Chuyện đời, chuyện nghề của một Trưởng Công an huyện
Lần nào gặp Đại tá Nguyễn Tiến Tần, Trưởng Công an huyện Thường Tín, Hà Nội tôi cũng thấy ở anh đầy ắp năng lượng, vừa sôi nổi tiếp chuyện, vừa chỉ đạo công việc với ngồn ngộn văn bản giấy tờ cần kí tá.... Có cảm giác rằng, những người ở cạnh anh, kể cả những người đã công tác lâu năm, đều bị 'áp lực', vì muốn chậm cũng... không được.
1. Tất cả đều bị cuốn theo phong cách nhanh nhẹn, quyết đoán của người lãnh đạo vốn xuất thân từ lính hình sự "số 7 Thiền Quang" - nơi đã thành huyền thoại và là thương hiệu của lực lượng Cảnh sát Hình sự Thủ đô. Vì như anh nói, chậm một nhịp thôi là đã lỡ bao nhiêu cơ hội, có khi chỉ đi sau tội phạm vài phút, chúng đã trốn qua biên giới. Phải nhanh gọn, dứt điểm.
Suốt quãng hành trình rất dài ở ngôi nhà số 7 Thiền Quang, nơi Đại tá Nguyễn Tiến Tần từng là anh lính Đội 8 (chống cướp và cướp giật, đua xe), Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Nội, tôi có dịp làm việc cùng anh rất nhiều lần và ấn tượng lúc nào cũng là sự nhanh nhẹn, quyết liệt. Anh lính hình sự khi ấy với hình dáng xù xì gai góc, quật một phát là tên tội phạm đã nằm im thúc thủ, nhưng cũng rất nhiều lần tự tay đi mua tư trang cá nhân cho bị can khi người nhà họ chưa kịp gửi. Và cũng vài lần, tôi chứng kiến anh lính hình sự tưởng là lạnh lùng ấy rút giấy ăn đưa cho bị can nữ khi họ không kìm chế được mà khóc vì ân hận bởi tội lỗi của mình.
Nhiều lần giữa đêm, anh gọi tôi hối hả: "Đến đi, bọn anh vừa "bế" một "cháu" về. Luôn thì gặp được, không là lại vào trại đấy". Thế là tôi với máu nghề nghiệp, kể cả giữa đêm mùa đông rét căm căm, cũng lao ra khỏi nhà. Tôi vẫn nhớ đêm mùng 8, rạng sáng 9/1/2021, cũng là thời điểm Hà Nội đón cái lạnh rét đậm, rét hại, đang nằm trong chăn ấm, bỗng điện thoại réo vang. Những cuộc điện thoại lúc nửa đêm vốn bất thường, nhưng khi màn hình hiện lên tên người gọi thì tôi hiểu rằng, đã có một đối tượng vừa gây án đặc biệt nghiêm trọng nào đó được anh em bắt về. Từ Phú Thượng nhà tôi xuống Thường Tín khoảng hơn 20 cây số, nhưng chưa khi nào tôi thấy quãng đường ngắn thế.
Khi tới nơi thì đã thấy các anh dẫn giải đối tượng Nguyễn Văn Tùng, 28 tuổi, ở xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, do mâu thuẫn tình cảm nên đã sát hại người tình là chị L.T.L. (31 tuổi, ở xã Liên Phương, huyện Thường Tín tại khu vực phía trước Công ty TNHH MTV Sino Việt Nam, xã Liên Phương, huyện Thường Tín), về đến cơ quan Công an. Tức là suốt nhiều ngày trước đó, các anh làm việc không có thời gian nghỉ và thói quen ấy lâu dần khiến họ mất cảm giác nghỉ ngơi nên giữa đêm gọi điện cho nhà báo mời xuống làm việc cũng là điều dễ hiểu.
2. Để thành công, dù làm bất cứ nghề nghiệp nào cũng cần có tố chất, với những nghề đặc biệt như Cảnh sát Hình sự thì càng đòi hỏi tố chất, đòi hỏi dấu ấn cá nhân nhiều hơn. Điều ấy càng rõ với Đại tá Nguyễn Tiến Tần. Nếu không có kinh nghiệm và sự nhạy cảm nghề nghiệp của anh thì mãi mãi, một vụ án đã chìm theo thời gian và cái chết của một em bé vô tội mãi mãi là một bí mật không có lời giải.
Nhắc lại vụ án ấy, Đại tá Tần nhớ lại: "Chiều 1/3/2023, khi tôi vừa về đến Hà Nội sau chuyến công tác thì nhận được điện thoại của một người bạn. Trước đó chúng tôi có cuộc hẹn ngồi với nhau nhưng anh bạn xin lùi cuộc hẹn vì gia đình có việc, có đứa cháu trong họ, nhà ở xã Vạn Điểm bị tai nạn, ngã ở một điểm trông giữ trẻ tự phát và hiện bệnh viện đã trả về, gia đình đang lo hậu sự. Một ý nghĩ đến rất nhanh trong đầu tôi, ngã như thế nào, ngã ở trường mẫu giáo sao lại dẫn đến tử vong. Ngay sau đó, tôi gọi điện cho lãnh đạo Công an xã Vạn Điểm yêu cầu xuống luôn gia đình nạn nhân tìm hiểu sự việc.
