Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự khánh thành Đền thờ liệt sỹ tại chiến trường Điện Biên Phủ

Ngày 18/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự khánh thành Đền thờ liệt sỹ tại chiến trường Điện Biên Phủ, phát động chương trình mái ấm nghĩa tình, lễ trồng cây.

Ngày 18/5, tỉnh Điện Biện tổ chức lễ khánh thành Đền thờ Liệt sỹ tại chiến trường Điện Biên Phủ.

Sự kiện có sự hiện diện của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, và đại diện các bộ, ngành, địa phương.

Tọa lạc trên đồi F, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ, công trình Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ được khởi công vào ngày 13/3/2021 (kỷ niệm 67 năm ngày mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ), và hoàn thành sau hơn 1 năm thi công.

Công trình có tổng vốn đầu tư 105 tỷ đồng, được đầu tư từ nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt và ngân sách địa phương; Công ty cổ phần Him Lam là đơn vị tổng thầu. Công trình gồm các hạng mục chính: Đền thờ chính, nhà Tiền tế, các nhà Tả vu, Hữu vu, nhà dịch vụ.

Trong đó, Đền thờ chính có kết cấu công trình sử dụng bê tông cốt thép đổ toàn khối, kết hợp hệ kết cấu gỗ theo kiến trúc truyền thống, mái lợp ngói, nền nhà và bậc lát đá granit. Diện tích xây dựng công trình 303 m2. Ngoài ra còn có các hạng mục phụ trợ gồm: cổng vào, sân dẫn nhập, hệ thống đường dẫn, sân tĩnh tâm và hồ tĩnh tâm, sân Đền; hệ thống cây xanh, cảnh quan, thiết bị và các hạng mục phụ trợ đồng bộ, hoàn chỉnh. Trong đó, cổng vào được thiết kế bằng hệ trụ biểu gồm 4 cột trụ bê tông cốt thép ốp đá, hoa văn cách điệu từ họa tiết hoa hồi; hệ thống đường dẫn, sân Đền được lát đá granit.

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu cắt băng khánh thành đền thờ Liệt sỹ tại chiến trường Điện Biên Phủ

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu cắt băng khánh thành đền thờ Liệt sỹ tại chiến trường Điện Biên Phủ

Đây là một công trình mang ý nghĩa lớn về giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau, đồng thời, công trình còn mang ý nghĩa quan trọng đối với đời sống tâm linh của thân nhân các liệt sỹ cũng như bà con nhân dân địa phương và đồng bào nhân dân cả nước.

Việc đầu tư xây dựng công trình còn từng bước góp phần thực hiện Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đã được phê duyệt. Không chỉ có kiến trúc độc đáo mà mỗi chi tiết thiết kế của công trình dù là nhỏ nhất cũng đều mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt, thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc và là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố lịch sử, văn hóa và tâm linh.

Phát biểu tại Lễ khánh thành, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: Công trình Đền thờ liệt sỹ để quy tụ hồn thiêng các anh hùng liệt sỹ trên đất Điện Biên sẽ là nơi thực hiện các nghi lễ tâm linh, tri ân công lao những người đã hy sinh, cống hiến cuộc đời mình cho Tổ quốc, đồng thời cũng là nơi nhắc nhớ, giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng vẻ vang của quê hương cho thế hệ hôm nay và mai sau.

“Cùng với Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đền thờ Liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ không chỉ là nơi giáo dục truyền thống mà còn là điểm nhấn về văn hóa, kết nối với mạng lưới các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của vùng, phục vụ du khách tham quan, tưởng niệm, góp phần thúc đẩy ngành Du lịch Điện Biên ngày càng phát triển, từng bước xác lập vị trí là trung tâm kinh tế xã hội vùng Tây Bắc”- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tại lễ phát động chương trình “Mái ấm nghĩa tình, An sinh xã hội”, tỉnh Điện Biên đã kêu gọi được trên 150 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho trên 3.000 hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn, đồng thời huy động được trên 300 tỷ đồng để xây dựng các công trình đảm bảo an sinh xã hội, đây là hoạt động thiết thực và ý nghĩa để giúp người dân an cư, ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Thắng- Bí thư tỉnh ủy Điện Biên bày tỏ: Những năm qua mặc dù tỉnh có nhiều nỗ lực trong xóa đói giảm nghèo nhưng Điện Biên vẫn có nhiều khó khăn, Tỉnh mong tiếp tục nhận được sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự đồng hành, hỗ trợ của các địa phương, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm… giúp tỉnh thực hiện nhanh các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội trên địa bàn.

