Chuyển đổi xe điện: hệ thống trạm sạc cũng phải phát triển đồng bộ
Chuyển từ xe máy, ô tô dùng động cơ chạy bằng xăng dầu sang xe điện là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, ngay từ đầu cần đưa vào kế hoạch chuyển đổi yêu cầu về hạ tầng sạc điện. Đây là yếu tố đóng vai trò rất quan trọng khi triển khai kế hoạch chuyển đổi.
(KTSG) – Chuyển từ xe máy, ô tô dùng động cơ chạy bằng xăng dầu sang xe điện là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, ngay từ đầu cần đưa vào kế hoạch chuyển đổi yêu cầu về hạ tầng sạc điện. Đây là yếu tố đóng vai trò rất quan trọng khi triển khai kế hoạch chuyển đổi.
Theo số liệu đưa ra tại hội thảo về giao thông xanh cho TPHCM cuối tuần qua, cần 970 tỉ đồng hỗ trợ để người dân huyện Cần Giờ chuyển sang dùng xe điện 100%. Theo lộ trình do Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đề xuất, việc chuyển đổi được chia thành ba giai đoạn từ năm 2024-2030 bao gồm các khoản hỗ trợ chi phí mua xe và các khoản ưu đãi về lãi suất vay mua xe, lệ phí trước bạ, đăng ký xe.
Theo kế hoạch nói trên, tổng kinh phí thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch tại huyện Cần Giờ là hơn 970 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách đảm nhiệm khoảng 384 tỉ đồng và vốn từ doanh nghiệp, xã hội hóa khoảng 590 tỉ đồng(1).
Chuyển đổi sang giao thông xanh góp phần làm giảm phát thải và thực hiện cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050. Để chuyển đổi sang giao thông xanh thì đồng thời cũng phải tính đến nguồn cấp điện cho trạm sạc, mạng lưới trạm sạc và hệ thống chữa cháy cho xe điện.
Mạng lưới trạm sạc góp phần rất lớn trong việc khuyến khích người dân chuyển sang dùng xe điện. Đối với cả xe máy lẫn ô tô điện, điểm hạn chế thiếu trạm sạc nhanh cho đến nay vẫn là cản ngại lớn. Để sạc xe điện thì có ba mức độ nạp điện từ chậm đến nhanh là sạc cấp độ (level) 1, 2 và 3. Dù xe điện có thể sạc tại nhà với bộ sạc cấp độ 1 nhưng thời gian sạc rất chậm, vì vậy muốn tăng sự tiện dụng của xe điện thì cần có mạng lưới trạm sạc nhanh cấp độ 3, công suất từ 30-60 kW. Đây là một hạng mục đầu tư khá tốn kém.
Để việc xanh hóa giao thông đạt được đúng ý nghĩa bản chất, cần đặt tiêu chí nguồn cung cấp điện cho trạm sạc cũng phải xanh.
Nếu dùng nguồn điện từ nhiên liệu hóa thạch của các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than hay dầu thì tiêu chí giao thông xanh chỉ mới đạt một phần. Do xe điện tiêu tốn một lượng điện không nhỏ để sạc nên cần tính đến nguồn cung cấp điện phát sinh này để đầu tư thêm cho hệ thống truyền tải ở Cần Giờ để tránh quá tải lưới điện. Bên cạnh đó cũng cần đầu tư thêm cho nguồn cung cấp điện xanh từ năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời để cung cấp điện cho trạm sạc.
Một yếu tố quan trọng nữa là an toàn cháy nổ pin xe điện, hiện nay phổ biến là loại pin lithium. Khác với các nguồn cháy khác, pin xe điện một khi đã cháy thì không thể dập tắt bằng các loại bình cứu hỏa dùng bột hay CO2. Cũng không thể dùng nước vì pin lithium khi cháy nóng đến 600-700 độ C, nước gặp nhiệt độ cao sẽ biến thành hydro và gây nổ. Cháy pin xe điện khó dập tắt vì đây là phản ứng hóa học nên cháy không cần có oxy, muốn dập tắt cần có loại dung dịch chữa cháy riêng khá đắt tiền(2).
Ngay cả xe điện của những thương hiệu nổi tiếng thế giới như Mercedes hay Tesla vẫn bị cháy, không có sự an toàn tuyệt đối. Vì vậy, nếu điện hóa giao thông thì cần phải quan tâm đầu tư cho hệ thống an toàn hỏa hoạn do xe điện một khi đã cháy sẽ gây hậu quả rất lớn do khó dập tắt. Chẳng hạn, hôm 1-8, tại Hàn Quốc xảy ra vụ nổ pin ô tô điện Mercedes gây cháy lan cho 70 xe xung quanh trong hầm xe của một tòa nhà. Trong khi đó hôm 16-8 tại Bồ Đào Nha, một xe điện Tesla đậu trong bãi xe ở sân bay đã gây ra đám cháy, thiêu rụi 200 ô tô đậu xung quanh.
Theo số liệu của Cơ quan Cứu hỏa quốc gia Hàn Quốc, trong năm 2023 đã có 114 vụ cháy pin xe điện khiến hai người chết và 28 người bị thương, cao hơn nhiều so với 46 vụ xảy ra năm 2019. Hơn 57% số vụ cháy bắt nguồn từ việc sạc pin, có thể do quá nóng hoặc do dòng điện cao dẫn tới cháy, nổ(3).
Hàn Quốc là nước phát triển hạ tầng xe điện khá tốt và có phương tiện chữa cháy hiện đại nhưng số vụ hỏa hoạn xe điện vẫn không phải là ít. Số liệu của nước này cho thấy, hạng mục đầu tư bổ sung hệ thống chữa cháy xe điện cần sớm được đưa vào các bản kế hoạch xanh hóa giao thông quy mô lớn ở Việt Nam không phải là chuyện lo xa quá mức.
(2) Nỗi lo về pin xe điện từ vụ cháy bi thảm ở Hà Nội