Chuyện 'cõng' pháp luật ATGT đến từng buôn, làng ở Gia Lai

Có đến tận những buôn, làng ở tỉnh Gia Lai, vào từng nhà dân chứng kiến những buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT cho thanh thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi mới thấu hiểu được những khó khăn, vất vả, trăn trở và thách thức của người cán bộ CSGT làm công tác tuyên truyền.

Tổ công tác Đội CSGT-TT Công an huyện Phú Thiện và Công an Ia Hiao đến từng nhà dân tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở buôn Bôn Ling

Tổ công tác Đội CSGT-TT Công an huyện Phú Thiện và Công an Ia Hiao đến từng nhà dân tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở buôn Bôn Ling

Đến từng buôn, làng, vào từng gia đình, rà từng đối tượng để tuyên truyền

Vừa phân loại hồ sơ, văn bản xử lý vi phạm chất đầy bàn làm việc, Đại úy Hồ Hữu Tuấn, cán bộ Đội CSGT-TT Công an huyện Phú Thiện vừa liếc nhìn đồng hồ, thì nghe điện thoại đổ chuông. "Vâng, cám ơn anh, tôi đến ngay", giọng Đại úy Tuấn chắc nịch.

Xếp tập văn bản vào chiếc cặp, Đại úy Tuấn rời phòng làm việc bước thẳng ra nhà xe, khởi động chiếc xe máy. Đại úy Tuấn nhanh chóng rời trụ sở làm việc, chạy xe hướng về địa bàn xã Ia Hiao. Nắng chiếu bóng Đại úy Tuấn lăn tròn trên mặt đường giữa gió trời khô khốc. Nằm cách trụ sở Công an huyện Phú Thiện, địa bàn xã Ia Hiao có 7 dân tộc anh em Kinh, Jrai, Sán chỉ, Tày, Nùng, Mường, Thổ cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Jrai chiếm hơn 68% dân số.

Đến điểm hẹn, Đại úy Tuấn đã thấy Trung úy Triệu Văn Thái, Phó Trưởng công an xã Ia Hiao và Nay Jen, công an viên Công an xã Ia Hiao đón đợi đầu đường bê tông dẫn vào làng Bôn Ling (xã Ia Hiao). Chưa kịp chào nhau, Trung úy Thái nói vội: "Nhận được tin báo từ cơ sở, hôm nay, gần như đông đủ thanh thiếu niên đều có mặt ở làng, có cả trai làng từ các buôn, làng lân cận cũng đến chơi. Tôi thấy cơ hội hay để làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh trật tự và TTATGT. Hiện đa phần thanh niên, trai làng đang tập trung ở nhà bà Ơi Duiên và ông Ksor Đru".

Dứt lời, "tổ công tác" chạy xe thẳng hướng nhà bà Ơi Duiên và ông Ksor Đru. Sau khoảng gần 15 phút, cả 3 người đến làng Bôn Ling, từ đầu ngõ nhà bà Ơi Duiên đã nghe tiếng nói, tiếng cười. Trước sự xuất hiện bất ngờ của các "vị khách không mời", nhóm trai làng đang ngồi túm tụm rôm rả, đột nhiên im ắng, ánh mắt ngơ ngác. Có người rời đi khi "tổ công tác" tiến lại gần.

Hiểu được tình huống, công an viên Nay Jen cười hiền, lên tiếng: "Các cháu cứ vui chơi bình thường, các chú vào đây để thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT. Nhân tiện, có các cháu, chú mời các cháu cùng tham gia. Việc tốt cả mà, đúng không?".

Để tăng sự thuyết phục, Đại úy Tuấn hỏi tìm già Ơi Duiên thưa chuyện, nhờ già Ơi Duiên vận động trai làng cùng tham gia buổi tuyên truyền. Già Ơi Duiên năm nay gần 60 tuổi, già có đến 8 người con, 2 gái, 6 trai. Hôm nay nghe tin, người con trai út – Nay Yuh (sinh năm 2007) chuẩn bị đi nghĩa vụ quân sự, nên trai làng, bạn bè ở các buôn, làng lân cận đến thăm chơi. Hiểu được ý tốt, già Ơi Duiên vui vẻ nhận lời. Chỉ sau một câu nói của già Ơi Duiên, lũ lượt trai làng đã tập trung tại gian nhà chính, ngồi vòng tròn ngay ngắn.