Ngay sau Lễ Khánh thành Đền thờ liệt sĩ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thực hiện nghi thức trồng cây trong Lễ Phát động trồng cây hưởng ứng "Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 gắn với phát triển cây công nghiệp chiến lược trên địa bàn tỉnh Điện Biên".

Đáng chú ý, cây được Chủ tịch nước trồng là cây mắc ca. Đây là cây công nghiệp chiến lược mới của Việt Nam gắn với ngành công nghiệp mắc ca được Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và Công ty Cổ phần Him Lam là 2 doanh nghiệp làm đầu tàu thúc đẩy phát triển kể từ năm 2014.

Hiện nay, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và Công ty Cổ phần Him Lam là 2 thành viên lớn trong Hiệp hội Mắc ca Việt Nam. Bản thân Ngân hàng cũng đã và đang triển khai sản phẩm độc đáo cho ngành này, là sản phẩm Tín dụng Mắc ca dành riêng cho các hộ nông dân và các doanh nghiệp trồng mắc ca, sản xuất và chế biến các sản phẩm từ quả hạt mắc ca.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tỉnh Điện Biên đã huy động nhiều nguồn lực xã hội trồng 642 nghìn cây xanh. Chủ tịch nước cho rằng, trồng cây xanh vừa là vấn đề kinh tế, giải quyết việc làm, vừa là vấn đề môi trường nên các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thúc đẩy chương trình này.

Nhắc lại mục tiêu ngành chế biến gỗ nước ta tiến tới xuất khẩu 50 tỉ USD, hiện đã đạt được 16 tỉ USD, Chủ tịch nước cho rằng, đây là làm việc các địa phương cần lưu ý thúc đẩy.

Chủ tịch nước trồng cây mắc ca tại Lễ phát động

Chủ tịch nước trồng cây mắc ca tại Lễ phát động

Trong các loại cây trồng, Chủ tịch nước đánh giá, cây mắc ca là một trong những loại cây đã được xác định vùng quy hoạch và hiệu quả kinh tế, nhất là ở một số tỉnh ở Tây Nguyên, Điện Biên và một số địa phương khác. Chủ tịch nước cho rằng, cây mắc ca là cây “đi sau, về trước”, do đó cần được khẳng định, chỉ đạo phát triển ở Việt Nam. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, Tây Bắc có 3 triệu ha vùng đất trống, đồi trọc, trong đó riêng Điện Biên, tỉnh có thổ nhưỡng phù hợp với cây mắc ca, hiện có 300 nghìn ha đất trống đồi núi trọc. Nếu tận dụng được diện tích đất này để phát triển cây mắc ca sẽ thực hiện được đa mục tiêu, đó là phát triển rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế và vấn đề môi trường.

Theo ông Lê Thành Đô- Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động, UBND Điện Biên đã phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện với mục tiêu đến hết năm 2025, toàn tỉnh tổ chức trồng trên 3,8 triệu cây xanh (trong đó: Trồng cây xanh phân tán trên 170 nghìn cây, trồng cây xanh tập trung trên 3,7 triệu cây), gắn mục tiêu trồng cây xanh để phủ xanh đất trống, đồi trọc với chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn và xóa đói giảm nghèo.

Sau nhiều năm nghiên cứu và khảo nghiệm thực tế, tỉnh Điện Biên và Hiệp hội mắc ca Việt Nam đã quyết định chọn Mắc ca, một loài cây xanh đa mục đích, có tuổi thọ dài, thích hợp với khí hậu thổ nhưỡng của Điện Biên là loại cây trồng chủ lực để thực hiện mục tiêu phủ xanh đất trống đồi trọc đồng thời là cây công nghiệp chủ lực có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập bền vững cho người dân tạo vùng nguyên liệu đủ lớn để phát triển công nghiệp chế biến, cho ra những sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trên thị trường trong nước và quốc tế.

“Tỉnh Điện Biên quyết tâm thực hiện thành công Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” gắn với phát triển cây công nghiệp chiến lược trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Mỗi cây xanh được ươm trồng hôm nay là một mầm xanh hy vọng gieo vào tương lai tươi sáng và vững bền của đồng bào Điện Biên nói riêng, của vùng Tây Bắc phên dậu Tổ quốc nói chung”- lãnh đạo Tỉnh khẳng định.

Thùy Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-du-khanh-thanh-den-tho-liet-sy-tai-chien-truong-dien-bien-phu-178058.html