Chương trình 1719 giúp Quảng Khê chuyển mình

Nhờ triển khai hiệu quả chương trình 1719, xã Quảng Khê, tỉnh Lâm Đồng từng bước chuyển mình với hạ tầng thiết yếu được đầu tư, sinh kế hộ nghèo được cải thiện, khơi dậy tinh thần vươn lên, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Đường vào khu sản xuất ở thôn Tân Tiến được bê tông hóa

Đường vào khu sản xuất ở thôn Tân Tiến được bê tông hóa

Dự án sinh kế phát huy hiệu quả

Anh K’Khuêng, bon Ka Nur, xã Quảng Khê, là một trong những hộ nghèo được thụ hưởng dự án hỗ trợ sinh kế của chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2021- 2025 (chương trình 1719). Năm 2023, anh được hỗ trợ 6 con dê giống. Chỉ trong thời gian ngắn, đàn dê đã phát triển lên 12 con, trong đó một số con đã đạt trọng lượng 25 - 30 kg và được bán với giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg. “Nuôi dê chi phí thấp, chủ yếu là công chăm sóc. Tôi tận dụng lá cây, cỏ từ 8 sào đất rẫy để làm thức ăn cho dê. Phân dê thì ủ bón cho cây trồng. Nhờ vậy mà có nguồn thu để tái đầu tư”, anh K’Khuêng chia sẻ.

Cũng tại Quảng Khê, 4 dự án trồng dâu, nuôi tằm đã được triển khai với sự tham gia của 22 hộ dân. Mỗi tháng, trung bình các hộ thu được 2 lứa kén, mang lại thu nhập từ 8 - 13 triệu đồng/tháng/hộ. Điều đáng nói là những mô hình này không chỉ giúp người dân thoát nghèo, mà còn tạo việc làm ổn định tại chỗ, giúp họ chủ động trong sản xuất. Nhờ hiệu quả vượt mong đợi, hiện nay nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn có xu hướng phát triển sản xuất theo hướng quy mô và bền vững hơn.

Anh K’Khuêng thoát nghèo nhờ mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi dê

Anh K’Khuêng thoát nghèo nhờ mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi dê

Dự án nuôi dê và trồng dâu, nuôi tằm là lựa chọn phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán sản xuất của người dân nơi đây. Đặc biệt, các hộ được chọn tham gia đều là những người thật sự có nhu cầu, có ý chí vươn lên. Chính điều đó đã góp phần quyết định đến hiệu quả thực tế của chương trình.

Thực hiện nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế trong cộng đồng chương trình 1719, xã Quảng Khê đã hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng cho 17 dự án. Trong đó, 4 dự án trồng dâu, nuôi tằm 22 hộ tham gia; 7 dự án nuôi dê với 40 hộ; 1 dự án nuôi thỏ với 7 hộ; 2 dự án nuôi dúi với 13 hộ; 3 dự án thâm canh cây cà phê phát triển bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa với 24 hộ.

Các mô hình không chỉ giúp đồng bào DTTS, hộ nghèo nâng cao thu nhập mà còn góp phần hình thành tư duy sản xuất gắn với thị trường, tăng tính chủ động và bền vững trong phát triển kinh tế nông thôn.

Anh K’Khuêng tận dụng được nguồn thức ăn lá cây cho mô hình nuôi dê sinh sản

Anh K’Khuêng tận dụng được nguồn thức ăn lá cây cho mô hình nuôi dê sinh sản

Đầu tư hạ tầng thiết yếu cho sản xuất

Hơn một tuần nay, không khí trên tuyến đường bê tông mới vào khu sản xuất ở thôn Tân Tiến, xã Quảng Khê như rộn ràng hơn hẳn. Với người dân nơi đây, con đường đất gập ghềnh suốt bao năm giờ đã nhường chỗ cho mặt bê tông phẳng phiu, sạch sẽ. Tuyến đường bê tông mới dài gần 1,5 km, nối liền khu dân cư với khu sản xuất của hàng trăm hộ dân.

