Chuẩn bị đủ điều kiện để thực hiện chính sách tiền lương mới từ 1-7

Cử tri và Nhân dân quan tâm nhiều đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý các cán bộ cấp cao, việc thực hiện chính sách tiền lương mới từ ngày 1-7 tới…

Ngày 15-5, ngày cuối cùng của phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã xem xét báo cáo công tác dân nguyện của QH tháng 4-2024; tham gia ý kiến dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ bảy, QH khóa XV.

Xử lý tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ

Trình bày báo cáo kiến nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (VN) Đỗ Văn Chiến cho hay cử tri và Nhân dân đánh giá rất cao công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, công tác này tiếp tục đạt được kết quả quan trọng, toàn diện, “nói đi đôi với làm”, thật sự không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự đau xót khi một số cán bộ cấp cao đã vi phạm những điều đảng viên không được làm, mất uy tín, không thể tiếp tục đảm nhiệm trọng trách được Đảng và Nhân dân giao phó.

“Cử tri và Nhân dân rất tin tưởng vào Đảng, Nhà nước “không ngừng, không nghỉ” trong cuộc đấu tranh cam go, phức tạp này; đồng thời cũng còn băn khoăn, lo ngại về một số thông tin thất thiệt hòng lợi dụng tình hình, chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ” - ông Chiến nói và bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng có giải pháp hiệu quả đề phòng, đấu tranh ngăn chặn các thông tin “xấu, độc” ảnh hưởng đến thành quả chung đã đạt được.

 Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ bảy. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ bảy. Ảnh: PHẠM THẮNG

Ông Chiến thông tin cử tri, cán bộ, công chức, viên chức đánh giá cao sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và sự cố gắng của ngành nội vụ trong việc chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1-7 tới. Chính phủ, ngành nội vụ cũng chú ý lắng nghe ý kiến của cử tri và Nhân dân để có sự điều chỉnh cần thiết trong việc triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030…

Công tác tiếp dân, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân ở một số địa phương sau giám sát của QH, MTTQ VN và HĐND các cấp đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn ở một số địa phương, việc thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách không còn vị trí làm việc chưa được quan tâm giải quyết. Một số trụ sở xã, tài sản, kiến trúc ở cấp huyện sau khi sáp nhập chưa được sử dụng hiệu quả, còn lãng phí. “Kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm; vẫn còn các thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân” - ông Chiến nói thêm.

Rà soát để triển khai chính sách tiền lương mới từ ngày 1-7

Tại báo cáo này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Đỗ Văn Chiến kiến nghị Đảng, Nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền thống nhất nhận thức, tạo đồng thuận cao hơn nữa trong cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong các tầng lớp Nhân dân về các chủ trương phát triển kinh tế; xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật làm “nhiễu” thông tin, nhất là các thông tin “xấu, độc” hòng chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ, bôi nhọ làm giảm sút uy tín của lãnh đạo, ảnh hưởng đến sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Cũng theo ông Chiến, trong quá trình thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước vẫn còn một số bất cập, cá biệt có chính sách bị chi phối bởi lợi ích cục bộ (không loại trừ lợi ích nhóm), làm cho người dân rất băn khoăn. Vì vậy, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ kiến nghị với Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát, kịp thời giải quyết hiệu quả bốn vấn đề.

Đáng chú ý là việc tháo gỡ khó khăn để hạn chế các doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, thách thức về việc làm, thu nhập cho người dân đang là vấn đề nổi lên khá gay gắt.

Đặc biệt, ông Chiến kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng rà soát các văn bản hướng dẫn, các điều kiện “cần và đủ” để triển khai thực hiện chính sách tiền lương mới từ ngày 1-7 tới. Trong đó, cần quan tâm giải quyết kịp thời bất cập, vướng mắc phát sinh để chính sách tiền lương mới thực sự động viên cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Ban Dân nguyện kiến nghị thanh tra, giám sát thị trường vàng

Trình bày báo cáo công tác dân nguyện, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho hay cử tri và Nhân dân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về tình trạng thời tiết nắng nóng gay gắt, khô hạn trên cả nước. “Đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam đã kéo dài nhiều tuần qua, dự báo cháy rừng đang ở cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm” - ông Bình nói.

Theo ông Bình, tình trạng nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sức khỏe của người dân; tình trạng gió lốc và mưa đá gây thiệt hại lớn về hoa màu và nhà cửa của người dân tại các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình cũng là mối lo của cử tri.

