Chứng khoán Mỹ giằng co vì nhà đầu tư còn lo về thuế quan, giá dầu tăng hơn 3%

Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã có lúc 'xanh' vào buổi chiều sau khi Tổng thống Donald Trump nói ông kỳ vọng sẽ đạt được thỏa thuận thương mại và Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU)...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm (17/4) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, với S&P 500 tăng nhẹ trong khi Dow Jones có phiên giảm thứ ba liên tiếp do mối lo của nhà đầu tư về cuộc chiến thuế quan chưa thể được giải tỏa. Giá dầu tăng mạnh vì lệnh trừng phạt mới của Mỹ với Iran có thể khiến hoạt động xuất khẩu dầu của nước này giảm mạnh.

Sau khi giằng co giữa giảm và tăng trong suốt thời gian của phiên giao dịch, S&P 500 tăng 0,13%, đóng cửa ở mức 5.282,7 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,13%, chốt ở 16.286,45 điểm.

Dow Jones mất 527,16 điểm, tương đương giảm 1,33%, chốt ở mức 39.142,23 điểm. Việc chỉ số blue-chip ghi nhận mức giảm mạnh là do cú giảm 22% của cổ phiếu UnitedHealth sau khi công ty bảo hiểm này công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận không đạt kỳ vọng của giới phân tích. Đến phiên này, cả Dow Jones và Nasdaq cùng ghi nhận 3 phiên giảm liên tiếp.

Cổ phiếu Nvidia tiếp tục đương đầu với áp lực giảm lớn, mất 3% sau khi giảm gần 7% trong phiên trước. Hôm thứ Ba, hãng chip hàng đầu thế giới cho biết sẽ phải bút toán giảm khoảng 5,5 tỷ USD trong kết quả kinh doanh quý 1 do Mỹ bất ngờ công bố biện pháp xuất khẩu mới đối với việc hãng bán chip đồ họa H20 cho Trung Quốc và một số quốc gia khác.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã có lúc “xanh” vào buổi chiều sau khi Tổng thống Donald Trump nói ông kỳ vọng sẽ đạt được thỏa thuận thương mại và Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Tuyên bố này được ông Trump đưa ra sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vào hôm thứ Tư khiến giới đầu tư lo ngại khi nói rằng chính sách thuế quan có thể đẩy lạm phát tăng trong ngắn hạn và đặt ra thách thức đối với việc hoạch định chính sách tiền tệ.

Phiên ngày thứ Sáu (19/4), chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Tạ ơn. Cả tuần này, cả ba chỉ số chính đều giảm, với Dow Jones và Nasdaq đều giảm hơn 2% mỗi chỉ số, còn S&P 500 giảm 1,5%.

Kể từ khi ông Trump công bố kế hoạch thuế quan đối ứng vào hôm 2/4 tới nay, S&P 500 đã giảm gần 7%, còn Dow Jones và Nasdaq đều giảm hơn 7% mỗi chỉ số.

“Thị trường đang chờ đợi và loay hoay tìm phương hướng. Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư muốn chờ kết quả các cuộc đàm phán thương mại của Mỹ”, chiến lược gia Rob Haworth của công ty quản lý tài sản US Bank Wealth Management nhận định với hãng tin CNBC.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 2,11 USD/thùng, tương đương tăng 3,2%, chốt ở 67,96 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 2,21 USD/thùng, tương đương tăng 3,54%, chốt ở 64,68 USD/thùng.

Lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm hạn chế hoạt động xuất khẩu dầu của Iran và những tuyên bố cứng rắn của Bộ Tài chính Mỹ về vấn đề này đang làm dấy lên mối lo ngại rằng nguồn cung dầu toàn cầu sẽ thắt lại, theo đó hỗ trợ giá dầu - theo nhận định của nhà phân tích Giovanni Staunovo thuộc ngân hàng UBS.

Biện pháp trừng phạt mới nói trên được chính quyền ông Trump công bố vào hôm thứ Tư tuần này, bao gồm việc nhắm vào các nhà máy lọc dầu tư nhân Trung Quốc. Đây là động thái nhằm gây sức ép lên Tehran trong bối cảnh diễn ra đàm phán giữa Mỹ với Iran về chương trình hạt nhân của quốc gia vùng Vịnh.

“Có một vài yếu tố đẩy giá dầu tăng: hoạt động chốt lời của các nhà đầu tư bán khống đầu, đồng USD suy yếu, và áp lực của Mỹ đối với Iran”, nhà phân tích Tony Sycamore của công ty IG nhận xét. “Nhưng nếu xét đến việc kinh tế Mỹ cùng lắm chỉ có thể đi ngang trong 1-2 quý tới và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm còn 3-4%, điều đó là không có lợi đối với giá dầu”.

Thời gian gần đây, một loạt tổ chức từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cho tới Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và nhiều ngân hàng như Goldman Sachs và JPMorgan Chase đã đồng loạt cắt giảm dự báo về giá dầu và tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Nguyên nhân phía sau sự cắt giảm này là thuế quan của Mỹ và hành động trả đũa của một số đối tác thương mại có thể khiến thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-giang-co-vi-nha-dau-tu-con-lo-ve-thue-quan-gia-dau-tang-hon-3.htm