Chuyện gì xảy ra sau khi Mỹ một lần nữa rút khỏi UNESCO?

Mỹ hôm 22/7 tuyên bố sẽ rút khỏi UNESCO, một động thái sẽ tác động mạnh tới cơ quan chuyên bảo tồn các di sản thế giới và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa.

 Khách du lịch tham quan Tượng Nữ thần Tự do - di sản thế giới được UNESCO công nhận - tại New York, Mỹ hôm 22/7. Ảnh: Reuters.

Khách du lịch tham quan Tượng Nữ thần Tự do - di sản thế giới được UNESCO công nhận - tại New York, Mỹ hôm 22/7. Ảnh: Reuters.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donald Trump từng đưa Mỹ ra khỏi UNESCO vào năm 2018. Nhà Trắng tuyên bố sự có mặt của Mỹ không phục vụ cho lợi ích quốc gia và cáo buộc UNESCO “cổ súy” cho những phát ngôn chống Israel.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden tái gia nhập UNESCO vào năm 2023, lo ngại sự vắng mặt của Washington tạo điều kiện cho Trung Quốc và các đối thủ cạnh tranh chiến lược giành ảnh hưởng lên các tiêu chuẩn toàn cầu của UNESCO. Năm 2025, ông Trump một lần nữa lặp lại quyết định năm 2018 với lý do tương tự.

Việc Mỹ rút khỏi UNESCO không có gì bất ngờ trong bối cảnh Washington định hình lại chính sách ngoại giao, theo Time.

Theo phương châm “Nước Mỹ trên hết”, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã cắt đứt quan hệ với một số tổ chức quốc tế, như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, rút khỏi các thỏa thuận toàn cầu như Hiệp định Khí hậu Paris, đồng thời tái xem xét nguồn tài trợ cho nhiều cơ quan.

Bước đi của Mỹ khiến Liên Hợp Quốc - vốn trong quá trình cải tổ toàn diện - phải đánh giá lại các chương trình và sáng kiến cốt lõi, cũng như lên kế hoạch cho một tương lai không có nhà tài trợ lớn nhất.

Quyết định Mỹ rút lui khỏi UNESCO sẽ có hiệu lực vào tháng 12/2026, giáng một đòn mạnh vào cơ quan này.

UNESCO là gì?

UNESCO, viết tắt của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc, thành lập sau Thế chiến II nhằm thúc đẩy hòa bình thông qua hợp tác quốc tế. Hiện nay, gần 200 quốc gia là thành viên của UNESCO, cùng với 12 thành viên liên kết.

UNESCO nổi tiếng với chương trình Di sản Thế giới, công nhận 1.248 địa danh lịch sử ở 170 quốc gia cần được bảo vệ, từ Taj Mal ở Ấn Độ, kim tự tháp Giza ở AI Cập đến Nhà thờ Đức Bà ở Pháp. UNESCO công nhận 26 địa điểm tại Mỹ là di sản thế giới.

“Các di sản thế giới thuộc về mọi người trên thế giới, bất kể nằm ở lãnh thổ nào”, trang web của UNESCO viết.

 UNESCO nổi tiếng với chương trình Di sản Thế giới, công nhận 1.248 địa danh lịch sử ở 170 quốc gia cần được bảo vệ. Ảnh: Reuters.

UNESCO nổi tiếng với chương trình Di sản Thế giới, công nhận 1.248 địa danh lịch sử ở 170 quốc gia cần được bảo vệ. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, tuyên bố này dường như trái ngược với phương châm “Nước Mỹ trên hết” của chính quyền ông Trump. Hồi tháng 7, ông Trump ký sắc lệnh hành pháp tăng phí cho khách du lịch nước ngoài đến thăm các công viên quốc gia Mỹ, nhiều trong số này là di sản thế giới. “Các công viên quốc gia sẽ đặt nước Mỹ lên hàng đầu”, ông Trump phát biểu.

Ngoài nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa, sứ mệnh của UNESCO là “đặt ra các tiêu chuẩn, tạo ra các công cụ và phát triển kiến thức để tìm ra giải pháp cho một số thách thức lớn nhất hiện tại, đồng thời thúc đẩy một thế giới bình đẳng và hòa bình hơn”.

“Bảo vệ đa dạng sinh học, ứng phó với trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy giáo dục chất lượng, bảo vệ di sản và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin đáng tin cậy là một số công việc UNESCO đang thực hiện với 194 quốc gia thành viên trên toàn cầu”, trang web cho biết thêm.

Vì sao Mỹ muốn rời UNESCO?

