VN-Index tăng liên tiếp 3 tháng để lập đỉnh lịch sử
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục khởi sắc trong tuần giao dịch từ ngày 21- 25/7, với VN-Index đóng cửa ở mức 1.531,13 điểm – mức chốt phiên cao lịch sử của thị trường chứng khoán, tăng 33,85 điểm so với cuối tuần trước.
Đây là tuần tăng điểm thứ sáu liên tiếp, phản ánh tâm lý giao dịch hưng phấn tiếp tục chi phối thị trường. Dòng tiền đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa (midcap), trong khi thanh khoản khớp lệnh trên HOSE tiếp tục bứt phá, vượt xa mức bình quân 20 tuần gần đây.

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán. Ảnh minh họa: TTXVN
Có 19/21 ngành tăng điểm
Thị trường chứng khoán mở đầu tuần bằng phiên điều chỉnh hơn 12 điểm, lực cầu nhanh chóng nhập cuộc giúp VN-Index lấy lại hơn 24 điểm, phủ nhận nhịp điều chỉnh ngắn hạn. Các phiên giao dịch tiếp theo diễn ra rung lắc nhưng xung lực tăng vẫn được duy trì, đưa thị trường kết tuần ở mức cao kỷ lục.
Xét theo nhóm ngành, tuần qua có 19/21 ngành tăng điểm, nổi bật là hàng không tăng 9,63%, chứng khoán tăng 8,91% và phân bón tăng 5,58%. Ngược lại, nhóm cổ phiếu bất động sản giảm 1,97% và thực phẩm tiêu dùng giảm 0,6%.
Khối ngoại bán ròng mạnh với giá trị hơn 1.602 tỷ đồng trong tuần. VJC bị bán ròng mạnh nhất (1.714 tỷ đồng), tiếp theo là HPG (890 tỷ đồng) và FPT (501 tỷ đồng). Ở chiều mua ròng, HDB được mua ròng 683 tỷ đồng, VPB (660 tỷ đồng) và SSI (526 tỷ đồng).
Theo Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), kể từ mức đáy thiết lập ngày 9/4/2025, VN-Index đã tăng hơn 43% trong vòng ba tháng mà chưa có điều chỉnh đáng kể. Thống kê lịch sử cho thấy, sau các nhịp tăng mạnh biên độ 43 - 45%, thị trường thường điều chỉnh kỹ thuật từ 7 - 15% trước khi xác lập xu hướng tăng tiếp.
Với mức tăng nhanh hiện nay, VN-Index đang ở vùng đỉnh lịch sử. Thị trường cũng bước vào giai đoạn "trống thông tin" sau khi doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý II/2025, làm tăng khả năng xuất hiện nhịp điều chỉnh kỹ thuật.
Trong bức thư gửi nhà đầu tư, ông Petri Deryng, Giám đốc quỹ Pyn Elite Fund cho rằng, chứng khoán Việt Nam có thể tiếp tục bứt phá. Theo vị chuyên gia này, đà tăng hiện tại được hỗ trợ bởi kỳ vọng xuất khẩu phục hồi, vốn đầu tư gia tăng và tín hiệu tích cực từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về chu kỳ cắt giảm lãi suất trong 6 - 12 tháng tới, tạo thuận lợi cho thị trường trái phiếu và đồng VND.
Trong nước, các chính sách hỗ trợ tăng trưởng như đẩy mạnh đầu tư công, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), nới tín dụng, cải cách hành lang pháp lý bất động sản và kỳ vọng nâng hạng thị trường vào tháng 9 tới tiếp tục củng cố đà tăng.
Dù khối ngoại vẫn bán ròng lũy kế từ đầu năm, ông Petri Deryng nhận định mặt bằng định giá hấp dẫn, tâm lý tích cực và nền tảng vững chắc sẽ giúp thị trường duy trì xu hướng đi lên. Ông tin rằng VN-Index có thể chạm mốc 1.800 điểm vào dịp Giáng sinh năm nay. Tuy nhiên, ông Petri Deryng cũng lưu ý khả năng điều chỉnh ngắn hạn do hoạt động chốt lời của nhà đầu tư trong nước.
