Chủ tịch HĐQT Hóa chất Đức Giang (DGC): Chúng tôi không đi giải quyết nỗi buồn của cổ đông
Tại ĐHCĐ diễn ra sáng 29/3, trước đề xuất của cổ đông rằng lãnh đạo công ty mua vào cổ phiếu để họ yên tâm nắm giữ, Chủ tịch Tập đoàn hóa chất Đức Giang (mã DGC) Đào Hữu Huyền cho biết: 'Chúng tôi không can thiệp vào nhà đầu tư nước ngoài và không đi giải quyết nỗi buồn của cổ đông'.
Năm 2023, DGC đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 10.875 tỷ đồng, trong đó doanh thu phốt pho vàng (P4 - sản phẩm chính Công ty) khoảng 4.600 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 3.000 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến theo tờ trình là 30% nhưng chưa chốt tiền mặt hay cổ phiếu vì còn tùy thuộc vào nhu cầu vốn đầu tư thực tế năm 2023.
Các chỉ tiêu kinh doanh này giảm 24,5% về doanh thu và giảm hơn 50% về lợi nhuận so với thực hiện năm 2022 - năm đánh giá là huy hoàng về kết quả kinh doanh của DGC từ khi thành lập.
Năm 2022, theo ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT DGC, thị trường tốt, nhu cầu phốt pho vàng nhiều nên chấp nhận giá cao và chất lượng sản phẩm của DGC tốt nên bán được nhiều thị trường khó tính; giá phân bón cũng cao, và thành công nữa là có mỏ khai trường 25 giúp công ty có thể đi từ A đến Z, song song đó là duy trì nhà máy hoạt động vượt công suất, sử dụng các công nghệ hiện đại để hạ được giá thành.
Theo ông Huyền, tính đến thời điểm hiện nay, dù đã chi hơn 1.000 tỷ đồng cổ tức theo nghị quyết HĐQT thì DGC vẫn còn gần 9.000 tỷ đồng tiền mặt.
“Rất ít khi công ty tích trữ tiền mặt khủng, đây là cơ sở để đầu tư các dự án như dự án Nghi Sơn, dự án NPK Đắk Nông”, ông Huyền chia sẻ tại đại hội.
Theo kế hoạch đầu tư năm 2023, DGC dự kiến đầu tư xây dựng cơ bản tổng cộng 550 tỷ đồng, trong đó 50 tỷ đồng cho việc hoàn thành nhà máy NPK Đắk Nông và 500 tỷ đồng để khởi công tổ hợp Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn.
Được biết, dự án Nghi Sơn giai đoạn 1 đang chậm hơn so với tiến độ kế hoạch, dự kiến sẽ khởi công chậm nhất tháng 6/2023, sản lượng gần 50.000 tấn PVC và đi vào hoạt động sau 1 năm. Nguồn vốn cho dự án Nghi Sơn chủ yếu đến từ vốn tự có.
Trả lời cổ đông về tiến độ các dự án, ông Đào Duy Anh, Tổng giám đốc DGC cho biết, với dự án Nghi Sơn, chậm do một số dân cư trong khu vực ảnh hưởng 1.000 m đến dự án chưa đồng thuận, tới nay họ đã đồng ý di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng. Dự kiến đến tháng 6/2023 người dân sẽ nhận tiền xong và thực hiện di dời. Theo kế hoạch thì quý 2 sẽ thực hiện. Dự án có bước tiến lớn là sắp xong đánh giá tác động môi trường, dự kiến tháng 4 Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ thông qua bản cuối cùng – đây là giấy phép rất quan trọng để dự án hóa chất bước vào xây dựng.
Còn dự án bất động sản tại Long Biên, đã được phê duyệt quy hoạch 1/500, nhưng do có vướng Luật nhà ở, đất đai môi trường nên đang dậm chân. Hiện DGC đang phối hợp để tháo gỡ vướng mắc.
Mới đây, DGC công bố đã mua thành công 51% cổ phần Công ty cổ phần Ắc quy Tia Sáng (TSB). Ông Huyền chia sẻ tại đại hội, đây là kế hoạch đã được công ty lên từ trước. Hiện doanh số TSB đi ngang 5 năm, đạt khoảng 180-200 tỷ đồng, lợi nhuận chỉ 3-4 tỷ đồng/năm.
“DGC không mua chơi, không nhắm vào bất động sản, vì DGC vẫn còn 6 ha đất tại Hà Nội vẫn chưa xử lý xong, mà mục tiêu của DGC kỳ vọng sẽ thúc đẩy TSB phát triển hơn nữa. Tham vọng đẩy doanh thu lên 1.000 tỷ đồng, hướng đến việc tận dụng nền tảng của Ắc quy Tia Sáng để sản xuất pin lithium- một yếu tố rất quan trọng cho dòng xe điện hiện nay”, ông Huyền nói.
Đang cung ứng sản phẩm cho Coca Cola toàn cầu, không ảnh hưởng nhiều từ Trung Quốc
Về lo ngại giá phốt pho và giá phân bón đều đang giảm, liệu DGC có phải trích lập dự phòng. Đại diện DGC cho biết, Công ty không cần trích lập dự phòng. Dự phòng có thể bằng cách giảm lợi nhuận 2023 so với 2022, chứ trong lịch sử chưa có ai lập dự phòng cho giá phốt pho.
