Chứng khoán Mỹ khởi sắc ngày đầu tuần; Dầu bứt phá hơn 3%

Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng hơn 3%, khi xuất hiện thông tin về việc ngừng sản xuất ở Libya và sau khi Israel và Hezbollah thực hiện một loạt cuộc không kích lẫn nhau qua biên giới Lebanon.

Dow Jones lập kỷ lục mới

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones tiến 65.44 điểm, tương đương 0.16%, lên 41,240.52 điểm, là mức đóng cửa cao nhất từ trước đến nay. Chỉ số S&P 500 mất 0.32% xuống 5,616.84 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite sụt 0.85% còn 17,725.76 điểm.

Nhà đầu tư dường như cũng đang chuyển hướng khỏi lĩnh vực công nghệ sang các lĩnh vực khác trên thị trường. Lĩnh vực năng lượng thuộc S&P 500 tăng hơn 1%, còn lĩnh vực công nghệ giảm 1%.

Cổ phiếu Nvidia bốc hơi 2.3% trước khi công bố báo cáo kết quả kinh doanh vào chiều ngày 28/08, một sự kiện mà nhà đầu tư đang nhấn mạnh là chìa khóa cho thị trường và sự nhiệt tình về trí tuệ nhân tạo AI đã thúc đẩy thị trường giá lên này. Các cổ phiếu con chip khác như Broadcom và Micron cũng giảm.

Thị trường đã khởi đầu tháng 8 dưới áp lực, khi lo ngại về khả năng suy thoái và việc hủy bỏ giao dịch của quỹ đầu cơ phổ phiên liên quan đến đồng Yên Nhật (JPY) đã khiến chứng khoán rớt khỏi mức cao kỷ lục. S&P 500 trượt 3% vào hôm 5/8, đánh dấu phiên giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2022. Dow Jones cũng ghi nhận đợt bán tháo mạnh nhất trong khoảng 2 năm vào ngày hôm đó, lao dốc hơn 1,000 điểm.

Tuy nhiên, kể từ đó, kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất và dữ liệu kinh tế Mỹ cải thiện đã giúp chứng khoán Mỹ khởi sắc. S&P 500 nhảy vọt 8% kể từ ngày 5/8 và chỉ còn thấp hơn 1% so với mức cao kỷ lục đã ghi nhận vào giữa tháng 7, trong khi Dow Jones tăng hơn 6%. Sự phục hồi đã lan rộng ra thị trường, với chỉ số Russell 2000 cũng tăng sau những nhận định của ông Powell.

Chứng khoán Mỹ vừa trải qua một tuần thắng lợi được nhấn mạnh bởi những phát biểu từ Chủ tịch Fed Jerome Powell, người đã đặt nền tảng cho việc hạ lãi suất. Phố Wall đang háo hức chờ đợi một đợt hạ lãi suất, đặc biệt là trong bối cảnh một số dữ liệu kinh tế đáng lo ngại đã gây ra đợt bán tháo vào đầu tháng 8 và khiến nhà đầu tư lo ngại rằng lãi suất cao có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ.

Ông Powell không chỉ ra lãi suất sẽ được hạ bao nhiêu hay thời điểm nào. Tuy nhiên, theo công cụ CME FedWatch, nhà đầu tư vẫn nhất trí dự báo Fed sẽ hạ lãi suất tại cuộc họp tháng 9.

Dầu ghi nhận phiên tăng mạnh nhất trong 2 tuần

Chính quyền miền Đông Libya tại Benghazi vào thứ Hai cho biết sản xuất và xuất khẩu dầu tại quốc gia Bắc Phi này sẽ đóng cửa, trong bối cảnh có tranh chấp với chính quyền phương Tây được quốc tế công nhận tại Tripoli về việc ai sẽ lãnh đạo ngân hàng trung ương.

Dầu WTI đã chạm mức đỉnh trong phiên là 77.60 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 16/8.

Khép phiên, hợp đồng dầu WTI tiến 2.59 USD, tương đương 3.46%, lên 77.42 USD/thùng. Trong khi, hợp đồng dầu Brent cộng 2.41 USD, tương đương 3.05%, lên 81.43 USD/thùng.

Matt Smith, nhà phân tích dầu mỏ hàng đầu khu vực châu Mỹ tại Kpler, cho biết Libya sản xuất khoảng 1,2 triệu thùng mỗi ngày, với hơn 1 triệu thùng/ngày xuất khẩu sang thị trường toàn cầu.

Smith nói với CNBC: “Việc ngừng sản xuất và xuất khẩu của Libya có khả năng tác động đáng kể đến thị trường toàn cầu”.

Dầu WTI có thể sẽ được hưởng lợi lớn nhất từ việc này, với việc châu Âu mua dầu đá phiến từ Mỹ để thay thế nguồn cung bị mất của Libya.

Israel đã tiến hành một đợt không kích lớn vào Lebanon vào ngày 25/08, mô tả hành động này là một cuộc tấn công phủ đầu để ngăn Hezbollah bắn một loạt tên lửa. Hezbollah cho biết đã phóng hàng trăm tên lửa vào Israel để trả đũa cho vụ giết chết một chỉ huy cấp cao của lực lượng này vào tháng 7.

Trung Đông đã căng thẳng trong nhiều tuần sau vụ ám sát chỉ huy Hezbollah ở Beirut và một nhà lãnh đạo Hamas ở Tehran, Iran. Iran cũng tuyên bố sẽ trả đũa Israel, nhưng cho đến nay, cuộc tấn công đã đe dọa vẫn chưa thành hiện thực.

Yên Huỳnh

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/chung-khoan-my-khoi-sac-ngay-dau-tuan-dau-but-pha-hon-3-post116565.html