Từ thực tế trên, Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ QH đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương có liên quan có biện pháp chủ động phòng ngừa, ứng phó và ngăn chặn có hiệu quả nguy cơ cháy rừng, hạn chế thấp nhất số vụ cháy rừng và diện tích thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Đặc biệt, ông Bình thông tin cử tri và Nhân dân lo lắng giá vàng liên tục biến động và tăng cao sẽ tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống của người dân. Do vậy, Ban Dân nguyện kiến nghị Thường vụ QH đề nghị Chính phủ có giải pháp tăng cường công tác thanh tra, giám sát thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng; xử lý buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng thị trường, bảo đảm thị trường vàng ổn định, minh bạch, lành mạnh.

******

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH NGUYỄN VĂN HỒI:

Nghiên cứu sửa luật theo hướng có lợi cho người lao động

Rút BHXH một lần đúng là vấn đề hết sức day dứt. Số người tham gia BHXH có xu hướng tăng so với các năm trước nhưng tốc độ có chậm lại và số người hưởng BHXH một lần tiếp tục tăng ở các tháng đầu năm nay. Điều này cho thấy đây vẫn là một lựa chọn của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, thôi việc và mất việc làm.

Lý do, phần lớn người lao động có những khó khăn trước mắt, chưa nhận thức được các lợi ích dài hạn của BHXH và chính sách về bảo đảm an sinh xã hội.

Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tăng cường truyền thông và nâng cao nhận thức về lợi ích và các quyền lợi của người lao động trong quá trình tham gia BHXH. Tăng cường nghiên cứu sửa Luật BHXH theo hướng tăng các chính sách hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn và tăng các quyền lợi của người hưởng chính sách BHXH.

*****

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh LÊ TẤN TỚI:

Ngăn chặn việc khai thác nước ngầm quá mức ở ĐBSCL

Tình trạng vùng ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt không phải năm nay mà các năm đều thiếu, đã xảy ra rất lâu. Năm nào chúng ta cũng có giải pháp, mà tới cuối cùng, giải pháp hiệu quả nhất là quân đội đem nước cho dân, còn giải pháp căn cơ thì chưa có.

Bây giờ vùng ĐBSCL không chỉ thiếu nước trong sinh hoạt mà còn thiếu cả nước cho sản xuất. Có nguyên nhân như tác động của biến đổi khí hậu, tác động của các quốc gia đầu nguồn, trong đó có hoạt động đào kênh mới, ngăn chặn các thủy điện… Một nguyên nhân nữa là chúng ta phát triển làm bốn vụ lúa/năm thay vì hai vụ như truyền thống nên không đủ nước.

Tôi đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành, các nhà khoa học phải nghiên cứu giải pháp tích nước, đồng thời ngăn chặn ngay vấn đề khai thác nước ngầm làm sụt lún mặt đất cho vùng ĐBSCL.

*****

Trung tướng LÊ QUỐC HÙNG, Thứ trưởng Bộ Công an:

Bộ Công an tham mưu cho Thủ tướng về giá vàng

Thời gian qua, tình hình biến động giá vàng vô cùng phức tạp, Bộ Công an đã nắm bắt tình hình, tham mưu cho Thủ tướng nhiều vấn đề. Trong đó, tập trung kiến nghị các giải pháp quan trọng liên quan đến an ninh tiền tệ, an ninh quốc gia, như tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định 24/2012 về độc quyền vàng miếng SJC...

Bộ Công an đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xây dựng, áp dụng cơ chế can thiệp của cơ quan quản lý vào thị trường vàng, như các cơ chế can thiệp vào giá mua - giá bán, cơ chế can thiệp vào cung - cầu thị trường, kịp thời bổ sung quy định về biên độ chênh lệch tối đa giữa giá mua và giá bán. Ban hành quy định về trách nhiệm của các cơ quan liên quan quản lý thị trường vàng, gồm vàng miếng, sản xuất gia công vàng trang sức...

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thị trường, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật thị trường, như kiểm soát tối đa nguyên liệu đầu vào, chất lượng sản phẩm...

Chúng tôi cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu ban hành quy định pháp lý kiểm soát nghĩa vụ thuế về kinh doanh vàng, như bắt buộc xuất hóa đơn hàng điện tử online, quy định về thuế giá trị gia tăng, mã số...

*******

Quốc hội xem xét nhiều nội dung quan trọng tại kỳ họp 7

Tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó có 24 nội dung thuộc công tác lập pháp.

Sáng 15-5, tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến việc chuẩn bị kỳ họp thứ bảy, QH khóa XV.

Tổng Thư ký QH Bùi Văn Cường cho hay QH sẽ xem xét 39 nội dung tại kỳ họp thứ bảy. Trong đó, 24 nội dung thuộc công tác lập pháp; 15 nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Dự kiến tổng thời gian làm việc của QH là 26 ngày, khai mạc vào ngày 20-5 và bế mạc vào chiều 27-6. QH sẽ họp tập trung tại Nhà QH và chia thành hai đợt, đợt 1 kéo dài 17 ngày, từ ngày 20-5 đến 8-6; đợt 2 diễn ra trong chín ngày, từ ngày 17 đến 27-6.

