Chú trọng đảm bảo an toàn thực phẩm trong nông nghiệp

Nhận thức rõ những ảnh hưởng của vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp đối với sức khỏe con người và thương hiệu nông sản của địa phương, thời gian qua, huyện Phúc Thọ đã luôn chú trọng và đẩy mạnh công tác đảm bảo ATTP trong nông nghiệp.

Từ tháng 6/2017, huyện Phúc Thọ đã phát động triển khai cuộc vận động 3 sạch “Nước sạch, Môi trường sạch và Nông nghiệp sạch” giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn huyện. Trong đó, huyện đã tích cực triển khai các giải pháp tăng cường quản lý ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia buôn bán, trực tiếp sản xuất hàng nông sản, thủy sản các quy định của pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nhằm mang lại niềm tin, sự an tâm cho người tiêu dùng.

Một trong những mô hình tiêu biểu về sản xuất nông nghiệp sạch ở huyện Phúc Thọ

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2018, huyện đã hỗ trợ lắp đặt 1.770 thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại 8 xã nằm trong chương trình vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo Nghị quyết 25 HĐND nhằm giảm tình trạng xả vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật xuống đồng ruộng và nguồn nước tưới. Đến nay, tổng số thùng chứa vỏ thuốc BVTV và các bể chứa vỏ thuốc BVTV trên địa bàn huyện đạt 1936 cái, đã tiến hành thu gom được 1966 kg vỏ bao bì thuốc BVTV. Trên địa bàn huyện không xuất hiện tình trạng sử dụng thuốc diệt cỏ có chứa hoạt chất 2,4-D và Paraquat trong sản xuất trồng trọt, tuy nhiên, vẫn còn 1 lượng nhỏ thuốc diệt cỏ được sử dụng để diệt cỏ trên đường giao thông.

Tại các vùng sản xuất tập trung, thường xuyên có cán bộ BVTV và khuyến nông đi giám sát đồng ruộng và hướng dẫn bà con cách phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc 4 đúng “đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc, đúng cách”, đảm bảo thời gian cách ly khi sử dụng thuốc BVTV và bón phân. Việc hướng dẫn sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh được khuyến cáo nhằm cải tạo đất, giảm lượng phân bón hóa học.

Cùng với việc tăng cường siết chặt quản lý vật tư nông nghiệp, huyện cũng nỗ lực hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện quy trình sản xuất nông sản an toàn áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Huyện đã hỗ trợ 120 ha trồng rau tại 3 xã Võng Xuyên, Thanh Đa và Vân Phúc sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý tàn dư cây trồng AT-YTB trong vụ đông 2017-2018 nhằm tận dụng tàn dư cây trồng làm phân bón, cải thiện độ phì của đất, hạn chế tình trạng mất vệ sinh môi trường do tàn dư cây trồng không được xử lý gây ra.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng kĩ thuật mới được triển khai sản xuất như: mô hình sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ vụ xuân với tổng diện tích 120 ha; mô hình ngâm nước đất trồng để xử lý sâu bệnh hại trong đất trồng rau quy mô 0,11ha, bón phân hữu cơ cải tạo đất tại Long Xuyên; mô hình trồng rau thủy canh tại Hiệp Thuận… Diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng nhà lưới cũng tăng đáng kể, từ 7,7 ha năm 2016, đến nay đã đạt trên 10.27 ha, góp phần tạo ra các sản phẩm rau quả an toàn, chất lượng với giá trị kinh tế cao. Trong 6 tháng đầu năm 2018, huyện đã tiến hành test nhanh 15 mẫu rau củ trên địa bàn huyện để xét nghiệm, kết quả, các mẫu kiểm nghiệm đều đạt yêu cầu về độ an toàn.

Song song với những kết quả đã đạt được, công tác bảo đảm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện còn những khó khăn và hạn chế như: quy mô sản xuất, kinh doanh của nhiều cơ sở mang tính chất nhỏ lẻ, theo hộ gia đình nên chưa đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Nhận thức về ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp của một bộ phận nhân dân chưa đầy đủ, ý thức thực hiện quy định về ATTP của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm còn hạn chế. Nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm vì lợi ích kinh tế trước mắt bỏ qua các quy định trong sản xuất và bảo đảm thực phẩm an toàn…

Trong thời gian tới, huyện Phúc Thọ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường quản lý ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền đối với các tổ chức, cá nhân tham gia buôn bán, trực tiếp sản xuất hàng nông sản, thủy sản các quy định của pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nhằm mang lại niềm tin, sự an tâm cho người tiêu dùng và từng bước nâng cao chất lượng, giá trị và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản của địa phương.

M.Q

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chu-trong-dam-bao-an-toan-thuc-pham-trong-nong-nghiep-76751.html