Chuyên gia hiến kế bịt kẽ hở trong đấu giá đất

Nếu không bịt kẽ hở đấu giá nhiều vòng, việc đấu giá đất sẽ dễ bị lợi dụng để nhà đầu cơ thổi giá hoặc phá hoại.

Thời gian qua, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra nhiều bất thường, hiện tượng trả giá cao rồi bỏ cọc diễn ra ở nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội, khiến nhiều cuộc đấu giá không thực hiện được. Điển hình như vụ việc trả giá "không tưởng" 30 tỷ đồng/m2 đất ở Sóc Sơn (Hà Nội) mới đây. Sau đó, cơ quan điều tra đã vào cuộc và tạm giữ nhóm 5 đối tượng có liên quan để điều tra về hành vi cản trở hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất.

Như đã biết, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện theo thủ tục đấu giá tài sản và đòi hỏi công khai, minh bạch, đảm bảo công bằng. Vì vậy, nếu có hành vi tác động, can thiệp vào thủ tục đấu giá tài sản, khiến cho việc đấu giá tài sản không thể thực hiện được hoặc thông đồng với nhau dìm giá hoặc tăng giá trái pháp luật để trục lợi thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Luật Đấu giá tài sản cũng quy định một trong những hành vi nghiêm cấm người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, nâng giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản.

Về chế tài xử lý liên quan đến những hành vi trên vừa xử phạt hành chính và có thể xử lý hình sự. Cụ thể, tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP đã quy định về mức xử phạt hành chính đối với những người thông đồng nâng giá hoặc dìm giá hoặc là gây mất trật tự, gây rối ở trong cuộc đấu giá. Tuy nhiên, tại Điều 23 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt về hành chính cao nhất là có 20 triệu đồng đối với hành vi thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động đấu giá tài sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, hành vi thông đồng với nhau để thao túng hoạt động đấu giá, làm sai lệch kết quả đấu giá, nhằm mục đích dìm giá để trục lợi thì người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vẫn còn kẽ hở trong việc đấu giá đất. Ảnh: Khôi Nguyên

Vẫn còn kẽ hở trong việc đấu giá đất. Ảnh: Khôi Nguyên

Cũng theo các chuyên gia pháp lý, vẫn còn “kẽ hở” liên quan đến Luật Đấu giá tài sản. Ở đây, việc đấu giá nhiều vòng (bắt buộc) sẽ dẫn đến tình trạng người tham gia đấu giá muốn “phá” có thể lợi dụng để thực hiện, bằng cách họ có thể trả giá cao hơn một mức giá và đến vòng sau họ không trả nữa. Trong trường hợp này, nếu đúng quy định của Điều 39 Luật Đấu giá tài sản thì người tham gia đấu giá không mất tiền cọc.

Đơn cử, như người trả giá 30 tỷ đồng/m2 ở vòng 3 nhưng phiên đấu giá bắt buộc qua 6 vòng thì những vòng sau họ không trả nữa, nếu cũng không có ai trả hơn giá đó thì lô đất sẽ coi như đấu giá không thành công. Và khi đó, người tham gia đấu giá vẫn được nhận lại tiền cọc bình thường khi kết thúc phiên đấu giá.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cần phải xem xét sửa đổi những quy định pháp luật liên quan đến đấu giá nhiều vòng để khắc phục tình trạng này. “Nếu không bịt kẽ hở này, việc đấu giá đất sẽ dễ bị lợi dụng để nhà đầu cơ thổi giá hoặc phá hoại. Hệ lụy của những việc này sẽ dẫn đến cơ quan chức năng phải mất thời gian để tổ chức lại buổi đấu giá, tốn chi phí...”, một chuyên gia pháp lý chia sẻ.

Trao đổi về vụ việc trên, luật sư Lương Thành Đạt – Giám đốc Công ty TNHH Luật Vì Chân Lý Themis cho rằng, trường hợp hành vi cản trở hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất bằng hình thức trả giá cao đến mức bất thường rồi bỏ cọc, khiến cho hoạt động đấu giá không thể tổ chức được hoặc tổ chức không thành công, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 218 Bộ luật Hình sự.

Trong trường hợp có hành vi thông đồng với nhau để thao túng hoạt động đấu giá, làm sai lệch kết quả đấu giá hoặc mục đích dìm giá để trục lợi, thì căn cứ theo theo Điều 218 Bộ luật Hình sự người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản. Mức hình phạt cao nhất có thể lên tới 5 năm tù.

Mặc dù bây giờ các đối tượng trong vụ việc đấu giá ở Sóc Sơn mới chỉ là bị tạm giữ, nhưng đây cũng là hồi chuông cảnh báo cho những các hội, nhóm đang có ý định thông đồng, thỏa thuận với nhau trong việc nâng giá hoặc dìm giá xuống, để tác động đến kết quả đấu giá đất. Bởi vì việc này có thể bị xem xét xử lý về hình sự”, vị chuyên gia pháp lý cho biết.

Điều 218 Bộ luật Hình sự 2015:

Tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản quy định người nào thực hiện hành vi thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

- Có tổ chức.

- Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên.

- Gây thiệt hại cho người khác 300.000.000 đồng trở lên.

- Phạm tội 2 lần trở lên.

- Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Khôi Nguyên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-gia-hien-ke-bit-ke-ho-trong-dau-gia-dat-362562.html