Chuyên gia 'bắt bệnh' giá lúa và giá gạo xuất khẩu giảm
Trong vòng 1 tuần qua, giá lúa trong nước và giá gạo xuất khẩu giảm chiếm sóng nhiều diễn đàn. Tâm lý 'chờ đợi' là nguyên nhân của tình trạng này.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, trong vòng 1 tuần trở lại đây, vấn đề giá lúa nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long và giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm "chiếm sóng" trên khắp các diễn đàn mạng xã hội và cả trên các mặt báo, ông nhận định như thế nào về tình hình này?
Giá lúa trong nước và giá gạo xuất khẩu biến động trong suốt tuần vừa qua và cho đến hôm nay (26/2) là do 3 nguyên nhân. Thứ nhất, là do biến động về mặt thị trường.
Cụ thể, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2023, nước ta đã xuất khẩu 512.265 tấn gạo và thu về hơn 362 triệu USD, tăng 4% về lượng và tăng 7% kim ngạch so với tháng trước đó. Đồng thời tăng 42% về lượng và tăng 94% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Xét về thị trường, Philippines vẫn giữ vị trí nhà nhập khẩu gạo Việt lớn nhất với gần 280.944 tấn, tương đương gần 194,28 triệu USD, tăng 7,8% về lượng và tăng 8% về trị giá so với tháng 12/2023. Giá trung bình đạt 691 USD/tấn, tăng nhẹ 0,3% so với tháng trước.
Đáng chú ý, vị trí nhà nhập khẩu lớn thứ 2 đã có sự thay đổi. Nếu như năm 2022 và 2023, Trung Quốc và Indonesia lần lượt chiếm giữ vị trí này thì bước sang tháng đầu năm 2024, Pháp vươn lên vị trí thứ 2 với sản lượng nhập khẩu tăng đột biến. Cụ thể, sản lượng xuất khẩu gạo sang Pháp trong tháng 1 đạt 17.919 tấn, tương đương 18,64 triệu USD, tăng mạnh 16.339% về lượng và tăng 18.356% về kim ngạch so với tháng 12/2023.
Giá bình quân đạt 1.040,2 USD/tấn, cao nhất trong tất cả các thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong khi tháng 1/2023 không xuất khẩu gạo sang thị trường này.
Với sự biến động này, bản thân doanh nghiệp cũng phải chờ đợi xem cơ cấu nhập khẩu gạo của các nước như thế nào? Hiện nay, gần như các nhà cung cầu (bao gồm cả nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu, nhà thu mua, nhà xay xát) đều có tâm lý nghe ngóng thị trường.
Thứ hai, hiện tại Đồng bằng sông Cửu Long, giống lúa chống hạn chỉ còn 2 tuần nữa là thu hoạch hết. Nhưng giống lúa không chống hạn còn có thể kéo dài và thu hoạch sang cuối tháng 3/2024.
Lúa vụ mùa Đông Xuân bao giờ cũng đi kèm với chất lượng tốt và sản lượng lớn. Bản thân các doanh nghiệp đều muốn mua gạo này để chuẩn bị cho các hợp đồng ký vào đầu năm. Đồng thời, có thể đặt ra khung giá được đánh giá như “bàn đạp” để có thể xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm. Do đó, doanh nghiệp mua bán gạo cầm chừng do vừa tác động của yếu tố thị trường, vừa để xây dựng nền tảng dài hơi trong năm nay.
Cũng có ý kiến cho rằng doanh nghiệp tìm mọi cách ép giá nông dân do nguồn cung đầy lên trong bối cảnh vụ Đông Xuân đang trong giai đoạn thu hoạch. Tôi cho rằng, quan điểm này là không thật khách quan. Bởi nếu chúng ta đặt vào vai doanh nghiệp với các tác động về thị trường, cộng với vấn đề về chi phí vận chuyển tăng do vấn đề xung đột Biển Đỏ thì họ cũng sẽ buộc phải tính toán để không bị rơi vào thế bị động.
Với nông dân trồng lúa, thông tin về tình hình El Nino đối với các khu vực trồng lúa chính trên thế giới đã làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung. Bên cạnh đó, thông tin về việc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã hạ dự báo nguồn cung gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024, giảm thêm 4,5 triệu tấn so với mức trước đó.
Cụ thể, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 sẽ đạt khoảng 513,5 triệu tấn (dự báo trước đó là 518 triệu tấn). Trong khi đó, tổng mức tiêu thụ được dự báo sẽ đạt trên 522 triệu tấn. Với cung - cầu như trên, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 8,6 triệu tấn gạo trong năm 2024. Việc cung ít hơn cầu sẽ tạo đà cho giá gạo xuất khẩu tiếp tục neo ở mức cao trong năm 2024.
Với kinh nghiệm năm 2023 cho thấy họ cứ giữ lúa lại và kỳ vọng sẽ bán được đúng thời điểm sẽ tốt hơn. Vì vậy, nông dân cũng chờ đợi với tâm lý giá lúa trong nước và giá gạo xuất khẩu giảm thì sẽ tăng. Vì vậy, họ giữ lúa lại và không bán ra.
Thứ ba, các nhà nhập khẩu gạo biết Việt Nam đang vào vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm nên chưa vội mua vào mà chờ giá tốt.
