Chủ tịch TP. HCM cam kết gỡ điểm nghẽn cho nhà đầu tư
Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi trực tiếp phản hồi, giải đáp các thắc mắc của các doanh nghiệp liên quan đến các thủ tục đầu tư dự án và cam kết gỡ 'điểm nghẽn lớn nhất'.
Ngày 27/6, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. HCM tổ chức hội nghị "Xúc tiến đầu tư vào Khu công nghệ cao 2022" với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cam kết trước doanh nghiệp. Ảnh: VD
Tại hội nghị, một số nhà đầu tư băn khoăn về thủ tục cấp phép đầu tư quá lâu, quá thời hạn mà không thấy cơ quan ban ngành trả lời…
Trước vấn đề đó, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi thừa nhận, thời gian qua dù các cơ quan ban ngành đã có những nổ lực, song việc giải quyết thủ tục cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp còn chậm, "thậm chí có những hồ sơ chậm nhiều năm";
"Việc chậm trễ khiến các doanh nghiệp mất cơ hội, phát sinh chi phí rất nhiều và chính quyền TP cũng phải chịu trách nhiệm", Chủ tịch Mãi nói.
Theo ông Mãi, bên cạnh thu hút đầu tư mới, TP. cũng cần tái cơ cấu đầu tư hiện tại, đó là trách nhiệm của thành phố trong việc tạo ra không gian, khuôn khổ pháp lý, các điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng giá trị cho dự án.
Đối với quỹ đất để phát triển lĩnh vực logistics, ông Phan Văn Mãi thông tin, trong tuần này lãnh đạo TP. sẽ nghe việc tái cơ cấu các khu công nghiệp trên địa bàn TP, trong đó có một số khu công nghiệp sẽ chuyển đổi công năng sang logistics. "Ví dụ khu công nghiệp Tân Bình, Bình Triệu sẽ có lộ trình phát triển, tính lại công năng để phát triển logistics sau khi hết thời hạn".
Bên cạnh đó, ông Mãi cho hay TP sẽ rà soát, phát triển thêm một số khu công nghiệp, ví dụ tháo gỡ các vướng mắc của khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Hiệp Phước 2 khi mỗi khu có diện tích khoảng 300 hecta và xúc tiến thủ tục để triển khai khu công nghiệp Phạm Văn Hai với diện tích khoảng 600 hecta.
Với khu công nghệ cao TP. HCM, từ khi thành lập năm 2002 đến nay, Ban quản lý SHTP đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 163 dự án với tổng vốn đầu tư đạt trên 12 tỷ USD (vốn FDI trên 10,1 tỷ USD, trong nước trên 1,96 tỷ USD). Lũy kế tổng giá trị sản xuất công nghệ cao của khu ước đạt 120,307 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 112,024 tỷ USD và giá trị nhập khẩu đạt 105,299 tỷ USD. Đến nay SHTP cao đã hình thành các hệ sinh thái ngành mạnh trong các lĩnh vực điện tử - CNTT, công nghệ sinh học - dược phẩm, cơ khí chính xác - tự động hóa và công nghệ vật liệu mới.
Tại Hội nghị, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. HCM đã trao chứng nhận điều chỉnh đầu tư cho ba dự án với vốn đầu tư tăng thêm hơn 841 triệu USD và 180 tỷ đồng.
Cụ thể: dự án của Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 841 triệu USD (nâng lũy kế vốn đầu tư lên hơn 2,841 tỷ USD); điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo Hòa Bình thêm 150 tỷ đồng (lũy kế vốn đầu tư 900 tỷ đồng); tăng thêm 30 tỷ đồng cho dự án Nhà máy dược phẩm và chất chuẩn Việt Nam (lũy kế lên 300 tỷ đồng).