Chuyển đổi số trong nông nghiệp: xu thế cho phát triển bền vững

Nắm bắt được xu thế tất yếu của chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhiều địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã triển khai nhiều giải pháp và đẩy mạnh việc ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất để hướng đến nền kinh tế nông nghiệp xanh và bền vững.

Xu hướng tất yếu của ngành nông nghiệp

Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số.

Chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu trong quá trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp; góp phần nâng cao năng suất, tính cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Nhận thức được tầm quan trọng và xu thế tất yếu của chuyển đổi số trong nông nghiệp, thời gian qua, nhiều địa phương ĐBSCL đã triển khai giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực này.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đang được thực hiện theo 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Thực tế cho thấy chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng, cấp thiết trên mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện nay chủ yếu là các phần mềm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu (Data Analytics) để giúp quản lý rủi ro, cảnh báo sớm thiên tai, dịch bệnh…

Từ đó, các cấp, các ngành, người nông dân sẽ có biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế được rủi ro do biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững hơn.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) kết hợp với công nghệ sinh học sẽ giúp phân tích dữ liệu về môi trường, các loại đất, đặc điểm cây trồng, vật nuôi và các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của đối tượng nuôi, trồng, giúp người sản xuất đưa ra những quyết định phù hợp như bón phân, tưới nước, phun thuốc, thu hoạch....

Người dân xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng lúa. Ảnh: T.L

Người dân xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng lúa. Ảnh: T.L

Chuyển đổi số phát triển nông nghiệp xanh và bền vững

Theo ông Ngô Minh Long, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã xây dựng kế hoạch ứng dụng chuyển đổi số trong các lĩnh vực quản lý, xây dựng bộ dữ liệu và lắp đặt các thiết bị nông nghiệp thông minh như trạm quan trắc sâu rầy thông minh, trạm đo mặn tự động... phục vụ cho sản xuất, cảnh báo và quản lý điều hành.

Cùng với đó là áp dụng phần mềm quản lý văn bản, theo dõi công việc, Sở còn xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu cho các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi, nước sạch, quản lý chất lượng nông lâm sản…

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho biết: Đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Theo đó, tỉnh Đồng Tháp đã phát triển và đang vận hành thử nghiệm nền tảng dữ liệu số ngành nông nghiệp tại địa chỉ vdapes.com từ tháng 5/2023, có tích hợp các thiết bị IoTs vào tất cả hoạt động để có thể thu thập dữ liệu tự động.

"Muốn tăng được năng suất chỉ còn giải pháp áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất. Hoặc giữ ổn định năng suất nhưng gia tăng thêm về giá trị, ứng dụng cơ giới hóa để giảm công lao động, giảm chi phí.

Chế biến chuyên sâu và tận dụng tất cả các phụ phẩm theo quy trình tuần hoàn khép kín." - ông Nguyễn Văn Vũ Minh chia sẻ kinh nghiệm trong chuyển đổi số thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Đồng quan điểm ông Ngô Văn Bích, Giám đốc phát triển mạng nhà nông cho rằng: “Mạng nhà nông ra đời là một giải pháp chuyển đổi số trong nông nghiệp và hỗ trợ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản”.

Về hỗ trợ nông dân kết nối tiêu thụ nông sản, mạng nhà nông đã thành lập “Sàn mua - bán trước nông sản” giúp nông dân đăng ký nhu cầu mua, bán sản phẩm với diện tích, sản lượng dự kiến và thời gian thu hoạch. Mạng nhà nông sẽ giúp kết nối cung cầu, giúp tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Quân, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Checkee cho rằng, cần chú trọng thực hiện truy xuất nguồn gốc và bán hàng đa kênh để tăng doanh thu, tăng liên kết trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp.

Đồng thời, tăng cường ứng dụng các nền tảng công nghệ giúp các doanh nghiệp kết nối trực tiếp với khách hàng, đơn vị phân phối, bán lẻ và đơn vị cung cấp đầu vào. Đây là những giải pháp đang đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất và chất lượng của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nông sản.

Ngọc Phạm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chuyen-doi-so-trong-nong-nghiep-xu-the-cho-phat-trien-ben-vung.html