Chuyện bi hài về người Việt ở Nga qua góc nhìn của nhà văn Nguyễn Đình Lâm

Mỗi câu chuyện trong tác phẩm 'Dưới tán hoa siren' của Tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Lâm là lát cắt khác nhau về cuộc sống sinh động, đa sắc màu của người Việt ở Nga.

Tại Thư viện Hà Nội, Tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Lâm vừa ra mắt tập truyện ngắn Dưới tán hoa siren.

Tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Lâm. Ảnh: BTC

Tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Lâm. Ảnh: BTC

Tác phẩm là những câu chuyện có thật về người Việt tại Nga, từ góc nhìn của tác giả - là người sống và làm việc ở đất nước này hơn 20 năm: Đó là những sinh viên bỏ các kỳ nghỉ hè về nông trường lao động nặng nhọc kiếm tiền, hay mạo hiểm buôn bán chui, tâm trạng lúc nào cũng lo sợ bị bắt; Là những người buôn bán cò con vất vả quanh năm nhưng lại bị lừa tiền, lâm vào cảnh nợ nần, túng quẫn; Những cô gái Việt hiền lương, dòng đời xô đẩy, buộc phải bán thân để tồn tại nơi xứ người...

"Tôi muốn nhấn mạnh, tất cả các sự kiện trong tập sách này đều gắn bó với tôi và bạn bè. Vì vậy, cuốn sách có ý nghĩa rất lớn, là dấu ấn đáng nhớ trong cuộc đời tôi", tác giả chia sẻ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: BTC

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: BTC

Tại lễ ra mắt, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói chưa đến nước Nga những năm tháng tác giả kể trong cuốn sách, song gia đình ông có em trai, em dâu, cháu ruột đã lao động ở Nga hơn 10 năm.

Khi đọc Dưới tán hoa siren, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận ra, nếu lỡ bỏ qua một trang nào đó, sẽ không bao giờ biết tới những nỗi đau khổ, tuyệt vọng, niềm hạnh phúc, giấc mơ lớn lao của người Việt tại Nga.

"Có những số phận mà trước khi đọc cuốn sách, chúng ta chưa từng được biết đến. Tôi sẽ gửi người thân đang ở Nga đọc tác phẩm này, để họ tìm thấy mình trong đó”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.

Nhà nghiên cứu văn học Bùi Việt Thắng cho biết có gần 1.000 ngày sống trên đất Nga, thời những năm 1987 - 1990 nên thấm thía từng câu chữ khi đọc Dưới tán hoa siren.

Từng có thời gian sống cùng tác giả Nguyễn Đình Lâm tại Nga, nhà báo Lê Xuân Sơn cho rằng, những câu chuyện tác giả kể dù có bi kịch, dở khóc dở cười hay tan nát đến tận cùng thì đọng lại trong đó vẫn là tình người nơi đất khách.

Tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Lâm quê Nam Đàn, Nghệ An. Ông có hơn 20 năm sống tại Nga, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Nga.

Các tác phẩm từng xuất bản: Con kiến tật nguyền (tập truyện ngắn đầu tay, 2004), Tình yêu hàng chợ (tập truyện ngắn, 2005), Mong manh xứ bạch dương (tiểu thuyết, 2009)...

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/truyen-ngan-lot-ta-buc-tranh-sinh-dong-ve-nguoi-viet-o-nga-2282799.html