Chủ trương kịp thời, phát huy hiệu quả trong công tác quản lý đô thị
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng, khi triển khai thực hiện mô hình thí điểm, công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị (QLTTXDĐT) trên địa bàn TP có nhiều chuyển biến tích cực. Những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng phức tạp, nổi cộm, gây bức xức dư luận dần được hạn chế, do các công trình xây dựng được kiểm soát, các vi phạm được phát hiện kịp thời hơn.
Mô hình Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị của Hà Nội:
Tại Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg, Quyết định số 35/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã cho phép TP Hà Nội được thí điểm thành lập Đội QLTTXDĐT trực thuộc UBND quận huyện, thị, xã trong thời gian 5 năm, kể từ ngày 10/8/2018 đến ngày 10/8/2023, đồng thời giao UBND TP Hà Nội tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả mô hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/5/2023.
Vì vậy, từ tháng 8/2018, TP Hà Nội thí điểm thành lập đội QLTTXDĐT đô thị thuộc UBND quận, huyện, thị xã. Lực lượng thanh tra xây dựng đóng tại địa bàn các quận, huyện, thị xã (gồm 1.393 cán bộ, công chức, lao động hợp đồng) do Thanh tra Sở Xây dựng quản lý được điều chuyển về UBND cấp huyện. Cùng với đó, UBND TP ban hành quy định QLTTXDĐT trên địa bàn, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các đội QLTTXDĐT và các đơn vị liên quan, theo hướng tăng hiệu quả phối hợp phát hiện, xử lý vi phạm.
Đến thời điểm này, có thể khẳng định, đây là một chủ trương kịp thời. Bởi, với vai trò là một đơn vị trực thuộc UBND cấp quận, huyện, mô hình này đã tạo sự thống nhất, tập trung, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND quận, huyện, thị xã về QLTTXDĐT tại địa phương. Từ đó, nâng cao tính chịu trách nhiệm toàn diện của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã trong công tác QLTTXDĐT, tạo thuận lợi cho công tác đánh giá, bổ nhiệm, điều động, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức làm công tác này.
Bên cạnh đó, khi trở thành một đơn vị trực thuộc UBND cấp quận, huyện, thị xã, công tác QLTTXDĐT tại cơ sở có sự tham gia phối hợp, giám sát của các cơ quan, đơn vị chức năng, của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương. Chức năng, nhiệm vụ của Đội QLTTXDĐT, trách nhiệm, cơ chế tham gia phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác QLTTXDĐT đã được quy định cụ thể, rõ ràng, đảm bảo nguyên tắc 5 rõ “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, khi triển khai thực hiện mô hình thí điểm, công tác QLTTXDĐT trên địa bàn TP có nhiều chuyển biến tích cực. Những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng phức tạp, nổi cộm, gây bức xức dư luận dần được hạn chế, do các công trình xây dựng được kiểm soát, các vi phạm được phát hiện kịp thời hơn.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng, so với cùng kỳ 4 năm trước khi thực hiện mô hình thí điểm, tỷ lệ công trình có phép, miễn phép trên địa bàn thành phố tăng 2,9% (từ 96,59% lên 99,49%). Tỷ lệ số công trình có vi phạm trên tổng số công trình xây dựng giảm 5,13% (từ 8,82% xuống 3,69%). Bên cạnh đó, số lượng công trình vi phạm giảm 4.331 trường hợp (từ 7.142 trường hợp còn 2.811 trường hợp). Tỷ lệ công trình vi phạm đã giải quyết dứt điểm giảm 8,92% (từ 91,73% còn 82,81%).
“Riêng năm 2022, các Đội QLTTXDĐT đã tiến hành kiểm tra 19.211 công trình, qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 320 trường hợp có vi phạm, chiếm tỷ lệ 1,67%. Lực lượng chức năng đã xử lý dứt điểm 186/320 trường hợp, chiếm tỷ lệ 58,10%; đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 134 trường hợp còn lại. UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành hơn 1.200 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, với tổng số tiền phạt hơn 12 tỷ 720 triệu đồng” - ông Hoàng Cao Thắng nhấn mạnh.