Chứng khoán Mỹ bứt phá

Thị trường chứng khoán Mỹ khép lại tuần giao dịch trong sắc xanh khi các chỉ số chủ chốt như S&P 500 và Nasdaq Composite đồng loạt lập đỉnh lịch sử mới, phản ánh tâm lý lạc quan lan rộng trong giới đầu tư trước những tín hiệu tích cực từ chính sách tiền tệ và thương mại toàn cầu.

S&P 500 - Nasdaq liên tiếp phá đỉnh, tâm lý nhà đầu tư lạc quan

S&P 500 - Nasdaq liên tiếp phá đỉnh, tâm lý nhà đầu tư lạc quan

Phiên giao dịch cuối tuần ngày 25/7 đánh dấu một cột mốc ấn tượng đối với phố Wall khi S&P 500 tăng 0,4%, tương đương 25,29 điểm, lên 6.388,64 điểm, thiết lập mức đóng cửa kỷ lục lần thứ năm liên tiếp trong tuần, chuỗi lập đỉnh dài nhất trong hơn một năm qua. Nasdaq Composite cũng nối gót, tăng 0,2% lên 21.108,32 điểm, tiếp tục chuỗi tăng điểm vững chắc trong tháng 7. Trong khi đó, Dow Jones nhích 0,5%, chốt phiên tại 44.901,92 điểm, dù chưa vượt đỉnh lịch sử nhưng đã ghi nhận mức tăng gần 5,5% từ đầu năm.

Chuỗi lập đỉnh kéo dài này diễn ra trong bối cảnh tâm lý thị trường được củng cố mạnh mẽ nhờ kỳ vọng chính sách tiền tệ ổn định từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), các tiến triển thương mại toàn cầu và kết quả kinh doanh tích cực của nhiều doanh nghiệp lớn. Russell 2000, chỉ số đại diện cho nhóm công ty vốn hóa nhỏ, cũng tăng 0,4% lên 2.261,07 điểm, cho thấy dòng tiền đang lan tỏa trên diện rộng.

Trong tuần qua, các diễn biến thương mại đã đóng vai trò chất xúc tác chính nâng đỡ thị trường. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ gặp Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen vào Chủ nhật tại Scotland, với khả năng cao hai bên đạt được thỏa thuận thương mại. Bên cạnh đó, Mỹ đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với Nhật Bản và Philippines, mở ra kỳ vọng về sự hồi sinh trong quan hệ thương mại đa phương.

Dù vậy, tiến trình với Canada và Mexico vẫn còn trì trệ, khi thời hạn ngày 1/8 đang đến gần và các cuộc đàm phán với Canada được Trump mô tả là “không tiến triển tốt”. Dù chưa rõ ràng, những tín hiệu hợp tác từ Nhà Trắng trong tuần này đã đủ để củng cố niềm tin cho nhà đầu tư vào khả năng nối lại dòng chảy thương mại toàn cầu.

Một điểm sáng khác hỗ trợ thị trường là kỳ vọng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp ngày 30/7, đồng thời để ngỏ khả năng cắt giảm trong tháng 9 nếu dữ liệu kinh tế ủng hộ. Phát biểu của Tổng thống Trump rằng ông “không có ý định sa thải” Chủ tịch Fed Jerome Powell càng góp phần trấn an thị trường về sự ổn định của chính sách tiền tệ trong ngắn hạn.

Sự lạc quan hiện diện rõ qua chỉ số biến động Cboe VIX, thường được mệnh danh là “thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall”, đã giảm 2,99% trong phiên và giảm tới 9% trong tuần, xuống còn 14,93 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2025. Điều này cho thấy sự tự tin đang lan tỏa trong cộng đồng đầu tư.

Tuy nhiên, mức đòn bẩy ký quỹ trên thị trường đã vượt 1.000 tỷ USD, mức cao kỷ lục, là một tín hiệu cảnh báo đáng lưu tâm. Nếu xuất hiện cú sốc vĩ mô bất ngờ, thị trường có thể chứng kiến những biến động lớn do hiệu ứng gọi ký quỹ (margin call).

Tuần tới, nhà đầu tư sẽ hướng sự chú ý đến cuộc họp chính sách của Fed vào ngày 30/7 và các phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell, yếu tố có thể định hình kỳ vọng lãi suất cho mùa thu. Ngoài ra, cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung tại Stockholm, kéo dài đến ngày 12/8, cũng là biến số quan trọng có thể tác động đến tâm lý thị trường toàn cầu.

Phan Hà

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/chung-khoan-my-but-pha-167877.html