Chủ tịch HĐQT nhận thù lao 1 USD muốn đưa ngân hàng vào top vốn điều lệ cao nhất Việt Nam

Nếu tăng vốn thành công, vốn điều lệ mới của LPBank sẽ đạt 33.576 tỷ đồng, thuộc Top các ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất Việt Nam

Dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank) vừa công bố tài liệu trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024, trong đó, có một số nội dung đáng chú ý.

Nếu tăng vốn thành công, vốn điều lệ mới của LPBank sẽ đạt 33.576 tỷ đồng, thuộc Top các ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất Việt Nam

Theo đó, LPBank dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng (tỷ lệ tăng hơn 31%) thông qua hình thức chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (sau khi được Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận). Việc tăng vốn điều lệ giúp Ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động, khả năng cạnh tranh và đổi mới công nghệ, nhằm mục tiêu phát triển bền vững năm 2024 và các năm tiếp theo. Nếu tăng vốn thành công, vốn điều lệ mới của LPBank sẽ đạt 33.576 tỷ đồng, thuộc Top các ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất Việt Nam. Được biết, năm 2023, LPBank cũng tăng vốn với tỷ lệ gần 48%, đứng thứ 2/20 ngân hàng có thực hiện tăng vốn trong năm về tỷ lệ tăng.

Ngoài ra, LPBank cũng trình ĐHĐCĐ thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023. Cụ thể, Ngân hàng định hướng chiến lược không chia cổ tức trong 3 năm tới nhằm từng bước xây dựng nền tảng và tăng cường năng lực tài chính thông qua việc sử dụng lợi nhuận để bổ sung vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh, đầu tư vào các dự án trọng điểm. Đây là một phần trong chiến lược dài hạn của Ngân hàng để tăng trưởng và tạo ra giá trị cao cho cổ đông trong tương lai.

Cũng tại đại hội, LPBank trình ĐHĐCĐ về việc đổi tên Ngân hàng thành Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Việt Nam. Việc thay đổi tên nhằm đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong giai đoạn hiện nay, thể hiện định hướng phát triển mới, nâng tầm vị thế và hình ảnh của LPBank trong thời gian tới. Ban kiểm soát LPBank cũng có tờ trình miễn nhiệm 01 thành viên BKS là ông Nguyễn Phú Minh do ông Minh có đơn xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân.

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Thụy nhận thù lao 1 USD

Năm 2023 là năm đầu tiên của LPBank dưới sự lãnh đạo của thuyền trưởng mới – ông Nguyễn Đức Thụy.

Ông Thụy được bầu làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng từ 9/12/2022 và tiếp tục được tín nhiệm trong phiên họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra tháng 4/2023. Đồng thời, trong năm 2023 cũng chứng kiến một loạt sự thay đổi về nhân sự cấp cao, trong đó có việc bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc đối với ông Hồ Nam Tiến thay cho ông Phạm Doãn Sơn.

Theo dữ liệu báo cáo tài chính, quỹ thù lao, lương thưởng và phúc lợi khác của HĐQT, Ban Kiểm soát, Tổng giám đốc và các thành viên quản lý chủ chốt trong năm qua bị điều chỉnh giảm. Quỹ thù lao cho HĐQT giảm mạnh từ 21,2 tỷ đồng năm 2022 xuống còn 8,6 tỷ đồng; cho Tổng giám đốc và các thành viên quản lý chủ chốt khác giảm hơn một nửa từ 34 tỷ đồng xuống 15,7 tỷ đồng. Trong đó, Chủ tịch HĐQT nhận thù lao 1 USD.

Ngược lại, LPBank lại tăng thù lao, lương thưởng cho Ban Kiểm soát từ 2,3 tỷ đồng năm 2022 lên gần 3,4 tỷ đồng năm 2023.

Số liệu tại báo cáo tài chính hợp nhất quý IV cho thấy, tại ngày 31/12/2023, số lượng nhân viên của LPBank là 10.627 người, giảm 1.576 người so với thời điểm đầu năm.

Tuy nhiên, điều thú vị trong khi thù lao cho lãnh đạo giảm, số lượng nhân viên giảm thì tổng quỹ lương, phụ cấp của nhân viên LPBank lại tăng khá mạnh.

Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, năm 2023, LPBank tăng chi phí cho nhân viên từ mức 3.039 tỷ đồng lên mức 3.234 tỷ đồng. Trong đó, chi lương và phụ cấp là 2.793 tỷ đồng (năm 2022 là 2.563 tỷ đồng).

Ước tính mức chi phí bình quân mà LPBank dành cho mỗi nhân viên trong năm 2023 là 24,1 triệu đồng/người/tháng, tăng rất mạnh so với mức 21,6 triệu đồng/người/tháng năm 2022.

Trong tháng 3/2023, ngân hàng cũng đã chấm dứt hoạt động của 59 phòng giao dịch bưu điện và dừng cung cấp dịch vụ ngân hàng tại 4 tổ chức giao dịch bưu điện nhằm tối ưu hóa mạng lưới, tăng hiệu quả hoạt động.

Kết thúc năm 2023, LPBank thu về 7.039 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 117% kế hoạch năm, tăng trưởng 24% so với 2022. Đặc biệt, ngân hàng tiếp tục nằm trong top đầu ngành về hiệu quả hoạt động với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 19,16%.

Trong năm qua, quy mô của ngân hàng cũng đã tăng đáng kể. Vốn điều lệ tăng mạnh từ 17.291 tỷ đồng lên mức 25.576 tỷ đồng tương ứng tăng 48% so với thời điểm đầu năm.

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản LPBank đạt 382.863 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cuối năm 2022. Dư nợ cho vay khách hàng trong năm 2023 tăng 17%, đạt 275.431 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 10%, đạt 237.392 tỷ đồng. Hoạt động xử lý nợ cho thấy tính hiệu quả khá rõ nét khi tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cải thiện từ 1,46% năm 2022 xuống 1,34% năm 2023 – mức tương đối thấp so với trung bình ngành.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt được thành lập vào ngày 28/03/2008, sau 16 năm phát triển, LPBank lần đầu tiên lọt Top 500 ngân hàng có giá trị cao nhất toàn cầu, Top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam do tổ chức Brand Finance công bố.

Trong năm 2024, LPBank đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và chuyển đổi số, ưu tiên triển khai ứng dụng các công nghệ hiện đại vào kinh doanh và quản trị điều hành như: Định danh eKYC, thanh toán không tiếp xúc NFC, triển khai nền tảng Quản trị dữ liệu Datalake/DataWarehouse, giải pháp thanh toán (Payments), giải pháp ngân quỹ Treasury (Front-to-Back), nền tảng ngân hàng hợp kênh LienViet24h (Omni channel)… Đặc biệt là dự án chuyển đổi hệ thống ngân hàng lõi (Corebanking) sang hệ thống T24 của tập đoàn Temenos - đơn vị cung cấp giải pháp ngân hàng lõi dẫn đầu thị trường

Hà Lâm

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/ngan-hang/chu-tich-hdqt-nhan-thu-lao-1-usd-muon-dua-ngan-hang-vao-top-von-dieu-le-cao-nhat-viet-nam-121625.html