Chuyển đổi số ngân hàng: Điều cần làm đầu tiên là chuyển đổi nhận thức

Chuyển đổi số ngân hàng ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng nên mục tiêu quan trọng nhất là để khách hàng sử dụng dịch vụ an toàn hiệu quả và tiện dụng nhất.

15.000 tỷ đồng chuyển đổi số ngân hàng

Chiều 28/9, chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Ngành Ngân hàng tiên phong chuyển đổi số: Để toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi", phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán Ngân hàng nhà nước (NHNN) Lê Anh Dũng cho biết, 95% ngân hàng đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số.

Các ngân hàng Việt Nam đã tích cực, chủ động trong việc nắm vững công nghệ 4.0, chẳng hạn như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn… để số hóa, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên hệ thống số.

Ông cũng cho hay trên nghĩa tích cực của chuyển đổi số, ngành Ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hoạt động này và đã thu được những thành quả rất tích cực.

Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu khi tỉ lệ tăng trưởng 40% chỉ trong thời gian ngắn. Đại dịch đã rút ngắn chuyển đổi số ngành Ngân hàng, cả ngân hàng và người dân đều được hưởng lợi vì điều này.

Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán Ngân hàng nhà nước Lê Anh Dũng.

Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán Ngân hàng nhà nước Lê Anh Dũng.

Cũng tại tọa đàm, TS. Phạm Xuân Hòe, chuyên gia kinh tế, nhận định NHNN và ngân hàng thương mại rất quan tâm đến chuyển đổi số và quan trọng nhất là chuyển đổi tư duy, chuyển đổi quy trình, chính sách. Hầu hết các ngân hàng đều có lãnh đạo cấp cao là những người xuất phát từ ngành công nghệ thông tin. Và bây giờ NHNN đã có hẳn 1 Phó Thống đốc phụ trách về công nghệ thông tin và từ dân IT ra.

“Tôi nghĩ rằng đó là những điều thuận lợi và khẳng định vị trí, vai trò tiên phong của ngân hàng”, TS. Phạm Xuân Hòe nhấn mạnh.

Ông bổ sung thêm các số liệu để chứng minh 95% các nghiệp vụ về thanh toán cũng như tiền gửi về cơ bản được thực hiện qua công nghệ số và có những khách hàng cá nhân gần như giao dịch 100% qua công nghệ số. Đó là lý do tại sao các tổ chức quốc tế đánh giá rằng Việt Nam là một nước đang phát triển nhưng đi đầu trong nhóm phát triển công nghệ số ngành ngân hàng.

Cần chuyển đổi nhận thức trong chuyển đổi số

Để thực hiện các mục tiêu cụ thể của ngành Ngân hàng phấn đấu đến năm 2025 có 50% nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, ông Lê Anh Dũng nhấn mạnh đến những trụ cột. Đầu tiên là chuyển đổi số về hình thức, nguồn lực, tập trung đầu tư cho phát triển các hạ tầng có tính vận hành, hệ thống thanh toán điện tử…

Ông Dũng thông tin thêm, trong thời gian tới ngành sẽ đẩy mạnh phối hợp với Bộ Công an trong việc kết nối nền tảng dữ liệu đang có như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc định danh, xác thực điện tử chính xác và cung cấp những dịch vụ an toàn, tiện lợi, nhanh chóng, uy tín, hợp lý.

“Cuối cùng, không thể thiếu được là trong kỷ nguyên số thì rủi ro là rất lớn và thường trực. Bởi vậy, chúng tôi cũng xác định các ngân hàng và NHNN phải an toàn trong dịch vụ. Chúng ta cũng đã chứng kiến những vụ gian lận, tấn công vào người dùng… Vì vậy, người dùng cũng phải được cung cấp thông tin, kiến thức, được giáo dục kỹ năng an toàn tài chính để tận dụng tốt nhất các sản phẩm số của ngân hàng", ông Dũng cho hay.

Bên cạnh đó, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng đề xuất một số giải pháp: "Các ngân hàng thương mại cần chuyển đổi nhận thức trong quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng nên mục tiêu quan trọng nhất là làm sao phải để khách hàng là thượng đế thực sự, sử dụng dịch vụ an toàn hiệu quả và tiện dụng nhất".

“Bởi vậy, đối với ngành ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng thương mại, tôi cho rằng điều đầu tiên là chuyển đổi nhận thức tới toàn thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên trong hệ thống, xác định được lấy khách hàng là trọng tâm. Và muốn lấy khách hàng là trọng tâm thì trong quá trình chuyển đổi số, đảm bảo an toàn cho khách hàng là điều đầu tiên”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng.

Thứ hai là phải đào tạo đội ngũ nhân viên mang tính chuyên nghiệp, phù hợp với cả quá trình chuyển đổi số, chứ không phải chuyển đổi công nghệ là xong. Phải đào tạo con người ngành mình phù hợp với cả quá trình chuyển đổi số về quy trình, kỹ năng sử dụng, tư cách đạo đức.

Thứ ba, phải có quy trình phòng ngừa rủi ro tới mức cao nhất, và trong thời gian tới, đối với chuyển đổi số phải có ứng dụng phòng chống rửa tiền. Các ngân hàng phải nhận thức vấn đề này.

Hơn thế nữa, các ngân hàng thương mại phải đặt mục tiêu chiến lược của mình trong việc truyền thông quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình để người dân hiểu, chia sẻ, sử dụng một cách an toàn hiệu quả, đảm bảo làm sao người dân có thể bảo mật thông tin, không bị kẻ gian lợi dụng, không bị hack. Tất cả những việc như vậy có thể xảy ra nhưng người dân hiểu biết được thì chắc chắn sẽ hạn chế, ngăn chặn được rủi ro.

Lê Thanh Hồng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chuyen-doi-so-ngan-hang-dieu-can-lam-dau-tien-la-chuyen-doi-nhan-tuc-a571995.html