Khi tiếp cận bản ảnh nạn nhân, nhìn thấy hai bên thái dương cháu bé có vết bầm tím, hai bên má phù nề, kết luận của bệnh viện ghi "xuất huyết não bán cầu trái" thì tôi nghĩ ngay đến một vụ án chứ không đơn thuần là tai nạn. Nếu bị ngã ra phía sau thì vết thương của cháu Đ phải ở phần sau gáy, nếu rơi từ trên cao xuống thì vết thương phải ở phần đỉnh đầu nhưng nạn nhân lại bị tím ở sau tai, phù nề ở má. Đó là những điểm bất thường, khiến tôi đặt nhiều câu hỏi nghi vấn. Từ đó, đã chỉ đạo các trinh sát và điều tra viên tập trung đấu tranh với hai đối tượng".
Thực tế đã chứng minh, đó là một vụ án. Ai cũng nghĩ rằng bé Đ. mất là do bị ngã, do số cháu đoản mệnh, ngay chính bố mẹ cháu cũng nghĩ như thế. Thậm chí, gia đình còn cản trở cơ quan điều tra, không muốn cho giám định pháp y. Để có bằng chứng buộc tội, đưa thủ phạm là hai "ác mẫu" ra ánh sáng, cơ quan điều tra phải thuyết phục gia đình cháu bé rất nhiều lần. Và, vụ án đã được mở ra bằng một cuộc điện thoại tình cờ như thế.
Sau đó, Đại tá Nguyễn Tiến Tần báo cáo lãnh đạo Công an Thành phố và trực tiếp chỉ đạo anh em, một mặt túc trực ở nhà nạn nhân để thuyết phục động viên gia đình, một mặt điều lực lượng đưa hai "cô giáo" trông trẻ về cơ quan Công an huyện để làm rõ. Nguyên nhân rất đơn giản, chỉ vì cháu Đ không chịu ngủ mà chạy ra cửa vì nhớ mẹ nên đã bị hai "ác mẫu" này hành hạ đánh đập dẫn đến chấn thương sọ não và tử vong sau đó.
3. Tôi không ít lần chứng kiến Đại tá Nguyễn Tiến Tần ngồi hỏi cung bị can cùng điều tra viên, không biết có phải vì sợ "bác Công an" có hình dáng xù xì, giọng nói to ầm ào mà "các cháu" cứ khai thun thút. Cũng không ít lần tôi chứng kiến anh rút giấy ăn đưa cho bị can nữ khi họ xúc động mà khóc vì ân hận bởi những tội lỗi của mình gây ra. Còn nhớ, vụ án cháu bé sơ sinh bị bắt cóc ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương xảy ra cách đây hơn chục năm, chính anh là người đã cùng đồng đội đưa cháu bé từ nhà kẻ bắt cóc (ở huyện Đông Anh) về đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trong sự reo hò mừng rỡ của hàng nghìn người dân đã đợi sẵn ở sân.
Chúng tôi khi ấy cũng ở trong đoàn người chờ đón các anh Công an mang cháu bé trở về, với một niềm vui lâng lâng như người trong cuộc. Thủ phạm bắt cóc là một phụ nữ thực ra cũng vô cùng đáng thương. Chị này thất bại trong hôn nhân. Khi gặp người chồng thứ hai, ở với nhau mãi mà chưa có con nên chị ta bỏ đi vài tháng rồi khi trở lại, định rằng sẽ bắt cóc một em bé sơ sinh về để nói dối chồng và gia đình chồng rằng đó là con mình, nhưng cuối cùng sự việc bại lộ, phải vào tù. Đêm chị ta bị đưa về trụ sở số Phòng Cảnh sát hình sự ở số 7 Thiền Quang, chính anh Tần là người đưa tiền và nhờ tôi mua một số vật dụng cá nhân cần thiết của phụ nữ cho chị ta, vì anh bảo "kiểu người này, gia đình ruồng bỏ rồi, không có ai thăm nuôi gì đâu".
Vụ án nữ sinh viên Học viện Ngân hàng vừa nhập học được mấy hôm bị hai kẻ nghiện ma túy sát hại gây rúng động dư luận cách đây vài năm cũng là một vụ án đáng nhớ. Xác định chính xác đường đi của hung thủ, phán đoán chính xác hiện trường và trực tiếp cùng đồng đội đi thuyền trên sông tìm kiếm xác nạn nhân, cho thấy ở đơn vị nào mà người lãnh đạo nói được làm được, sẽ là người truyền lửa tốt nhất cho thế hệ cán bộ chiến sĩ trẻ. Đại tá Nguyễn Tiến Tần là một người như thế.
Ngồi nói nói chuyện với tôi trong một ngày cuối năm, nhắc lại những câu chuyện cũ, anh bảo rằng niềm vui của anh bây giờ là cứ cuối năm, gia đình những nạn nhân như cháu T (em bé sơ sinh bị bắt cóc) đều đến thăm, biếu cân gạo, tấm bánh chưng và được chứng kiến bé T lớn lên ngoan ngoãn, khỏe mạnh, là anh lại thấy mình cũng như được đóng góp một phần công sức nhỏ bé.
Với người cả đời gắn bó với nghề Công an như anh, mùa xuân đến từ những điều bình dị như thế!