Mỹ và UNESCO vốn có mối quan hệ phức tạp suốt nhiều năm qua, trước cả thời ông Trump và ông Biden. Mặc dù là thành viên sáng lập UNESCO từ năm 1945, Mỹ đã 3 lần tuyên bố rời tổ chức.

Dưới thời chính quyền Ronald Reagan, Washington rút khỏi UNESCO vào năm 1984 khi cho rằng tổ chức này “quản lý yếu kém, tham nhũng và bị lợi dụng thúc đẩy lợi ích của Liên Xô”. Sau đó, Mỹ tái gia nhập vào năm 2003 dưới thời ông George W.Bush, nhưng ngừng tài trợ sau khi UNESCO kết nạp Palestine làm thành viên chính thức vào năm 2011 dưới thời ông Barack Obama.

Trong một tuyên bố, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cho biết quyết định rút lui khỏi UNESCO dựa trên căn cứ cơ quan này ủng hộ “các mục tiêu xã hội và văn hóa gây chia rẽ”. Bà khẳng định việc tập trung vào các Mục tiêu phát triển Bền vững là một phần của “chương trình nghị sự toàn cầu hóa, mang tính ý thức hệ và phát triển quốc tế không đồng nhất với chính sách đối ngoại Nước Mỹ trên hết”.

Bà Bruce nói thêm việc UNESCO “công nhận ‘Nhà nước Palestine’ là quốc gia thành viên hồi năm 2011 rất đáng lo ngại, trái ngược với chính sách của Mỹ và góp phần thúc đẩy luận điệu chống Israel trong tổ chức”.

Danny Danon - Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc - hoan nghênh Mỹ đã có “phản ứng phù hợp với sự thiên vị chống Israel liên tục trong UNESCO”.

 Ông Trump đã 2 lần quyết định đưa Mỹ ra khỏi UNESCO. Ảnh: Reuters.

Ông Trump đã 2 lần quyết định đưa Mỹ ra khỏi UNESCO. Ảnh: Reuters.

Audrey Azoulay - Tổng giám đốc UNESCO - cho biết bà “lấy làm tiếc” vì quyết định của Mỹ, song đã dự đoán trước và UNESCO “đã chuẩn bị cho điều đó”. Bà cũng phủ nhận cáo buộc chống Israel, khi cơ quan này luôn nỗ lực trong “lĩnh vực giáo dục về nạn diệt chủng Holocaust và chống chủ nghĩa bài Do Thái”.

“Những lý do Mỹ đưa ra vẫn giống 7 năm trước, mặc dù tình hình đã thay đổi, căng thẳng địa chính trị đã lắng xuống. UNESCO ngày nay là diễn đàn hiếm hoi thể hiện sự đồng thuận về chủ nghĩa đa phương và hướng tới hành động”, bà Azoulay nói thêm.

Trong khi đó, Gregory Meeks - thành viên đảng Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện - khẳng định chính quyền Trump một lần nữa “tung đòn tấn công” vào lĩnh vực hợp tác quốc tế và vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.

“Quyết định này sẽ tạo lợi thế cho các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là Trung Quốc, những nước sẽ lợi dụng khoảng trống từ Mỹ để định hình hệ thống quốc tế theo hướng có lợi cho họ”, ông Meeks nói.

UNESCO sẽ gánh chịu những tác động về mặt tài chính lẫn biểu tượng sau khi Mỹ rời đi. Do Mỹ là một trong những quốc gia tài trợ lớn nhất cho UNESCO, cơ quan này có thể buộc phải thu hẹp quy mô hoặc tái cấu trúc các sáng kiến bảo tồn. Bà Azoulay khẳng định trong những năm gần đây, UNESCO đã cải cách cơ cấu và đa dạng hóa các nguồn tài trợ.

“Từ năm 2018, khoảng trống tài trợ từ Mỹ đã được bù đắp, hiện chỉ chiếm 8% tổng ngân sách, so với mức 40% cho một số cơ quan Liên Hợp Quốc. Đồng thời, ngân sách chung của UNESCO cũng tăng đều đặn”, bà nói.

Bà Azoulay cam kết UNESCO sẽ tiếp tục sứ mệnh bất chấp “nguồn lực chắc chắn bị cắt giảm”. Cơ quan này hiện chưa có kế hoạch sa thải nhân viên.

“UNESCO chào đón tất cả quốc gia trên thế giới, và Mỹ luôn luôn được chào đón”, bà nói. “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với tất cả đối tác Mỹ trong khu vực tư nhân, học viện và tổ chức phi lợi nhuận, đồng thời theo đuổi đối thoại chính trị với chính quyền và Quốc hội Mỹ”.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/chuyen-gi-xay-ra-sau-khi-my-mot-lan-nua-rut-khoi-unesco-post1571023.html