Ông Phạm Ngọc Thanh Phong, người có hơn 2 ha rẫy nằm sâu trong khu sản xuất, phấn khởi dẫn chúng tôi đi dọc đoạn đường vừa hoàn thành. “Hồi trước, mỗi lần mưa xuống là lầy lội. Xe chở phân bón hay cà phê toàn bị sa lầy. Giờ thì khác rồi, đường cứng hóa tới tận rẫy, bà con yên tâm canh tác, không còn nỗi lo mỗi khi trời chuyển mưa nữa”, ông Phong chia sẻ, nụ cười ánh lên niềm vui chân chất.

Giờ đây, không chỉ việc đi lại, vận chuyển nông sản trở nên thuận lợi mà giá trị đất đai khu sản xuất cũng được nâng lên. “Không chỉ là con đường, mà đó là sự mở lối cho niềm tin, cho hy vọng về một mùa vụ thuận lợi, một tương lai khấm khá hơn”, ông Phong nói thêm.

Con đường bê tông hóa dẫn vào rẫy không chỉ là công trình hạ tầng, mà còn là minh chứng cho sự đổi thay từng ngày của vùng quê Quảng Khê - nơi người dân đang từng bước chủ động kiến thiết cuộc sống mới trên chính mảnh đất mình gắn bó bao đời.

Theo UBND xã Quảng Khê, trong khuôn khổ Dự án 4 - Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu chương trình 1719, từ năm 2022 - 2025, xã Quảng Khê được phân bổ gần 51 tỷ đồng. Cùng với các công trình văn hóa, địa phương tập trung đầu tư vào các công trình giao thông. Đến nay, xã Quảng Khê đã sửa chữa, nâng cấp và đưa vào sử dụng 18 công trình giao thông.

Cụ thể như đường bon Phi Mur (dốc Đá Khỉ), đường vào khu sản xuất bon Sa Ú Dru, đường dẫn qua Trường Lê Đình Chinh, đường vào khu trồng dâu, nuôi tằm thôn Quảng Long… cũng được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Hạ tầng giao thông ngày càng hoàn chỉnh giúp kết nối các vùng sản xuất, giảm chi phí vận chuyển, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.

Chương trình 1719 cũng tạo ra hiệu ứng tích cực trong cộng đồng. Người dân đã dần hiểu rõ hơn vai trò của mình trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều hộ dân sẵn sàng hiến đất, góp công để triển khai các công trình. Sự đồng thuận này là yếu tố quan trọng thúc đẩy hiệu quả của chương trình, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của địa phương.

Theo đánh giá của chính quyền địa phương, chương trình 1719 đã tạo ra bước chuyển tích cực trên nhiều lĩnh vực. Các mô hình sản xuất được nhân rộng, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS, hộ nghèo tiếp cận kỹ thuật, tư duy mới trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, các lớp tập huấn, đào tạo nghề cũng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống.

Thay vì trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ, giờ đây đồng bào DTTS chủ động tham gia, tự tin với các mô hình sản xuất của mình. Nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả.

Chương trình 1719 cũng góp phần xây dựng lòng tin của người dân vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong bối cảnh nhiều địa phương miền núi vẫn còn khó khăn về kinh tế, hạ tầng, thì sự vào cuộc kịp thời, đồng bộ và quyết liệt của chương trình là điểm tựa vững chắc để xã Quảng Khê “đổi màu áo mới”. Chương trình 1719 không chỉ đơn thuần là sự đầu tư về vật chất, mà còn là chất xúc tác quan trọng thúc đẩy sự thay đổi tư duy, nâng cao nội lực cho người dân vùng đồng bào DTTS.

Mẫn Doanh

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chuong-trinh-1719-giup-quang-khe-chuyen-minh-381875.html