Vẫn trình thông qua dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)

Đi vào nội dung cụ thể, Tổng Thư ký QH Bùi Văn Cường cho biết có ý kiến đề nghị cân nhắc thời điểm thông qua dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) do chính sách BHXH là chính sách đi sau cải cách tiền lương, trong khi cải cách tiền lương sẽ được thực hiện từ ngày 1-7 tới. Ý kiến khác đề nghị lùi thời điểm trình QH thông qua dự án luật này sang kỳ họp thứ tám.

Tổng thư ký QH cho rằng dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ QH chỉ đạo các cơ quan phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện, bảo đảm được đa số đồng thuận trước khi trình QH.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Thường vụ QH cũng chỉ đạo đánh giá kỹ tác động của cải cách chính sách tiền lương đối với lương hưu của người nghỉ hưu trước và sau ngày 1-7-2024; những người có mức lương hưu thấp, nhất là nhóm nghỉ hưu trước năm 1995. Đồng thời, trình QH xem xét việc thông qua dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) tại kỳ họp thứ bảy nếu bảo đảm đủ điều kiện. Do vậy, ông Bùi Văn Cường đề nghị trong dự kiến chương trình kỳ họp vẫn thể hiện quy trình QH xem xét, thông qua dự án luật này.

Trường hợp qua thảo luận còn có nhiều ý kiến khác nhau, chưa đạt được sự đồng thuận cao, Ủy ban Thường vụ QH sẽ xem xét báo cáo QH quyết định điều chỉnh thời điểm thông qua đối với dự án luật này theo ý kiến của đại biểu QH.

Không còn mức lương cơ sở

Tổng thư ký QH cũng cho hay có ý kiến cho rằng việc thực hiện cải cách tiền lương bắt đầu triển khai từ ngày 1-7 tới. Tuy nhiên, đến nay chưa có đề án và chưa bố trí trong chương trình kỳ họp là chậm. Trường hợp trình QH tại kỳ họp này sẽ không đủ thời gian để các ủy ban tiến hành thẩm tra.

Ông Bùi Văn Cường cũng cho biết hiện Ủy ban Thường vụ QH và Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan khẩn trương xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan của QH, HĐND cấp tỉnh và cấp huyện, các ngành tòa án, kiểm sát, kiểm toán. Cùng với đó là hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 204/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Việc này nhằm thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu tại các nghị quyết của QH về việc xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ, Chính phủ trình cấp có thẩm quyền chỉ đạo, hướng dẫn chi tiết theo thẩm quyền việc thực hiện để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1-7 tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Góp ý về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng vấn đề cải cách tiền lương được cử tri và cán bộ, công chức, viên chức rất quan tâm.

“Một trong những nội dung đáng chú ý của chính sách tiền lương mới là sẽ không còn mức lương cơ sở. Vì vậy, khi xây dựng chính sách tiền lương mới thay đổi như thế nào, đề nghị Chính phủ phải làm rõ” - bà Nguyễn Thúy Anh nói và lưu ý trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có nội dung liên quan đến mức lương cơ sở. Vì vậy, cần chỉnh sửa dự luật theo hướng thay vì dùng “mức lương cơ sở” thì dùng “mức lương tham chiếu” cho phù hợp với nội dung của cải cách tiền lương.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch thường trực QH Trần Thanh Mẫn lưu ý đối với Luật BHXH (sửa đổi), cần quyết tâm thông qua tại kỳ họp này. “Với những vấn đề còn vướng mắc thì các cơ quan liên quan ngồi lại với nhau để đưa ra phương án giải quyết thấu tình đạt lý” - ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

ĐỨC MINH

*****

Xin ý kiến gia hạn nợ cho Vietnam Airlines

Tại kỳ họp thứ bảy, Chính phủ dự kiến trình QH phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay 4.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 135/2020 của QH khóa XIV để tháo gỡ khó khăn cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Đây là nội dung rất quan trọng, cấp bách, cần xin ý kiến của QH tại kỳ họp này. Tình hình tài chính của Vietnam Airlines hiện nay rất khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Do vậy, Chính phủ xin QH cho phép Ngân hàng Nhà nước gia hạn khoản vay tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng để cho Vietnam Airlines vay.

Việc này không thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước, do vậy cần phải được QH thông qua. Ban cán sự Đảng Chính phủ đã có văn bản báo cáo với Bộ Chính trị.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ TRẦN VĂN SƠN

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/chuan-bi-du-dieu-kien-de-thuc-hien-chinh-sach-tien-luong-moi-tu-1-7-post790758.html