Chứng khoán Mỹ tăng điểm sau khi Fed tiếp tục giữ nguyên lãi suất
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên 7/5 sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại 4,25-4,50%.
Chỉ số tổng hợp S&P 500 đã tăng 22,84 điểm (tương đương 0,41%) lên 5.629,75 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 45,43 điểm (0,26%) lên 17.735,09 điểm còn chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 274,69 điểm (0,67%) lên 41.103,69 điểm.

Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo chiến lược gia thị trường Ellen Hazen của công ty tư vấn đầu tư F.L. Putnam Investment Management ở Lynnfield, Massachusetts (Mỹ), quyết định trên của Fed cho thấy những động thái chính sách gần đây của Chính phủ Mỹ đã khiến tình hình kinh tế của nước này trở nên khó khăn hơn.
Trước đó cùng ngày, trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, Fed cho biết các nhà hoạch định chính sách của cơ quan này đã nhất trí giữ nguyên lãi suất chuẩn ở 4,25- 4,50%, mức đã được duy trì từ tháng 12/2024.
Cơ quan này đánh giá sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế đang ngày càng gia tăng, trong đó rủi ro về tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và lạm phát cao hơn đã tăng lên.
Fed cũng mô tả tình hình thị trường lao động là "vững chắc", với việc các nhà tuyển dụng đã tạo thêm 177.000 việc làm trong tháng 4/2025. Fed cũng lưu ý "mặc dù sự biến động trong xuất khẩu ròng đã ảnh hưởng đến dữ liệu, nhưng các chỉ số gần đây cho thấy hoạt động kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ vững chắc".
Với tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp và nhu cầu ổn định, các quan chức Fed cho biết cơ quan này có thể sẽ giữ nguyên lãi suất cho đến khi hiểu rõ hơn về hướng đi của nền kinh tế.
Chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây ra một làn sóng bất ổn trên toàn nền kinh tế. Trong khi các mức thuế đối ứng vẫn đang được đàm phán, nhiều nhà kinh tế dự đoán việc mở rộng áp thuế quan sẽ thúc đẩy lạm phát và gây áp lực lên tăng trưởng. Điều này sẽ khiến hai mục tiêu của các nhà hoạch định chính sách của Fed là ổn định giá cả và việc làm tối đa xung đột với nhau.
Các nhà kinh tế cho rằng sẽ mất thời gian để thấy rõ tác động đầy đủ của thuế quan mới đối với nền kinh tế. Cho đến nay, tác động chủ yếu là sự suy giảm mạnh về tâm lý và sự gia tăng đột biến trong nhập khẩu.
Theo cựu chuyên gia kinh tế của Fed, Rodney Ramcharan, nếu Fed cắt giảm lãi suất tại cuộc họp lần này thì thị trường có thể nhận định hành động trên mang tính chính trị hơn là một động thái phản ứng với thực trạng kinh tế hiện nay.
Trong khi đó, các nhà kinh tế của ngân hàng UniCredit cho rằng khả năng Fed điều chỉnh lãi suất tại cuộc họp tiếp theo diễn ra vào tháng 6/2025 là rất thấp do việc Mỹ hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày sẽ kéo dài đến ngày 8/7. Họ dự báo Fed sẽ không cắt giảm lãi suất trước tháng 9/2025.
Về phần mình, nhà kinh tế trưởng Jan Hatzius của ngân hàng Goldman Sachs cho rằng chính sách tiền tệ của Fed vẫn đứng trước triển vọng rất bất ổn và ông đã lùi thời điểm dự báo Fed cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong năm 2025 từ tháng Sáu sang tháng Bảy.