Đại úy Hồ Hữu Tuấn, cán bộ Đội CSGT-TT Công an huyện Phú Thiện hướng dẫn người dân ký cam kết không vi phạm pháp luật về TTATGT

Đại úy Hồ Hữu Tuấn, cán bộ Đội CSGT-TT Công an huyện Phú Thiện hướng dẫn người dân ký cam kết không vi phạm pháp luật về TTATGT

Giọng trầm ấm, Đại úy Tuấn mở đầu buổi tuyên truyền bằng những câu chuyện gần gũi, gắn với cuộc sống đời thường của người dân địa phương. "Thưa bà con, các em, mô tô, xe gắn máy đã trở thành phương tiện đi lại quen thuộc, phổ biến của người dân chúng ta. Ở buôn, làng Bôn Ling, hầu như gia đình nào cũng có xe máy, có nhà có 2-3 chiếc. Ngoài mô tô, xe gắn máy, nhiều nhà còn sử dụng công nông phục vụ vận chuyển lúa, mì…Thời gian qua, Đội CSGT-TT Công an huyện Phú Thiện đã phát hiện, xử phạt nhiều trường hợp ở địa bàn xã Ia Hiao vi phạm. Các lỗi vi phạm tập trung ở các hành vi: đi mô tô, xe gắn máy chở người quá số lượng quy định; không đội mũ bảo hiểm; điều khiển xe khi không có bằng lái (GPLX); giao xe cho người chưa đủ tuổi...

Đáng lo nhất là hành vi lái xe khi đã uống rượu, bia; thanh thiếu niên tụ tập chạy xe tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, rú ga, nẹt pô, bốc đầu xe…gây mất ATGT, TTATGT", Thượng úy Tuấn đặt vấn đề và cho biết, ở địa bàn xã Ia Hiao chưa xảy ra vụ TNGT nào đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến lái xe vi phạm nồng độ cồn, tuy nhiên, ở địa bàn khác trong tỉnh Gia Lai, hay nhiều tỉnh/thành khác đã xảy ra nhiều vụ gây hậu quả nặng nề, thương tâm. TNGT có thể phòng tránh được, nhưng hậu quả TNGT để lại không thể khắc phục được. Xe máy hư hỏng có thể sửa chữa, mua sắm lại, nhưng người chết không thể sống lại. Vì vậy, chúng ta chỉ còn cách phòng tránh, ngăn ngừa TNGT xảy ra. Bằng cách nào? Bằng cách tuân thủ các quy định pháp luật về TTATGT, là tham gia giao thông an toàn; là có bằng lái mới được điều khiển xe, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy; chở đúng số người quy định; tuyệt đối không lái xe khi đã uống rượu bia…

Từ nhà dưới, già Ơi Duiên bước lên gian nhà chính từ lâu, nhưng già không vào ngồi chung với mọi người. Già ngồi riêng ở hồi cửa, chăm chú lắng nghe, gật đầu theo nhịp giọng nhấn nhá của Đại úy Tuấn. Đoạn nghe "tuyệt đối không lái xe khi đã uống rượu bia…", già Ơi Duiên bất ngờ đứng dậy, tiếp lời Trung úy Tuấn: "Uống rượu gắn với đời sống, tập tục người Jrai, khó mà bỏ được. Nhưng việc lái xe khi đã uống rượu, bia thì có thể làm được, người lớn làm gương cho người nhỏ, mọi người trong nhà bảo ban, nhắc nhở nhau cùng thực hiện. Việc này, lũ thanh niên trong buôn, trong làng phải đi đầu. Ai vi phạm, không chấp hành, các chú công an xử phạt nghiêm".

So với các buổi tuyên truyền ở các gia đình khác, buổi tuyên truyền ở gia đình bà Ơi Duiên diễn ra thuận lợi hơn cả vì nhận được sự đồng thuận của già Ơi Duiên. Lời già Ơi Duiên nói ra đầy quyền uy, thể hiện rõ văn hóa mẫu hệ của người Jrai đang còn lưu giữ ở buôn Bôn Ling.

