Chuyển đổi số trong GDNN: Nắm bắt được cơ hội, trường nghề sẽ thành công

Chuyển đổi số là cơ hội để các trường nghề ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của DN cũng như thị trường lao động tốt hơn.

Sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao thực hiện chuyển đổi số

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội và “Chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Sở LĐTB&XH Hà Nội đang tích cực chuyển đổi số trong toàn ngành, ở lĩnh vực lao động việc làm, chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội ứng dụng công nghệ trong bài giảng.

Hoạt động chuyển đổi số đã được các cơ sở GDNN thực hiện từ những năm trước. Nhất là khi đại dịch Covid-19 xảy ra, cùng với các trường phổ thông trên cả nước, nhiều trường nghề ở Hà Nội đã thực hiện chuyển đổi số bằng việc chuyển từ dạy học lý thuyết và thực hành trực tiếp sang hình thức trực tuyến. Các trường đã sử dụng phần mềm để giảng dạy; giáo viên và tổ bộ môn, khoa xây dựng bộ học liệu điện tử (quay clip bài thực hành…) ở một số môn học, mô đun và một các ngành nghề phù hợp để giảng dạy trực tuyến.

Chia sẻ về chuyển đổi số trong hệ thống GDNN, Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết: Trong thời gian Covid-19, nhà trường dạy học online ở chuyên ngành Công nghệ thông tin (CNTT), một số môn cơ sở của chuyên ngành Công nghệ ô tô và các môn chung. Đây là tiền đề để công tác chuyển đổi số được nhà trường quan tâm, chú trọng thực hiện nhanh hơn.

Một số môn cơ sở của chuyên ngành Công nghệ ô tô, trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội thực hiện chuyển đổi số.

Đến nay, Đảng ủy, Ban Giám hiệu trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội đã xây dựng Chương trình Ứng dụng CNTT trong hoạt động đào tạo, đưa vào nghị quyết, kế hoạch của nhà trường để triển khai thực hiện trong giai đoạn 2023 – 2025 và 2025 – 2030. Mục tiêu chung của chuyển đổi số là đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, tư vấn, giải quyết việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.

Và, nhà trường cũng đang sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao đề tài nghiên cứu khoa học cấp TP Hà Nội “Nghiên cứu triển khai phương thức đào tạo kết hợp (Blended Learning) tại các cơ sở GDNN trình độ trung cấp nghề của TP Hà Nội” của nhóm tác giả cùng với đơn vị thực hiện là trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long.

Ngoài ra, đối với trình độ sơ cấp, nhà trường đang đào tạo nghề lái xe có thực hiện chuyển đổi số rất nhanh từ hệ thống phần mềm do Bộ Giao thông vận tải chuyển giao ở các nội dung từ quản lý đầu vào, tổ chức đào tạo, điểm danh, kiểm tra, giám sát, thi sát hạch, cho đến các dịch vụ công đi kèm như trả giấy phép lái xe. Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội là 1 trong 5 cơ sở GDNN được Tổng cục GDNN giao thí điểm xây dựng phần mềm về GDNN từ Tổng cục đến mạng lưới các cơ sở GDNN trên toàn quốc.

Kết nối với doanh nghiệp để chuyển đổi số tốt hơn

Chuyển đổi số trong dạy và học nghề thì phương thức đào tạo Blended Learning khá phù hợp; nghĩa là kết hợp giữa online và offline (giờ này dạy online, giờ kia dạy offline). Theo đó, khi dạy online hay offline, giáo viên phải xây dựng học liệu online (clip, video các tài liệu, bài tập…) để học sinh xem, trả lời và giáo viên đánh giá kết quả. Với việc học online, tài liệu được treo lên hệ thống thì học sinh có thể học bất cứ lúc nào, kể cả lúc xuống DN trải nghiệm buổi ngày thì các em học buổi tối, như vậy sẽ chủ động hơn. Thực hiện phương thức Blended Learning, năng suất lao động của giáo viên tăng lên và thu nhập cũng cao hơn.

Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội ứng dụng thực tại tăng cường trong kiểm tra đánh giá kết quả học tập, nghề Công nghệ thông tin. Ảnh: Vương Tân.

Hiện nay, nhiều ngành có thể áp dụng chuyển đổi số 100% nhưng trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội đang lấy CNTT làm then chốt, thực hiện thí điểm trước, cũng bởi các giáo viên trong khoa giỏi về CNTT. “Các thầy cô trong khoa đã xây dựng được 200 giờ giảng online. Nhưng đấy là vòng một, tiếp đến vòng hai là dạy thử, xem học sinh tương tác thế nào, rút kinh nghiệm với nhau, chỉnh sửa lại.

Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội có các ngành ngôn ngữ (tiếng Anh, Nhật, Đức) rất thuận lợi để thực hiện chuyển đổi số dạy học online hoàn toàn. Bởi hiện có rất nhiều các chương trình ngoại ngữ đã được xây dựng học liệu (tính phí và miễn phí); nhà trường đang hợp tác với các đối tác để cung cấp học liệu, giáo viên nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả đào tạo…”- TS. Phạm Quang Vinh – Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội, là Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp TP Hà Nội “Nghiên cứu triển khai phương thức đào tạo kết hợp (Blended Learning) tại các cơ sở GDNN trình độ trung cấp nghề của TP Hà Nội” cho hay.

Kết nối với DN đưa học sinh đến xưởng sản xuất thực tập là cách để trường Trung cấp nghề cơ khí I Hà Nội tiếp cận tiến bộ công nghệ. Ảnh: Hải Phượng.

Một bài toán giúp trường nghề chuyển đổi số tốt hơn là kết nối với DN để đưa học sinh đến xưởng sản xuất để thực tập cũng là cách tiếp cận các tiến bộ công nghệ. Vấn đề đặt ra là bây giờ các DN rất cần người lao động để làm việc, vậy nhà trường có sẵn sàng đưa học sinh đến bất cứ thời gian nào họ cần, chứ không phải chỉ hai tháng trong một năm. Do đó, nhà trường muốn tận dụng được trang thiết bị, công nghệ của DN thì phải thay đổi chương trình, cách thức đào tạo để có thể đưa học sinh đi thực tập khi DN cần.

Chuyển đổi số là cơ hội, thời cơ lớn để các nhà trường thay đổi. Với quan điểm này, TS. Phạm Quang Vinh cho rằng, nếu nhà trường nắm bắt được cơ hội, có năng lực để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, của DN tốt hơn, nâng cao được chất lượng và hiệu quả đào tạo sẽ thắng lợi. Thực hiện kết nối sâu với DN, nhà trường giảm được chi phí điều hành, vận hành và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Và cũng giải quyết được nghịch lý nhà trường không có nhiều tiền nhưng phải tăng chất lượng, hiệu quả đào tạo.

Cùng với việc giáo viên các cơ sở GDNN thay đổi tư duy trong đào tạo, các trường mong muốn rất cần có kênh pháp lý để chuyển đổi số thuận lợi. Ví dụ, như rất khó để áp dụng công thức chung đào tạo online 30%, offline 70% vì mỗi ngành nghề có đặc thù riêng. Các trường rất cần được giao quyền tự chủ cao hơn để thực hiện đào tạo, bởi điều quan trọng là thị trường lao động đón nhận sản phẩm đầu ra của trường như thế nào; bao nhiêu phần trăm học sinh có việc làm sau khi tốt nghiệp...

Trần Oanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chuyen-doi-so-trong-gdnn-nam-bat-duoc-co-hoi-truong-nghe-se-thanh-cong.html