Chuyên gia: Biến động kinh tế thế giới và chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Sáng 3/1, tại Hà Nội diễn ra tọa đàm đối thoại chính sách 'Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Nhìn lại 2024 và Triển vọng 2025'. Trình bày báo cáo tại tọa đàm, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chỉ ra những rủi ro cho tăng trưởng kinh tế 2025.

Trước đó, nhận định về các động lực của nền kinh tế năm 2024, TS Nguyễn Quốc Việt đánh giá cao tăng trưởng phía cầu. Trong đó, động lực trong xuất khẩu vẫn duy trì đà tăng trưởng, dòng vốn FDI tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam, đầu tư tư nhân cũng dần tăng trưởng trở lại.

Tuy nhiên một số lĩnh vực chưa đạt được kỳ vọng như chi tiêu hộ gia đình vẫn yếu. Động lực tăng trưởng tiêu dùng nội địa chủ yếu đến từ doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống (tăng 13%); doanh thu du lịch lữ hành (tăng 17,3%). Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt mục tiêu. Cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt gây áp lực tỷ giá.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trình bày tại tọa đàm.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trình bày tại tọa đàm.

Về tăng trưởng ở tổng cung, vị chuyên gia cho biết sản xuất công nghiệp trên đà phục hồi sau bão Yagi. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại tăng trưởng mạnh mẽ hơn cả giai đoạn trước đại dịch nhưng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn ở mức cao và tiếp tục tăng trong năm 2024. Tăng trưởng cung tiền tiếp tục đà phục hồi từ nửa cuối năm 2024.

Về triển vọng tăng trưởng năm 2025, các dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đều cho thấy sự đồng thuận về tiềm năng phát triển của nền kinh tế trong năm 2025, dự kiến đạt mức 6,5%. Các động lực tăng trưởng như đầu tư công, đầu tư tư nhân và hoạt động xuất nhập khẩu đều đang duy trì đà phát triển. Đồng USD suy yếu và chính sách giảm lãi suất của Fed hỗ trợ kinh tế vĩ mô sẽ tạo thuận lợi cho xuất khẩu, đặc biệt vào Hoa Kỳ. Việt Nam có thể tận dụng chính sách thương mại mới của Hoa Kỳ để nâng vị thế cạnh tranh toàn cầu.

Tuy nhiên, không ít những rủi ro cho tăng trưởng cũng đã xuất hiện. TS Nguyễn Quốc Việt nhận định biến động kinh tế thế giới và các xu thế chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ và các nước lớn có thể giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

“Dù lạm phát 2024 dự kiến dưới 4,5%, áp lực từ giá dầu, hàng hóa thế giới và biến động tỷ giá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, nhập khẩu và sức mua. Bên cạnh đó, các xung đột địa chính trị chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ làm phân mảng kinh tế thế giới, ảnh hưởng tới tăng trưởng toàn cầu, nhất là các quốc gia phụ thuộc xuất khẩu”, ông Việt nhận định.

Bên cạnh đó, trong dài hạn, biến đổi khí hậu và dân số già hóa nhanh chóng đang là mối đe dọa ngày càng tăng đối với sự ổn định tài chính vĩ mô của Việt Nam trong dài hạn.

Khu vực tư nhân ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong đóng góp thu ngân sách nhà nước.

Khu vực tư nhân ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong đóng góp thu ngân sách nhà nước.

Với những phân tích trên, VEPR có 6 khuyến nghị chính sách trong thời gian tới. Thứ nhất, vị chuyên gia cho rằng cần tập trung ổn định vĩ mô gắn với phục hồi tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ hơn so với giai đoạn hậu COVID-19, tránh tư duy nóng vội, chủ quan duy ý chí. Các chính sách vĩ mô cần được ban hành, đánh giá tác động một cách cẩn trọng, đa chiều và có lộ trình cụ thể được công bố sớm để các chủ thể liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp có thể thích ứng, chống chịu tốt hơn trước những “cú sốc” về chính sách.

“Hứng khởi của nền kinh tế 2024 và đầu năm 2025 đến từ các động lực về cải cách, tinh gọn bộ máy nhà nước. Chúng tôi hy vọng cải cách và tinh gọn bộ máy nhà nước hướng tới hệ thống thể chế và quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả, hiện đại, minh bạch, dễ hiểu và dễ thực thi hơn so với giai đoạn trước. Mục tiêu là để giảm rủi ro kinh doanh và chi phí tuân thủ”, TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu tốc độ tăng trưởng cao hơn, mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới, cần tập trung xây dựng quy chế và chính sách để thúc đẩy động lực phát triển bền vững nền kinh tế dựa trên các mô hình tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và phải đáp ứng được xu hướng thương mại – đầu tư toàn cầu.

“Nếu chúng ta đưa ra chính sách và việc thực thi chính sách không đồng nhất, trùng khớp với xu thế thương mại - đầu tư toàn cầu, cũng như xu thế sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thì sẽ khó nâng cao được vị thế cũng như năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế cũng như doanh nghiệp".

Với những rủi ro ngắn hạn, đại diện VEPR cho rằng đảm bảo dư địa chính sách điều chỉnh kinh tế vĩ mô để hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Trong trung hạn, cần nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ và kỹ năng cho lực lượng lao động và phát triển khoa học công nghệ nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh, thúc đẩy kinh doanh sáng tạo và bền vững.

Và cuối cùng, trong dài hạn, xây dựng chiến lược và thực hiện các chính sách phát triển có mục tiêu, có trọng tâm, trọng điểm đồng thời đảm bảo việc giải ngân đầu tư công một cách có hiệu quả.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/chuyen-gia-bien-dong-kinh-te-the-gioi-va-chinh-sach-bao-ho-thuong-mai-cua-my-co-the-lam-giam-tang-truong-kinh-te-viet-nam-1104498.html