Chủ tịch MB: Kỳ vọng đạt mức lợi nhuận 28.800 tỷ đồng hoặc cao hơn
Ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT MB cho rằng, trước bối cảnh sức ép chi phí vốn tăng, dự phòng cao... để đạt được mức lợi nhuận 28.800 tỷ đồng đề ra đòi hỏi nỗ lực lớn.
Cụ thể, về bức tranh kết quả kinh doanh của MB trong nửa đầu năm 2024, bà Nguyễn Thị Thanh Nga – Giám đốc Tài chính MB cho biết, lợi nhuận trước thuế tập đoàn đạt 13.428 tỷ đồng, tăng trưởng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023, ngay cả khi chi phí dự phòng tăng trong nửa đầu năm qua.
Các công ty thành viên đang đi đúng hướng và đóng góp 5% vào lợi nhuận trước thuế toàn tập đoàn. Về tăng trưởng quy mô, tín dụng của MB tăng ấn tượng với mức 9,4% và tăng đều ở các phân khúc.
Đáng chú ý, nợ xấu (NPL) của MB đã quay về mức dưới 2% và được kiểm soát chặt chẽ ở mức 1,64% (hợp nhất) và 1,42% (riêng lẻ). Đi kèm theo đó, chất lượng tín dụng của MB liên tục cải thiện.
Về hiệu quả hoạt động, tuy NII (thu nhập lãi thuần) đi ngang so với cùng kỳ 2023 do nền lãi suất trong 6 tháng năm 2024 thấp hơn tương đối so với cùng kỳ 2023, đồng thời MB chủ động triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất cho khách hàng theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, song thu ngoài lãi (NFI) của MB tăng trưởng ấn tượng ở mức 48% so với cùng kỳ.
Từ đó, TOI (tổng thu nhập hoạt động) tăng trưởng tăng 11%, song song, chi phí cũng như CIR đang được quản lý hiệu quả và tối ưu trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều lạm phát, kết quả lợi nhuận trước thuế của MB nằm trong top 4 ngành ngân hàng.
Hoạt động thẻ của MB cũng ghi nhận kết quả nổi bật. “Sau 4 năm triển khai đa dạng các mô hình, hiện số lượng thẻ của MB đang dẫn đầu thị trường. Doanh số chi tiêu tăng mạnh. Đây là kỳ đầu tiên MB có gia tốc bật tăng mạnh như thế và con số này được kỳ vọng sẽ bật hơn nữa trong các kỳ tiếp theo,” bà Thanh Nga cho hay.
Cũng theo bà Nga, trong quý II/2024 lợi nhuận MB tăng trưởng khá tốt so với quý I, nhưng quý III/2024 có kịch bản khá thận trọng với tăng trưởng tín dụng khoảng 12-13%. Bà Nga cho biết, từ cuối tháng IV/2023, chi phí vốn đã bắt đầu tăng, dự kiến tăng nhẹ 0,1-0,15% trong quý III/2024. Đồng thời, chi phí dự phòng cũng sẽ tăng cao hơn.
Do vậy, lợi nhuận quý III/2024 của MB sẽ dao động tăng/giảm 6% so với kết quả quý II. Kịch bản lợi nhuận năm 2024 của MB giữ như đã trình ĐHĐCĐ thường niên 2024 ở mức 28.800 tỷ đồng trước thuế, phấn đấu nỗ lực các nguồn thu kinh doanh tăng cao hơn.
Chủ tịch HĐQT MB ông Lưu Trung Thái đánh giá thêm rằng, 6 tháng cuối năm 2024, MB kiên định với 4 vấn đề lớn: Dự trù sẽ giữ được NIM cho vay trong 6 tháng cuối năm, chi phí vốn kiểm soát chặt chẽ; kiểm soát chất lượng tín dụng, nợ xấu trong 6 tháng cuối năm kiểm soát ít nhất bằng 6 tháng đầu năm nay. Mục tiêu kiểm soát nợ xấu hợp nhất không quá 1,7%, trích dự phòng 100% nợ xấu.
Trên cơ sở đó, nhu cầu tín dụng đang quay trở lại, các mảng kinh doanh lớn của MB đến nay dự kiến quy mô dự nợ được cải thiện trong quý III/2024, quy mô thu phí và đặc biệt duy trì tốc độ thu hồi nợ xấu giữ được tốt. Vì thế, theo Chủ tịch MB, Ngân hàng kỳ vọng đạt tối thiểu mục tiêu lợi nhuận đề ra 28.800 tỷ đồng trước thuế và có thể cao hơn.
Đánh giá về bối cảnh kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2024, ông Đàm Nhân Đức - Kinh tế trưởng MB khẳng định “giai đoạn khó khăn nhất đã qua”. Theo đó, lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi tương đối mạnh; ngành sản xuất phục hồi tích cực, đặc biệt là nhóm FDI, tạo đà để kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2024 và năm 2024 phát triển mạnh mẽ hơn.