Chuỗi hoạt động 'Điểm hẹn vùng cao' chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam
'Điểm hẹn vùng cao' là chủ đề chuỗi hoạt động Chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) sẽ diễn ra từ ngày 30/4 - 04/5/2025 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Thông tin từ Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng VH-DLCDTVN), với chủ đề “Điểm hẹn vùng cao”, chuỗi hoạt động giới thiệu không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, là nơi du khách có cơ hội hòa mình vào không khí chợ vùng cao trong không gian đậm nét truyền thống, ấn và thưởng thức đặc sản truyền thống đã tạo nên thương hiệu ẩm thực vô cùng đặc sắc, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, du khách cũng có cơ hội mua những món đặc sản truyền thống tại hơn 40 gian hàng với nhiều sắc mầu văn hóa các dân tộc vùng cao phía Bắc, trải nghiệm văn hóa dân tộc và hòa vào các trò chơi dân gian tại chợ cùng đồng bào ngay trong không gian chợ.

“Sắc màu chợ phiên” là điểm nhẫn của chuỗi hoạt động “Điểm hẹn vùng cao”
Điểm nhấn của chuỗi hoạt động “Điểm hẹn vùng cao” là chương trình “Sắc màu chợ phiên” của đồng bào với các tiết mục dân ca, dân vũ, giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc mừng đất nước, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền và các trò chơi dân gian như: đánh quay (tu lu), đánh pao, đánh yến, đu dây, đẩy gậy... tạo một không khí vui tươi phấn khởi, đầm ấm, mang đậm nét truyền thống của các dân tộc, thể hiện sự độc đáo trong đa dạng.

Du khách có cơ hội hòa mình vào không khí chợ vùng cao trong và thưởng thức đặc sản truyền thống đã tạo nên thương hiệu ẩm thực vô cùng đặc sắc.
Các hoạt động có sự tham gia của hơn 100 người từ 16 dân tộc gồm các già làng, trưởng bản, nghệ nhân đồng bào các dân tộc đang sinh hoạt tại Làng VH-DLCDTVN gồm: Tày, Nùng (Thái Nguyên); Dao (Tp. Hà Nội); Mông (Hà Giang); Mường (Hòa Bình); Lào, Thái, Khơ Mú (Sơn La); Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); Xơ Đăng (Kon Tum); Ba Na, Gia Rai (Gia Lai); Raglai (Ninh Thuận); Ê Đê (Đắk Lắk); Khmer (Sóc Trăng). Đực biệt, vào các ngày từ 30/4-1/5 sẽ có thêm 25 đồng bào dân tộc Xinh Mun (tỉnh Sơn La) và khoảng 40 đồng bào dân tộc Hà Nhì, dân tộc Mông (tỉnh Lai Châu) được huy động.
Đặc biệt, cũng tại không gian phiên chợ, đồng bào dân tộc Mông sẽ biểu diễn nghệ thuật múa khèn, giã bánh dày, in sáp ong lên vải và một số nghề truyền thống...

Ngoài ra còn có các hoạt động văn hóa giới thiệu không gian văn hóa, du lịch địa phương.
Nhiều lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc cũng được tái hiện như: Tái hiện lễ hội Gầu tào của đồng bào dân tộc Mông; tái hiện Lễ mạng ma của đồng bào dân tộc Xinh Mun đến từ tỉnh Sơn La; tái hiện Tết mùa mưa của đồng bào dân tộc Hà Nhì đến từ tỉnh Lai Châu. Đối với người Hà Nhì, Tết mùa mưa (Dế Khừ Chà) là một lễ Tết quan trọng trong đời sống của cộng đồng dân tộc Hà Nhì, được tổ chức vào tháng 5 âm lịch hàng năm khi mà công việc mùa vụ mới vừa hoàn tất. Đây là dịp để người Hà Nhì cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển và bản làng đoàn kết.
Ngoài ra còn có các hoạt động văn hóa giới thiệu không gian văn hóa, du lịch địa phương với các hoạt động giới thiệu nét văn hóa dân tộc Tày, Nùng của tỉnh Cao Bằng. Đồng bào dân tộc Tày, Nùng sẽ giới thiệu không gian văn hóa hát Then, đàn Tính cùng các tiết mục dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống đàn Tính, hát Then, hát giao duyên, hát sli, hát lượn…

Du khách cũng có cơ hội mua những món đặc sản hấp dẫn tại truyền thống tại chương trình "Sắc màu chợ phiên"
Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch Homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng VH-DLCDTVN.