Hiểu rõ được văn hóa, nếp sống, thói quen của người dân từng buôn, làng nên công tác tuyên truyền, nội dung từng buổi phổ biến pháp luật được tổ công tác linh hoạt thực hiện. Như khi đến gia đình ông Nay Phơ có cả công nông, thì tổ công tác lồng ghép tuyên truyền, nói rõ việc quy định pháp luật cấm công nông lưu thông trên trên tuyến đường giao thông. Tuy nhiên, để phục vụ cho hoạt động sản xuất, vận chuyển nông sản, lực lượng chức năng "du di", tạo điều kiện cho người dân sử dụng. Để đảm bảo ATGT, người dân không được sử dụng công nông chở người, không được sử dụng công nông gắn bánh sắt, bánh thép lưu thông trên đường, tránh gây hư hỏng mặt đường.

Hay như khi đến nhà ông Ksor Đru, trong khi trò chuyện với nhóm thanh niên Nay Yang (sinh năm 2003, Nay Duyên (sinh năm 2005), Nay Dương (sinh năm 2002), Ksor Vân (sinh năm 2005), Nay Bui (sinh năm 2007), Nay Nik (sinh năm 2006), Nay Teo (sinh năm 2007), tổ công tác biết được nhiều thanh niên chưa có bằng lái xe nhưng vẫn thường ngày điều khiển xe máy. Từ thông tin điều tra cơ bản, tổ công tác làm rõ những hệ quả mà hành vi điều khiển xe máy khi chưa có bằng lái và giới thiệu quy trình, thời gian, thủ tục làm hồ sơ, học, thi bằng lái xe. Đồng thời cảnh báo tình trạng nhiều đối tượng thông qua mạng xã hội để thực hiện hành vi mua bán bằng lái xe giả, lừa đảo những người thiếu hiểu biết, nhất là đối tượng thanh thiếu niên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Miệt mài, bền bỉ "cõng" pháp luật ATGT đến từng buôn, làng

Có đến tận nơi, tham gia các buổi tuyên truyền ở buôn, làng, chúng tôi mới thấu hiểu được những khó khăn, vất vả và sự kiên trì, bền bỉ của những cán bộ lực lượng CSGT, công an địa phương. Bất kể ngày nắng hay mưa, đêm hay ngày, xuyên ngày lễ, tết, họ lặn lội đến những buôn, làng xa xôi và đôi lúc phải đi liên tục hết nơi này đến nơi khác, trong nhiều ngày liền. "Không phải cứ nói là bà con, người dân sẽ hiểu, tiếp thu và nhận biết được ngay các quy định pháp luật. Rồi từ nhận thức, hiểu biết để chấp hành pháp luật về TTATGT, ANTT bằng những hành vi cụ thể là cả quá trình lâu dài. Thế nên, phương châm công tác tuyên truyền là "mưa dầm thấm lâu". Điều đó đòi hỏi người làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phải thực sự bền bỉ, kiên trì và có phương pháp truyền thông tốt, gần gũi với đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số", Đại úy Tuấn đúc kết.

Thiếu tá Trần Văn Tiến, Đội trưởng Đội CSGT-TT Công an huyện Phú Thiện cho biết, với quyết tâm đưa pháp luật đến mọi người dân, đặc biệt là những người dân tại các buôn, thôn, làng, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong những năm qua, lực lượng CSGT - TT Công an huyện đã xác định vai trò của công tác tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm, quyết định đến kết quả công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn huyện.

Tổ công tác Đội CSGT-TT Công an huyện Phú Thiện và Công an cấp xã đã luôn cố gắng, nỗ lực, tìm ra những cách làm cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tình hình từng địa bàn. Công tác tuyên truyền được triển khai hàng ngày, tại tất cả các buôn, thôn, làng. Sự nỗ lực miệt mài, bền bỉ của lực lượng đã khích lệ người dân tự giác trong tìm hiểu, chấp hành và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật. Đến nay, hình ảnh cán bộ CSGT-TT và Công an các xã, thị trấn có mặt tại các buôn, thôn, làng, vào từng hộ gia đình để tuyên truyền pháp luật là hình ảnh quen thuộc với bà con, người dân địa phương.

Đại úy Hồ Hữu Tuấn, cán bộ Đội CSGT-TT Công an huyện Phú Thiện cảnh báo với người dân về phương tiện cải hoán, độ chế gây mất ATGT

Đại úy Hồ Hữu Tuấn, cán bộ Đội CSGT-TT Công an huyện Phú Thiện cảnh báo với người dân về phương tiện cải hoán, độ chế gây mất ATGT

Không chỉ riêng ở huyện Phú Thiện, tại các huyện trên địa bàn tỉnh Gia Lai, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT, lồng ghép phòng chống tội tạm được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, mang lại hiệu quả thiết thực.

