Chung tay lo việc làm, phúc lợi cho công nhân

Ở những doanh nghiệp có hoạt động Công đoàn vững mạnh, đoàn viên - lao động được chăm lo tốt cả đời sống vật chất lẫn tinh thần

Quý I/2023, nhiều doanh nghiệp (DN) tại Bình Dương tiếp tục đương đầu khó khăn khi đơn hàng giảm. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và thu nhập của người lao động (NLĐ). Thấu hiểu khó khăn đó, nhiều Công đoàn cơ sở trên địa bàn đã khéo léo thương lượng với chủ DN duy trì việc làm, ổn định phúc lợi cho NLĐ.

Cụ thể hóa phúc lợi bằng thỏa ước

Thời gian qua, Công ty TNHH Zheng Hsing (100% vốn nước ngoài, chuyên sản xuất máy may gia đình; KCN Việt Nam - Singapore I, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) được đánh giá là một trong những DN chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ.

Bà Huỳnh Trầm Hương, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Zheng Hsing, cho biết cũng như nhiều DN khác, hoạt động sản xuất - kinh doanh của công ty gặp một số khó khăn do đơn hàng giảm. Sát cánh với DN, ngoài việc hỗ trợ xây dựng các phương án tổ chức sản xuất hợp lý nhằm duy trì việc làm thường xuyên cho 1.500 công nhân (CN), Công đoàn còn vận động ban giám đốc duy trì các chế độ phúc lợi cho NLĐ, giúp họ an tâm làm việc.

Bà Huỳnh Trầm Hương phát bánh cho công nhân sau giờ cơm trưa tại công ty

Bà Huỳnh Trầm Hương phát bánh cho công nhân sau giờ cơm trưa tại công ty

Chẳng hạn, thay vì tổ chức tham quan du lịch hằng năm, Công đoàn cơ sở đề xuất chuyển tiền vào tài khoản CN, mỗi người 1 triệu đồng. Công đoàn còn tư vấn cho ban giám đốc lắp đặt phòng vắt trữ sữa để phục vụ lao động nữ đang nuôi con nhỏ. Mới đây, công ty quyết định phụ cấp thêm 330.000 đồng vào lương cho toàn bộ CN. Để tăng thu nhập cho NLĐ, Công đoàn còn đề xuất với ban giám đốc tổ chức các lớp tiếng Hoa tại DN. Sau thời gian học, CN được ban giám đốc khuyến khích thi, nếu đạt sẽ được hỗ trợ thêm từ 900.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng... Tất cả chính sách phúc lợi này đều được đưa vào thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT).

Gắn các chính sách phúc lợi vào TƯLĐTT cũng là cách làm rất hiệu quả tại Công ty TNHH Triumph International Việt Nam (KCN Sóng Thần I, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Theo bà Mai Thị Hồng, Chủ tịch Công đoàn công ty, với một DN có hơn 3.000 CN, lựa chọn này thật sự có lợi cho NLĐ bởi dù công ty gặp khó khăn thì quyền lợi của họ vẫn được bảo đảm.

Tiếp xúc chúng tôi, nhiều CN cho biết họ rất phấn khởi bởi các chế độ phúc lợi vẫn được duy trì, nhất là trong bối cảnh DN đang gặp khó khăn. TƯLĐTT của Công ty TNHH Triumph International Việt Nam được đánh giá là tiến bộ, với hàng loạt điều khoản có lợi cho NLĐ được quy định khá chi tiết, như chuyên cần (từ 400.000 - 900.000 đồng/tháng), cơm trưa (23.000 đồng/suất), trợ cấp phục vụ (119.000 đồng/tháng), tiền lương tháng 13 được chuyển trước Tết Nguyên đán ít nhất 15 ngày...

Nhạy bén, bản lĩnh

Đề cập thêm về kinh nghiệm hoạt động Công đoàn, cả bà Huỳnh Trầm Hương và bà Mai Thị Hồng đều cho rằng trong mọi hoạt động, tổ chức Công đoàn phải lấy NLĐ làm trung tâm. Kết quả cuối cùng hướng đến là vì lợi ích NLĐ.

Để thuyết phục người sử dụng lao động, cán bộ Công đoàn cần am hiểu tình hình DN, từ đó có những đề xuất hợp tình, hợp lý. Phải làm sao để lãnh đạo DN thấy chỉ khi nào chăm lo tốt, bảo đảm trả công xứng đáng với thành quả lao động thì NLĐ mới toàn tâm toàn ý với nơi làm việc.

"Đơn cử, khi thương lượng, ký kết TƯLĐTT, ngoài việc chủ động nắm bắt tình hình DN, Công đoàn cơ sở còn phải làm thật tốt việc lấy ý kiến tập thể NLĐ. Các ý kiến đóng góp phải được chắt lọc, vừa đáp ứng nguyện vọng số đông CN vừa phù hợp với khả năng của DN" - bà Hương nhấn mạnh.

Theo bà Hương, nếu nảy sinh những vướng mắc trong quan hệ lao động, Công đoàn cơ sở phải nhanh chóng tổ chức đối thoại để cùng nhau giải quyết. Có như vậy mới ngăn ngừa được tranh chấp từ gốc.

Với bà Hồng, Công đoàn phải thực sự là "cầu nối" giữa tập thể NLĐ với chủ DN. Muốn làm được như vậy thì trước hết, người đứng đầu tổ chức Công đoàn phải xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ với người sử dụng lao động. Mọi gút mắc trong quan hệ lao động phải được giải quyết thông qua đối thoại và thương lượng tập thể.

Chẳng hạn, với việc cải thiện chất lượng bữa ăn giữa ca cho CN, qua tìm hiểu, Công đoàn cơ sở nhận thấy suất ăn giá 20.000 đồng là quá thấp, khó bảo đảm sức khỏe lâu dài cho NLĐ. Trên cơ sở tham khảo suất ăn của các DN cùng ngành nghề, Công đoàn cơ sở đề xuất nâng lên 23.000 đồng/suất. Lập luận của Công đoàn được ban giám đốc chấp thuận bởi giá trị bữa ăn được nâng lên sẽ giúp CN tái tạo sức lao động.

"Ngoài bản lĩnh, cán bộ Công đoàn còn phải có kỹ năng thương lượng, như vậy mới thuyết phục được chủ DN" - bà Hồng nhận xét.

Chịu khó đeo bám tình hình công ty và luôn gần gũi CN, những cán bộ Công đoàn cơ sở như bà Hương, bà Hồng đã khẳng định chỗ đứng vững chắc tại DN. Nhờ sự khôn khéo, nhạy bén trong thương lượng của họ, không chỉ NLĐ hưởng lợi mà quan hệ lao động tại DN cũng ổn định".

NGUYỄN KIM LOAN, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương

Bài và ảnh: THẢO NGUYỄN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/chung-tay-lo-viec-lam-phuc-loi-cho-cong-nhan-20230407212147381.htm