Ông Đào Duy Anh, Tổng giám đốc DGC cho biết, giá bán phốt pho của Việt Nam đang cao hơn mặt bằng chung trên thế giới nhờ có các lợi thế về chất lượng tốt hơn, nên các khách hàng từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… sẵn sàng trả giá cao hơn, những khách hàng này rất chú trọng về chất lượng.
Trong khi đó, Trung Quốc đang không xuất khẩu photpho vàng, còn về mức giá thì tương đồng giá bán của Việt Nam. Theo ông Duy Anh, việc Trung Quốc mở cửa trở lại, để đánh giá tác động tới thị trường hóa chất là khó, còn với phốt pho vàng thì DGC chưa thấy có tác động đáng kể vì họ không xuất khẩu trực tiếp, các nhà máy Trung Quốc chưa quay lại sản xuất hoàn toàn. Và thông tin tỉnh Vân Nam cắt giảm sản lượng điện do thiếu điện, hạn hán nên sản lượng photpho cũng đang thiếu ở Trung Quốc.
Tôi không có chủ trương mua vào cổ phiếu, vì không muốn gia đình chi phối cổ phần và có thể sẽ bán ra khi phù hợp.
Ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT DGC
Theo ông Duy Anh, nhu cầu axit phophoric thực phẩm trên thế giới tốt, có thị trường lớn mới là Mỹ. Hiện DGC đang bắt đầu cung cấp cho Coca Cola toàn cầu – bên sử dụng axitphotphoric thực phẩm lớn nhất toàn cầu. Thị trường Thái Lan cũng tiềm năng, họ mua chủ yếu từ Trung Quốc khoảng 80.000-90.000 tấn/năm, tuy nhiên hiện Trung Quốc lại đang hạn chế xuất khẩu, do đó DGC hưởng lợi nhiều.
Với axitphotphoric trích ly (nguồn nguyên liệu cơ bản để sản xuất được phân bón cao cấp DAP, Map, Supe Lân Giàu), giá bán giảm 1.800 USD xuống 1.000 USD, nhưng nhu cầu trên thế giới tốt, và DGC đang phải từ chối đơn hàng Ấn độ, Bangladesh, để sản xuất một phần phân bón cho tiêu thụ trong nước.
Với mặt hàng LCD, DGC đang gửi mẫu sang Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản… từ năm ngoái, hiện khách đang đặt hàng dần, phong cách đặt hàng là đặt thử số ít, sau đó mới tăng dần lượng hàng. Hiện công suất sản xuất axitphophoric điện tử 45.000 tấn/năm, vì đang trong quá trình khách hàng kiểm tra nên việc tiêu thụ chưa đạt như công suất.
Tại đại hội, có cổ đông cho biết đã mua cổ phiếu DGC tại mức giá 140.000 đồng/CP, có vay margin và đang còn giữ. Có một xu hướng là nước ngoài bán ra DGC làm cổ phiếu không tăng lên đúng giá trị được. Theo đó, cổ đông này đề xuất ban lãnh đạo đầu tư, mua thêm cổ phiếu DGC để cổ đông yên tâm nắm giữ.
Về vấn đề này, ông Huyền cho biết: "Việc của chúng tôi làm là đảm bảo được sản xuất kinh doanh và đảm bảo cuộc sống cho cán bộ nhân viên. Chúng tôi không can thiệp vào nhà đầu tư nước ngoài và không đi giải quyết nỗi buồn của cổ đông. Chúng ta ai cũng biết, thị trường chứng khoán thì biến động và không ai nghĩ thanh khoản hiện giảm rất mạnh như vậy".
“Chúng tôi không hiểu nhà đầu tư nước ngoài. Họ đã từng hỏi mua 20% DGC nhưng chúng tôi từ chối. Còn về việc mua vào cổ phiếu, hiện tại tôi cũng đang lỗ. Một mình tôi không thể chống lại thị trường", ông Huyền nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm tại đại hội, ông Huyền cho biết, không có chủ trương mua vào cổ phiếu, vì không muốn gia đình chi phối cổ phần và có thể sẽ bán ra khi phù hợp. "Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, cổ đông như chúng tôi nắm giữ 5-10% vốn công ty đã là lớn", ông nói.
Cổ đông tại đại hội cũng đề xuất nâng cổ tức tiền mặt năm 2022 thêm 10%, và đã nhận được sự đồng thuận thông qua. Theo đó, cổ tức năm 2022 sẽ là 40%. Còn năm 2023, ông Huyền cho biết sẽ để ngỏ việc chia cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu, vì còn tùy thuộc vào nhu cầu đầu tư thực tế của công ty trong năm, nếu điều kiện thuận lợi để tiến hành đầu tư ngay trong năm các dự án thì nhu cầu vốn rất lớn.
Theo tính toán của ông Huyền, như dự án chế biến alumin có thể giúp công ty hoạt động tốt thêm 40 năm. Nếu chế biến được nhôm nữa thì doanh số tỷ USD là bình thường. Nếu tháng 4 được phê duyệt sẽ có giấy phép đầu tư, nên cần phải giữ lại tiền mặt.
Trong quý I/2023, DGC đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 2.578 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 700 tỷ đồng. Tại đại hội, đại diện DGC cho biết sẽ cố gắng đạt kế hoạch này.
Toàn bộ tờ trình đại hội đã được thông qua.