Nông dân chờ, doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu cùng chờ. Những cái chờ này đều để lắng nghe thị trường về xuất nhập khẩu. Tôi cho rằng, tình trạng chờ đợi này sẽ còn kéo dài trong thời gian ngắn nữa.
Giải pháp nào cho vấn đề giá lúa hiện nay để mang lại lợi ích hài hòa cho cả doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân trồng lúa, thưa ông?
Bài toán bây giờ là hài hòa lợi ích. Trong đó, vai trò của doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng. Nếu họ tính toán có lãi cho doanh nghiệp nhưng đảm bảo lợi ích quốc gia, thì sẽ mở được nút nghẽn. Còn nếu doanh nghiệp cứ tính toán phải lãi thật nhiều, nhưng không nhìn nhận việc người làm ra hạt lúa là người quyết định toàn bộ chuyện kinh doanh của doanh nghiệp thì khó có thể giải quyết được.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, hiện nay, cũng chỉ có số ít những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn còn đủ lực, còn đủ vốn để mua vào. Do đó, để giải nút thắt này cần phải đẩy mạnh tín dụng cho vay đối với các doanh nghiệp có năng lực xuất khẩu và không nên đặt vấn đề là doanh nghiệp phải có hợp đồng mới cho vay.
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp để họ mua lúa vào, như vậy, doanh nghiệp có thể chủ động được cả trong hoạt động xuất khẩu và chủ động được cả mối quan hệ với nông dân.
Đối với nông dân, vụ Đông Xuân là vụ cho thu hoạch sản lượng lớn nhất, sau đó, họ sẽ chuyển sang trồng lúa vụ Hè Thu. Vụ Hè Thu thông thường sản lượng gạo thấp, chất lượng gạo thấp và khá bấp bênh. Do đó, người nông dân trồng lúa phải chủ động vật tư đầu vào.
Giá gạo tăng lên ít trong khi giá vật tư tăng lên nhiều, dẫn đến tình trạng bản thân những người trồng lúa thiếu vốn. Vì vậy, các đơn vị cung cấp vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống..., cần chia sẻ với nông dân bằng hình thức như chậm trả để họ tái sản xuất.
Việc triển khai đồng thời những giải pháp chủ lực này sẽ giúp giá lúa thoát thế giằng co. Việc này cũng giúp xuất khẩu gạo sẽ không lặp lại tình trạng khi giá gạo xuất khẩu bật trở lại thì sẽ dẫn đến việc tranh mua tranh bán và quay lại giống như thời kỳ đầu khó khăn của năm 2023.
Quan trọng là cần xóa đi điểm “chờ” của cả doanh nghiệp và nông dân. Và phải phát triển thị trường lúa gạo bền vững, cũng như giữ uy tín về xuất khẩu gạo.
Dự báo giá gạo thời gian tới sẽ diễn ra như thế nào, thưa ông?
Giá xuất khẩu gạo trong 10 năm vừa qua tăng, nhiều ý kiến cho rằng người nông dân trồng lúa thắng lớn. Tuy nhiên, việc này không hoàn toàn như vậy. Năm 2023, tổng thu nhập của nông dân trồng lúa khoảng 128 triệu đồng/ha, trong khi đó, chi phí đầu tư tăng lên khoảng 70 triệu đồng/ha, do đó, lợi nhuận của nông dân chỉ khoảng 55 – 58 triệu đồng/ha. Trong khi đó, năm 2012, tổng thu nhập của nông dân trồng lúa khoảng 108 triệu đồng/ha, trong khi đó, chi phí đầu vào chỉ 42 triệu đồng/ha, như vậy, họ lãi 66 triệu đồng/ha. Rõ ràng, năm 2023, dù được giá lúa nhưng nông dân giảm đi về lợi nhuận.
Về nhận định giá gạo xuất khẩu như thế nào? Các chuyên gia cũng đã đưa ra nhận định, giá gạo xuất khẩu sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt bởi các hạn chế xuất khẩu đang diễn ra của Ấn Độ. Tác động của El Nino đối với các khu vực trồng lúa chính đã làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung.
Tôi cũng cùng chung quan điểm này. Về ngắn hạn, tôi cho rằng, giá gạo xuất khẩu sẽ tăng nhẹ trở lại trong thời gian tới. Nếu dự báo này là đúng thì những doanh nghiệp thu mua lúa thời điểm này sẽ có lợi.
Xin cám ơn ông!
Giá lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua giảm khá mạnh, thậm chí một số nơi điều chỉnh giá nhiều lần trong ngày. Trong đó, tại An Giang, Cần Thơ,… hầu hết các loại lúa tuần qua có sự giảm giá khá mạnh từ 1.500 – 2.400 đồng/kg. Điển hình như: Đài thơm 8 từ 7.400 – 7.600 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg; OM 18 cũng giảm 1.800 đồng/kg xuống còn từ 7.400 – 7.600 đồng/kg; Nàng Hoa 9 có giá từ 7.000 – 7.200 đồng/kg, giảm 2.200 – 2.400 đồng/kg;… So với vụ Đông Xuân năm 2022 - 2023 giá lúa chỉ 5.800 đồng/kg thì vụ Đông Xuân này nông dân vẫn có lợi nhuận cao hơn.
Về xuất khẩu, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 625 - 630 USD/tấn, giảm so với mức 637 - 640 USD/tấn một tuần trước đó.