nghiệp tăng cường sản xuất, kinh doanh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp lễ, Tết cũng góp phần làm cho thị trường lao động ấm dần lên với những bước phục hồi và phát triển.

Dự kiến, nhu cầu nhân lực quý IV/2023 cần khoảng 75.500 - 81.500 chỗ làm việc. Trong đó, tập trung ở khu vực thương mại dịch vụ chiếm 70,13% tổng nhu cầu nhân lực.

Nhiều doanh nghiệp tìm được đơn hàng mới, nhu cầu tuyển dụng có nhiều khởi sắc trong một số lĩnh vực như bán buôn và bán lẻ; dịch vụ lưu trú và ăn uống; xây dựng nhà các loại; công nghệ và sản xuất thiết bị điện; sản xuất sản phẩm cơ khí...

 TS. Huỳnh Thanh Điền (giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành)

TS. Huỳnh Thanh Điền (giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành)

TS. Huỳnh Thanh Điền (giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành) nhận định, vấn đề lao động liên quan mật thiết với nền kinh tế. Khi kinh tế khôi phục, sức mua tăng trở lại kéo theo việc doanh nghiệp cần nguồn lao động lớn hơn để mở rộng quy mô sản xuất.

Theo ông Điền, thị trường lao động sắp tới sẽ có nhiều thay đổi, sắp xếp lại về mặt không gian. Cụ thể, những đô thị lớn như TP HCM có xu hướng ứng dụng công nghệ cao, sử dụng các thiết bị máy móc tiên tiến thay thế cho một lượng lớn lao động, nguồn lao động này theo đó sẽ dịch chuyển về các tỉnh lân cận.

“Nếu trước đây các doanh nghiệp sẽ cần đến 10 người để sản xuất, thì hiện nay với việc đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, họ chỉ còn cần 5. Có thể thấy, việc sử dụng máy móc tự động hóa giúp tăng sản lượng, tính cạnh tranh, số lao động dư ra sẽ chuyển sang làm việc ở các lĩnh vực mang tính thời vụ như vận chuyển hàng hóa, dịch vụ, ngành ăn uống… để phục vụ nhu cầu lễ, Tết. Đây là những ngành mà công nghệ, máy móc khó có thể thay thế được”, TS. Huỳnh Thanh Điền phân tích.

Ông cũng cho rằng, thị trường lao động cuối năm sẽ chỉ dừng lại ở mức ấm lên chứ chưa thể có sự đột phá, do thu nhập của người dân vừa qua bị sụt giảm.

"Khi chuyển dịch, người lao động lúc đầu sẽ không quen nhưng họ sẽ dần thích nghi, nên đây không phải là vấn đề quá đáng lo ngại. Trong bối cảnh này, người lao động cần có nhận thức tốt, hiểu được xu thế và có sự chuẩn bị, cũng như tinh thần ham học hỏi", TS. Huỳnh Thanh Điền bày tỏ.

Về phía doanh nghiệp, vị chuyên gia cho rằng cần tập trung vào 3 yếu tố để thu hút và giữ chân nguồn lao động, đặc biệt là lao động có trình độ cao.

Thứ nhất là mức lương cạnh tranh. Thứ hai, thực hiện tốt các cam kết quốc tế về sử dụng lao động như môi trường, điều kiện làm việc… Thứ ba là chương trình đào tạo, cơ hội thăng tiến cho người lao động.

“Nhiều doanh nghiệp than thở rằng không thể cạnh tranh trong vấn đề tuyển dụng, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào nước ta đã tập trung rất bài bản về các vấn đề trên. Bên cạnh mức lương hấp dẫn, cam kết các điều luật quốc tế về sử dụng lao động, họ còn tạo cơ hội cho người lao động phát triển toàn diện.

Doanh nghiệp cần có chương trình đào tạo phát triển và vẽ ra lộ trình thăng tiến rõ ràng cho người lao động. Nếu không tập trung vào những việc này sẽ khó thu hút và giữ chân người tài. Bởi, người lao động không phải đi làm chỉ vì lương, mà còn về phát triển năng lực nghề nghiệp, cũng như thăng tiến về sau”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Trong quý III/2023, thị trường lao động TP HCM có nhiều biến động. Bên cạnh những khó khăn, thách thức, cũng đã ghi nhận một số tín hiệu tích cực.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP HCM, từ đầu năm đến nay đã giải quyết việc làm cho 242.812/300.000 lượt người (đạt 80,74% kế hoạch). Trong đó số chỗ việc làm mới là 107.368/140.000 chỗ (đạt 76,69% kế hoạch). So với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ giải quyết việc làm tăng 0,24%, tỷ lệ tạo việc làm mới tăng 0,3%.

Tính đến ngày 1/9/2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM đã tổ chức 107 phiên, sàn giao dịch việc làm trực tuyến, tư vấn giới thiệu việc làm cho 127.206 lượt người và có 78.611 người nhận việc.

Theo kết quả khảo sát quý III/2023 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại - dịch vụ với 51.533 chỗ làm việc, chiếm 73,67% tổng nhu cầu nhân lực; khu vực công nghiệp - xây dựng với 18.404 chỗ làm việc, chiếm 26,31%; khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với 14 chỗ làm việc, chiếm 0,02%.

Nhu cầu nhân lực và nhu cầu tìm việc của người lao động tập trung chủ yếu các ngành nghề như kinh doanh thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; kinh doanh quản lý tài sản - bất động sản; dịch vụ tư vấn - nghiên cứu khoa học và phát triển…

Nhu cầu tìm việc của người lao động chủ yếu ở các ngành nghề như kinh doanh thương mại; hành chính - văn phòng - biên phiên dịch; quản lý điều hành; kế toán - kiểm toán, marketing…

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuyen-gia-thi-truong-lao-dong-cuoi-nam-cua-tp-hcm-se-am-len-nhung-chua-the-dot-pha-post267235.html