Chủ động phòng bệnh bằng việc tiêm vaccine

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên từ năm 2021 đến cuối năm 2023, tình hình cung ứng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc bị đứt gãy.

Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: H.Dung

Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: H.Dung

“Lỗ hổng” tiêm chủng dẫn đến tình trạng một số bệnh truyền nhiễm gia tăng kể từ đầu năm 2024 đến nay tại nhiều tỉnh, thành, trong đó có Đồng Nai.

* Gia tăng bệnh ho gà, bệnh dại

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, sau 4 năm vắng bóng, đến tháng 5-2024, toàn tỉnh ghi nhận 4 ca ho gà ở trẻ nhỏ tại thành phố Biên Hòa (2 ca), huyện Trảng Bom (1 ca) và huyện Định Quán (1 ca). Đáng lưu ý, bệnh xuất hiện ở những trẻ chưa đến tuổi tiêm vaccine hoặc có những trẻ đã được tiêm một mũi vaccine.

Như trường hợp bé T.M.T.N. (3 tháng tuổi, ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa). Sau khi sinh, mẹ và bé nằm lại bệnh viện để theo dõi trong 5 ngày. Cả 2 mẹ con không tiếp xúc với những người lạ nằm chung phòng và không có biểu hiện sốt, ho. Gần 1 tháng sau sinh, bé N. có dấu hiệu ho nhẹ, sốt cao, mức độ ho ngày càng nặng, ho đỏ mặt, hay khóc và khó ngủ. Người nhà đã đưa bé đi khám ở phòng khám tư nhân nhưng bệnh không giảm. Đến đầu tháng 5, gia đình đưa bé N. đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (Thành phố Hồ Chí Minh) để khám và lấy mẫu PCR. Kết quả xét nghiệm xác định bé N. dương tính với vi khuẩn ho gà. Bệnh nhi được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Cơ quan chức năng chưa xác định được nguồn lây bệnh đối với bé N.

Ngoài bệnh ho gà, dịch bệnh dại cũng đang là vấn đề đáng quan tâm. Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 17 ổ dịch bệnh chó dại tại 6 huyện, thành phố. Ngoài những ổ dịch bệnh dại trên chó nhà nuôi, còn có những ổ dịch bệnh dại trên những con chó hoang, không có người nuôi giữ. Những con chó hoang này chạy lung tung và đã cắn người, cắn những con chó khác, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh dại trên diện rộng.

Những hộ dân nuôi chó, mèo cần thực hiện nghiêm việc tiêm vaccine phòng bệnh dại cho vật nuôi. Người dân khi chẳng may bị chó, mèo cắn cần đến ngay cơ sở y tế để tiêm vaccine phòng bệnh dại kịp thời.

Đối với bệnh sởi, mặc dù Đồng Nai chưa ghi nhận ca mắc bệnh nào nhưng tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa bệnh sởi trong những năm gần đây đều không đạt so với chỉ tiêu đề ra. Có những năm như 2021, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa sởi chỉ đạt 70,9%.

Tại Hội nghị Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh giữa Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Y tế các tỉnh, thành phía Nam mới đây, Phó viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, tại khu vực phía Nam, những bệnh truyền nhiễm như: sởi, ho gà, dại… có xu hướng gia tăng, trở thành mối lo ngại lớn. Cụ thể, ghi nhận 41 ca bệnh ho gà, 317 trường hợp nghi bệnh sởi. Đặc biệt, đã có 41 trường hợp tử vong do bệnh dại, chiếm 27% cả nước, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023. Một số địa phương như: Bến Tre, Tây Ninh, Long An, Cà Mau, Đồng Nai có ổ dịch bệnh chó dại gia tăng.

Theo tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng, nguyên nhân khiến cho các dịch bệnh này tăng là do tỷ lệ tiêm chủng thấp, đặc biệt là từ đầu năm 2021 đến nay. Những bệnh ngừa được bằng vaccine đang gia tăng và xuất hiện cục bộ tạm thời ở một số địa phương là điều đáng lo ngại, cần có những biện pháp mạnh mẽ và nhanh chóng hơn để tránh dịch lây lan, trong đó có thể mở rộng độ tuổi, đối tượng được tiêm chủng vaccine.

* Chủ động phòng bệnh

Hơn 90% số ca mắc bệnh ho gà là ở trẻ dưới 1 tuổi chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi vaccine cơ bản. Bệnh lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua tiếp xúc với các giọt bắn có chứa tác nhân gây bệnh được phát tán ra bên ngoài khi người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện. Bệnh thường diễn tiến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng như: viêm phổi, viêm phế quản. Bệnh nhân cũng có thể bị lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng, vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi, viêm não.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, TS-BS Trần Minh Hòa khuyến cáo, để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm đã có vaccine, cách tốt nhất là người dân nên tiêm chủng đủ liều và đúng lịch.

Với bệnh ho gà, trong thời gian mang thai, các thai phụ có thể tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván. Khi trẻ đến tuổi tiêm chủng, cần đưa trẻ đến trạm y tế, cơ sở tiêm chủng để tiêm đủ liều vaccine cần thiết. Tiêm mũi thứ nhất khi trẻ 2 tháng tuổi, mũi thứ 2 sau mũi thứ nhất một tháng. Mũi thứ 3 tiêm sau mũi thứ 2 một tháng. Mũi thứ 4 tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi.

Ngoài ra, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày. Bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng, hạn chế để trẻ đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với những người bị bệnh đường hô hấp.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu các địa phương khu vực phía Nam tập trung dự báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Từ đó đánh giá, rà soát khả năng phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là thuốc điều trị. Lên kịch bản ứng phó, sẵn sàng cơ sở vật chất, nguồn lực để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nhiễm các bệnh truyền nhiễm, trong đó chú ý phân luồng, cách ly điều trị đối với các bệnh có nguy cơ lây truyền cao như: sởi, ho gà.

Đối với những bệnh dịch không có vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, sở y tế các địa phương cần chủ động tham mưu UBND tỉnh, thành phố để chủ động mua vaccine, thuốc điều trị, huyết thanh, không để tình trạng khi có dịch bệnh thì đẩy về các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối của Thành phố Hồ Chí Minh.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202406/chu-dong-phong-benh-bang-viec-tiem-vaccine-eef5a29/