Chuyển biến tích cực từ đề án sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng đào tạo nghề tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỉnh đã 3 lần sắp xếp mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề công lập trên địa bàn từ năm 2013-2019. Qua 7 năm thực hiện sáp nhập các trung tâm dạy nghề/giáo dục nghề nghiệp vào các trường trung cấp, tỉnh An Giang đã từng bước tinh gọn đầu mối các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hạn chế một số tình trạng bất cập.
Gắn kết giữa lý thuyết với thực hành giúp học sinh, sinh viên nhanh chóng thành thạo nghề
Thay đổi chất lượng dạy nghề
Toàn tỉnh hiện có 32 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 2 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 15 cơ sở khác tham gia đào tạo nghề. Sau khi sáp nhập, các trường tăng cường chủ động công tác tuyển sinh học nghề, giáo dục thường xuyên. Đồng thời, áp dụng mô hình vừa học nghề, vừa học giáo dục thường xuyên giúp người học tiết kiệm thời gian, sớm thành thạo kỹ năng nghề và có việc làm ngay sau khi hoàn thành khóa học. Từ năm 2017 đến nay, hình thức đào tạo trên được nhiều học sinh, phụ huynh quan tâm lựa chọn, góp phần nâng cao tỷ lệ tuyển sinh, giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học tham gia sớm vào thị trường lao động.
Tỉnh còn ban hành các chính sách đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp (DN) trình độ sơ cấp, thường xuyên dưới 3 tháng. Từ 2015-2019, chính sách này là đòn bẩy tác động lớn đến kết quả đào tạo nghề toàn tỉnh, ký hợp đồng với 19 DN tổ chức đào tạo cho 7.940 người, kinh phí hỗ trợ hơn 9,5 tỷ đồng.
Còn đào tạo theo trình độ trung cấp theo Quyết định số 3373/QĐ-UBND trong 2 năm (2018, 2019) đã phối hợp Công ty Cổ phần Nam Việt đào tạo 3 lớp trung cấp nuôi trồng thủy sản nước ngọt cho 77 học viên, kinh phí hỗ trợ trên 1,1 tỷ đồng. Sau khi tốt nghiệp, DN tiếp nhận từ 90-100% học viên vào làm việc, mức lương khởi điểm từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Sơn thông tin, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề được 125.400 người, đạt 100% kế hoạch. Trong đó, trình độ cao đẳng chiếm tỷ lệ 4,04%, trung cấp chiếm trên 5,02%, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng chiếm 90,94% so tổng số tuyển sinh. Có khoảng 3.800 học sinh tham gia hình thức vừa học giáo dục thường xuyên, vừa học trung cấp.
Từ đó, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 53,3% (năm 2016) lên 65% (năm 2020). Tính đến năm 2019, đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên và nhà giáo tại các trường cao đẳng, trung cấp có tổng số 566 người, chia theo trình độ là: 4 tiến sĩ, 133 thạc sĩ, 334 đại học, 22 cao đẳng, còn lại là trung cấp và trình độ khác. Hầu hết giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo, trình độ ngoại ngữ, năng lực sư phạm theo quy định.
Theo đánh giá, có 4/5 trường trung cấp sau khi sáp nhập trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được bàn giao và sử dụng trụ sở của trung tâm làm cơ sở 2 tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người học, đồng thời góp phần giải quyết một phần tình trạng khó khăn về cơ sở vật chất. Riêng 2 trường cao đẳng được đầu tư cơ sở vật chất tương đối khang trang, rộng rãi với hệ thống phòng học, xưởng thực hành, sân chơi và các phòng chức năng khác, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học...
Nâng tầm dạy nghề trong tương lai
Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có ít nhất 1 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Bên cạnh một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp năng động, sáng tạo trong công tác điều hành hoạt động thì vẫn còn một số cơ sở hoạt động chưa thực sự hiệu quả và tương xứng.
Do đó, tỉnh tiếp tục xây dựng đề án “Sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2025”. Mục tiêu chung đặt ra trong 5 năm tới là mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển đồng bộ, cơ cấu hợp lý, bộ máy tổ chức sắp xếp tinh gọn, năng động, hiệu quả, chú trọng quản lý chất lượng và đề cao tính tự chủ cơ sở, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu thời gian tới, các cấp, ngành, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung nâng cao chất lượng các trường, các nghề trọng điểm đạt cấp độ quốc tế, khu vực và quốc gia; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp có kỹ thuật, tay nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, DN và các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đổi mới nội dung chương trình, giáo trình theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, tăng cường phối hợp với DN tổ chức đào tạo nghề nghiệp gắn với đơn đặt hàng, các mô hình sản xuất - kinh doanh của DN trên địa bàn tỉnh…