Chương trình Trung thu làng cổ tại làng Đường Lâm

Chương trình 'Trung thu làng Cổ' tại làng Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) mang đến cho các em thiếu nhi trên địa bàn xã và khách du lịch không khí vui tươi, phấn khởi.

Một tiết mục biểu diễn của các em thiếu nhi trong chương trình Trung thu làng cổ năm 2024.

Một tiết mục biểu diễn của các em thiếu nhi trong chương trình Trung thu làng cổ năm 2024.

Tối 31/8, tại cổng làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), Ủy ban nhân dân xã Đường Lâm tổ chức Chương trình “Trung thu làng Cổ” năm 2024.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đường Lâm Phạm Thị Lệ Thủy cho biết: Điểm nhấn của Chương trình “Trung thu Làng cổ” là Hội thi mô hình đèn Trung thu và diễu hành đèn tại không gian Cổng Làng cổ Đường Lâm với sự tham dự của 9 cơ sở thôn.

Các mô hình đèn Trung thu được mô phỏng theo hình tượng nhân vật lịch sử, truyền thuyết dân gian, con vật yêu thích trong truyện cổ tích, ngụ ngôn, cũng như những hình ảnh được coi là biểu tượng văn hóa, là sản vật đặc trưng của đơn vị mình.

Điển hình là mô hình Chim hòa bình (chim bồ câu) của đội thi thôn Văn Miếu, là biểu tượng cho sự hòa bình, yên vui và hạnh phúc.

Hay như đèn hình voi con của đội thi thôn Phụ Khang. Trong truyền thuyết đầu tiên của người Việt có nhắc đến Voi chín ngà, là một trong số những đồ sính lễ mà Vua Hùng bắt buộc Sơn Tinh, Thủy Tinh phải mang đến để cầu hôn Mị Nương.

Trong khi đó, mô hình đèn lồng cá chép của đội thi thôn Đoài Giáp mang ý nghĩa văn hóa Á Đông với sự tích cá chép hóa rồng.

Đội thi thôn Hà Tân mang đến hội thi đèn lồng hình gà trống với ý nghĩa may mắn và cát tường. Đường Lâm có gà Mía - là giống gà có gốc tích gắn liền với tập quán văn hóa địa phương. Người phương Đông quan niệm, con gà là biểu tượng cho phẩm chất, khí tiết của người quân tử.

Mô hình đèn lồng hình trâu vàng và chú mục đồng của đội thôn Cam Thịnh.

Mô hình đèn lồng hình trâu vàng và chú mục đồng của đội thôn Cam Thịnh.

Đội thi thôn Cam Thịnh mang đến hội thi đèn lồng hình trâu vàng, ngồi vắt vẻo trên lưng trâu là một mục đồng ngồi thổi sáo. Con trâu đi vào văn hóa Việt, trở thành hình ảnh quen thuộc, biểu trưng cho sự chăm chỉ, hiền lành, khỏe mạnh, chất phác; là nét văn hóa đồng quê bình dị, mộc mạc. Con trâu vốn gắn liền với tuổi thơ của trẻ em tại nông thôn qua hình ảnh của những chú bé mục đồng chăn trâu, cưỡi trên lưng trâu thả diều...

Năm 2024 là năm Giáp Thìn với biểu tượng của con rồng, một trong 12 con giáp. Hình tượng con rồng có ý nghĩa biểu trưng cho sức mạnh, quyền uy, phú quý và thịnh vượng. Là linh vật được đội thi thôn Đông Sàng làm thành đèn lồng hình con rồng mang tới hội thi.

Tại chương trình “Trung thu Làng cổ" còn có những tiết mục văn nghệ đặc sắc của các thanh, thiếu nhi trên địa bàn xã; múa lân sư rồng sôi động hấp dẫn của đội Lân sư rồng thôn Đông Sàng, tặng quà cho các em thiếu nhi.

Trao quà cho các em thiếu nhi trước thềm năm học mới.

Trao quà cho các em thiếu nhi trước thềm năm học mới.

Các nội dung, hoạt động của chương trình còn có ý nghĩa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khôi phục những nét đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc ở vùng quê xứ Đoài, đồng thời tạo không gian văn hóa, điểm đến du lịch cho làng cổ Đường Lâm, nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Cũng thông qua chương trình góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, mang đến cho các em nhỏ một Tết Trung thu ý nghĩa và tràn đầy niềm vui.

VIỆT HOÀNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chuong-trinh-trung-thu-lang-co-tai-lang-duong-lam-post828000.html