Nói về công tác thực hiện ở địa bàn huyện Auynpa, Trung tá Đào Việt Cường, Đội trưởng Đội CSGT-TT Công an huyện Auynpa cho biết, không chỉ đến từng gia đình tuyên truyền, tổ tuyên truyền Đội CSGT-TT Công an huyện Auynpa phối hợp với cán bộ ở cơ sở tranh thủ các buổi sinh hoạt, hội họp của buôn, làng để lồng ghép công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ. Để nội dung tuyên truyền sinh động, hiệu quả, trước thời gian diễn ra buổi tuyên truyền, tổ tuyên truyền sẽ đến tại buôn, làng đó ghi nhận những hình ảnh người dân tham gia giao thông và sẽ trình chiếu cho người dân xem trong buổi tuyên truyền. Từ nội dung, hình ảnh và tình hình TTATGT xảy ra trên địa bàn, tổ tuyên truyền sẽ phân tích, cảnh báo các lỗi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT, giúp người dân hiểu rõ được lợi ích từ việc chấp hành pháp luật, tham gia giao thông an toàn.

Theo Công an tỉnh Gia Lai, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, kéo giảm về số người chết nhưng tăng về số vụ và số người bị thương so với cùng kỳ 2023. Đáng chú ý, đã xảy ra một số vụ TNGT trong lứa tuổi học sinh, thanh thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số và một số vụ TNGT nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn.

Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong đảm bảo TTATGT giữa các cấp, các đơn vị, địa phương, trong cuộc họp đánh giá tình hình, kết quả công tác đảm bảo TTATGT những tháng đầu năm 2024, Trung tá Ksor H'Bơ Khắp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai đã yêu cầu, các lực lượng tiếp tục tăng cường bố trí lực lượng tuần tra khép kín địa bàn; duy trì các tổ kiểm tra nồng độ cồn, xử lý quá khổ, quá tải…; thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin giữa lực lượng CSGT cấp tỉnh, cấp huyện và Công an cấp xã; làm tốt công tác điều tra cơ bản; nâng cao hiệu quả tuyên truyền, nhất là tại địa bàn cơ sở, tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên, học sinh.

"Đối với các đối tượng, thanh thiếu niên hay có hành vi càn quấy, tổ tuyên truyền sẽ phối hợp với lực lượng công an địa phương mời về trụ sở công an tuyên truyền, răn đe và cho ký cam kết chấp hành nghiêm quy định pháp luật về TTATGT, ANTT. Nếu có bất cứ hành vi vi phạm được phát hiện đều xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật. Chính nhờ sự quyết liệt xử lý các hành vi vi phạm, kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật nên thời gian qua tình hình TTATGT, ANTT trên địa bàn luôn được đảm bảo", Trung tá Cường nhìn nhận.

Theo Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Gia Lai, thời gian qua, các đơn vị, lực lượng vừa đẩy mạnh tuyên truyền ở cơ sở, vừa bám sát các yêu cầu nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Thực hiện Kế hoạch 979 của Giám đốc Công an tỉnh về bảo đảm TTATGT gắn với phòng, chống tội phạm ở cơ sở, từ đầu năm 2024 đến nay, Phòng CSGT phối hợp với Công an các địa phương có tuyến quốc lộ đi qua để rà soát, lập danh sách hàng trăm trường hợp là thanh thiếu niên thường xuyên vi phạm Luật Giao thông đường bộ, có các hành vi uống rượu, bia rồi điều khiển xe máy chạy lạng lách, đánh võng… để gọi hỏi, răn đe và yêu cầu ký cam kết không tái vi phạm.

Từ thực tế cho thấy, sau nỗ lực tuyên truyền ATGT, phần lớn đồng bào đã hiểu được tầm quan trọng chấp hành quy định Luật giao thông đường bộ. Tuy nhiên, để những hiểu biết ấy thực sự trở thành nhận thức và biến thành hành động tích cực trong mỗi người dân vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất cần sự tham gia tích cực của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể vào cuộc nghiêm túc.

Đại Thắng

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/chuyen-cong-phap-luat-atgt-den-tung-buon-lang-o-gia-lai-183240613114016387.htm