Chứng chỉ nghề quốc gia ngành xây dựng giúp nâng cao năng lực người lao động

Khi nhiều hiệp định về kinh tế được thông qua, các quy định mới về đấu thầu yêu cầu lực lượng lao động phổ thông phải có chứng chỉ nghề là một trong những điều kiện để tham gia dự thầu… đang là nỗi lo không chỉ của người sử dụng lao động ngành xây dựng mà còn là nỗi lo thực sự cho người lao động.

Công nhân xây dựng có tay nghề cao, chứng chỉ nghề là một trong những điều kiện để cạnh tranh được với lao động trong khu vực.

“Hiện nay trước thực trạng công nhân ngành xây dựng đang đối mặt với việc phải cạnh tranh với lực lượng lao động phổ thông từ các nước trong khu vực như Philipines, Indonesia, Myanmar…. Năng suất lao động của họ cao gấp 5 lần lao động của mình, lại biết nói tiếng Anh. Lao động Việt Nam sẽ phải làm gì để không thể mất việc làm ngay trên chính quê hương của mình…” - PGS. TS. Cao Văn Sâm - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động Thương binh và xã hội cảnh báo.

Đứng trước nhu cầu bức thiết đó, Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cho phép Trường Cao đẳng Xây dựng số 2 là đơn vị đầu tiên trong cả nước được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho 2 nghề nề hoàn thiện và cốp pha giàn giáo trình độ kỹ năng 2. PGS.TS. Lê Anh Đức, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tổng cục Dạy nghề trước mắt cấp phép cho trường cấp chứng chỉ 2 nghề trên. Đây là bước thí điểm ban đầu sau đó sẽ cho trường cấp chứng chỉ tất cả các nghề mà trường đào tạo để phù hợp với xu thế xã hội.

Ông Cao Quang Đại - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Để đẩy mạnh kỹ năng đánh giá nghề dựa trên các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề cụ thể với 3 tiêu chí: Kiến thức, kỹ năng, thái độ. Thông qua đó, người lao động hiểu được họ cần có ý thức cao hơn trong công việc. Biết được công việc nào an toàn, công việc nào không an toàn để từ chối. Cũng như giúp họ tự tin hơn khi định giá sức lao động của mình để đem “bán” cho người sử dụng lao động.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Xây dựng cho rằng, việc cấp chứng chỉ nghề là cần thiết vì phải tạo ra hành lang pháp lý để công nhân tham gia vào thị trường lao động. Hiện nay đang có sự cào bằng giữa lao động được đào tạo và lao động phổ thông. Nếu doanh nghiệp sử dụng lao động có chứng chỉ sẽ yên tâm hơn về người lao động vì ngoài kỹ năng ra họ có ý thức tốt hơn.

Hưởng ứng về việc công nhân ngành xây dựng được cấp chứng chỉ nghề quốc gia, đại diện Sở Xây dựng Long An cho rằng: Lao động xây dựng tại địa phương hầu hết là nông dân đi làm sau khi mùa vụ nông nhàn, tay nghề của họ thì cao nhưng ngược lại ý thức rất kém. Nếu họ được cấp chứng chỉ nghề quốc gia thông qua thi cử thì ý thức trong lao động của họ sẽ được thay đổi.

Có tầm nhìn xa và luôn đồng hành với công nhân lao động phải nói đến Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1). CC1 đã đi tiên phong trong việc tự bỏ tiền ra để cho công nhân đi thi lấy chứng chỉ. Vừa qua, đã có 100 công nhân của công ty có thâm niên công tác từ 3 đến 5 năm trở lên đi thi. Ông Lê Hữu Việt Đức - Tổng Giám đốc CC1 nhìn nhận: Chúng tôi không đong đếm khi mình bỏ tiền ra thì được gì và mất gì. Họ có thể gắn bó hoặc không sau khi nhận được chứng chỉ nghề, quan trọng là người lao động sẽ tự ý thức trong việc nâng cao năng lực để cạnh tranh với lao động trong nước và trong khu vực.

Bùi Hiền

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/chung-chi-nghe-quoc-gia-nganh-xay-dung-giu-p-nang-cao-nang-luc-nguoi-lao-dong.html