Thực tế cho thấy, đà tăng mạnh của chứng khoán Việt Nam diễn ra trong bối cảnh thị trường thế giới có những diễn biến trái chiều. Trong khi phố Wall liên tục lập kỷ lục mới, thì các thị trường châu Á lại thận trọng trước loạt sự kiện kinh tế quan trọng sắp diễn ra.
Chứng khoán châu Á thận trọng, Mỹ lập kỷ lục mới
Chứng khoán châu Á hầu hết giảm điểm trong phiên giao dịch chiều 25/7, khi nhà đầu tư thận trọng trước hàng loạt sự kiện kinh tế quan trọng sắp diễn ra như thời hạn chót các thỏa thuận thương mại của Mỹ, cuộc họp chính sách của Fed và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ). Chỉ số MSCI toàn cầu rút khỏi mức cao kỷ lục, giảm 0,2% so với đầu phiên.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,88% xuống 41.456,23 điểm, chấm dứt chuỗi tăng mạnh hai phiên trước đó khi nhà đầu tư tranh thủ chốt lời. Đồng USD tăng nhẹ lên khoảng 147 yen/USD tại Tokyo sau khi số liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ giảm bất ngờ.
Thị trường Trung Quốc cũng điều chỉnh nhẹ do áp lực chốt lời sau đà tăng liên tục. Chốt phiên 25/7, chỉ số Hang Seng giảm 1,1% xuống 25.388,35 điểm, Shanghai Composite hạ 0,3% còn 3.593,66 điểm. Dù vậy, các chỉ số vẫn trên đà tăng tuần thứ 5 liên tiếp.
Tại Hàn Quốc, chỉ số KOSPI tăng nhẹ 0,18% lên 3.196,05 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ ba liên tiếp nhờ kỳ vọng vào tiến triển đàm phán thương mại Hàn – Mỹ. Tuy nhiên, đà tăng bị kìm hãm bởi lo ngại về nguy cơ Mỹ áp thuế từ 1/8 tới. Cổ phiếu công nghệ diễn biến trái chiều: Samsung Electronics giảm 0,15%, SK hynix mất 1,3%, trong khi cổ phiếu tài chính và đóng tàu khởi sắc. HD Hyundai Heavy tăng gần 6%, Hanwha Ocean tăng hơn 1%.
Tại các thị trường lớn khác, chỉ số STOXX 600 châu Âu giảm 0,5% trong phiên sáng 25/7. Tâm lý nhà đầu tư quốc tế vẫn thận trọng khi dữ liệu việc làm Mỹ tốt hơn dự báo, làm dấy lên lo ngại Fed sẽ trì hoãn cắt giảm lãi suất.
Tuần tới được dự báo sẽ có nhiều biến động khi thị trường đón nhận loạt thông tin quan trọng như cuộc họp của Fed, báo cáo việc làm tháng 7/2025 của Mỹ, kết quả kinh doanh của các tập đoàn công nghệ lớn (Amazon, Apple, Meta, Microsoft), cùng cuộc họp chính sách của BoJ và diễn biến chính trị tại Nhật Bản sau khi liên minh cầm quyền mất đa số tại Thượng viện.
Trong khi đó, chứng khoán Mỹ tăng mạnh. Ngày 25/7, chỉ số S&P 500 tăng 0,4% lên 6.389 điểm, lập đỉnh mới lần thứ 14 trong năm. Nasdaq Composite tăng 0,24% lên 21.108 điểm - kỷ lục thứ 15 từ đầu năm. Dow Jones tăng 208 điểm (+0,47%) lên 44.902 điểm, chỉ còn cách đỉnh cũ khoảng 0,25%.
Tính chung cả tuần, S&P 500 tăng 1,5%, Dow Jones tăng 1,3% và Nasdaq Composite tăng 1%. Đà tăng được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh tích cực của doanh nghiệp và triển vọng thuận lợi trong đàm phán thương mại của Mỹ với Nhật Bản, Indonesia, Philippines.
Các nhà đầu tư đang kỳ vọng chính sách tiền tệ toàn cầu sẽ nới lỏng trong thời gian tới, khi Fed phát đi tín hiệu cắt giảm lãi suất trong vòng 6 - 12 tháng, đồng thời các cải cách thương mại và tài chính tại Mỹ đang tạo môi trường hỗ trợ thị trường cổ phiếu toàn cầu.