Chú trọng quản lý, bảo vệ rừng ở vùng giáp ranh tỉnh Gia Lai

Tỉnh Phú Yên và Gia Lai vừa ký quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; xử lý vi phạm pháp luật về lâm nghiệp tại vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh, qua đó giúp quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có. Đồng thời kiểm soát, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp; hạn chế xảy ra điểm nóng về phá rừng, khai thác, lấn chiếm đất rừng, mua bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật.

Lực lượng chức năng tỉnh Phú Yên kiểm tra khu vực rừng giáp ranh. Ảnh: NGÔ NHẬT

Lực lượng chức năng tỉnh Phú Yên kiểm tra khu vực rừng giáp ranh. Ảnh: NGÔ NHẬT

Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Xuân Quang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh liên quan đến các nội dung của quy chế phối hợp giữa 2 tỉnh.

Ông Huỳnh Xuân Quang

* Đặc điểm tình hình chung vùng giáp ranh giữa tỉnh Phú Yên và Gia Lai hiện nay như thế nào, thưa ông?

- Phú Yên và Gia Lai có vùng giáp ranh dài 113km, trải dài ở 3 huyện của Phú Yên là Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh và 3 huyện của Gia Lai là Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa.

Diện tích vùng giáp ranh này phần lớn có địa hình phức tạp, hiểm trở; điều kiện về cơ sở vật chất, thông tin liên lạc phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng còn hạn chế. Đây là nơi tập trung nhiều loài gỗ quý, có giá trị kinh tế cao như: trắc, cẩm, hương, gõ, dổi, căm xe…

Dân cư ở khu vực này chủ yếu là đồng bào DTTS tại chỗ kết hợp với đồng bào DTTS các tỉnh phía Bắc di cư lập nghiệp sống ven rừng.

Nhìn chung, ở khu vực vùng giáp ranh, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, tập quán canh tác chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến diện tích rừng ở khu vực giáp ranh luôn có nguy cơ bị đe dọa cao.

Thực tế cho thấy, khu vực này cũng xảy ra tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất rừng để sản xuất rẫy, chặt cây rừng đốt lấy than, khai thác lâm sản trái pháp luật để lấy gỗ làm nhà. Tình trạng này diễn biến khá phức tạp.

* Vậy kết quả triển khai thực hiện quy chế phối hợp trong những năm qua thế nào?

- Từ thực trạng đã nêu, Chi cục Kiểm lâm Phú Yên thường xuyên phối hợp cùng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai triển khai các nhiệm vụ tại khu vực này theo Quy chế phối hợp 953/QCCCKL-PY-GL ngày 28/11/2016 và Quy chế phối hợp 03/QCPH-KLGLKLPY ngày 28/6/2022 (sửa đổi, thay thế), đạt một số kết quả.

Đối với công tác tuyên truyền, Chi cục Kiểm lâm 2 tỉnh đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm phối hợp UBND cấp xã, đơn vị chủ rừng, cơ quan, đơn vị liên quan tại vùng giáp ranh thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về lâm nghiệp và các quy định có liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đến người dân.

Thời gian qua, lực lượng chức năng trên địa bàn các huyện Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa đã xây dựng kế hoạch tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra, truy quét trên địa bàn vùng giáp ranh.

Kết quả đã tổ chức được 207 đợt kiểm tra, truy quét, qua đó kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng, bảo vệ tốt hiện trạng rừng tại vùng giáp ranh 2 tỉnh.

Chi cục Kiểm lâm, các hạt kiểm lâm khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Phú Yên và Gia Lai thường xuyên trao đổi thông tin về diễn biến tình hình quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh, qua đó có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, hạn chế vụ việc vi phạm.

Định kỳ vào ngày 15/6 và 15/12, UBND cấp huyện, Chi cục Kiểm lâm báo cáo Sở NN&PTNT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh để UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Hằng năm hoặc đột xuất, sở NN&PTNT 2 tỉnh luân phiên tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện quy chế và đề ra phương hướng thực hiện trong thời gian đến; kịp thời tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy chế phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

* Để nâng cao hiệu quả hơn nữa trong công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng; kiểm tra, ngặn chặn, xử lý vi phạm Luật Lâm nghiệp vùng giáp ranh trong thời gian đến, Chi cục Kiểm lâm đề ra giải pháp gì, thưa ông?

- Lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung của quy chế phối hợp; thường xuyên trao đổi thông tin về công tác bảo vệ, quản lý lâm sản của mỗi bên để từ đó có phương án phối hợp, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh, vướng mắc cũng như ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp tại vùng giáp ranh.

Hạt kiểm lâm các huyện giáp ranh chủ động rà soát, nắm tình hình và lập danh sách các đối tượng, khu vực thường xảy ra các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp để chủ động thông tin, liên hệ lực lượng kiểm lâm hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai phối hợp ngăn chặn, xử lý kịp thời khi xảy ra vụ việc.

Trong thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm 2 tỉnh Phú Yên và Gia Lai tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các hạt kiểm lâm trực thuộc tăng cường phối hợp thực hiện quy chế.

Theo đó, 100% hạt kiểm lâm giáp ranh ký quy chế phối hợp, kế hoạch phối hợp và thực hiện tuần tra, kiểm soát, trao đổi thông tin, sơ kết hằng năm theo đúng nội dung quy chế phối hợp giữa 2 tỉnh.

* Xin cảm ơn ông!

NGÔ NHẬT (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/318113/chu-trong-quan-ly-bao-ve-rung-o-vung-giap-ranh-tinh-gia-lai.html