Chủ động đối phó bão và triều cường

Theo công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Quyết định số 2901/QĐ-BTNMT ngày 16-12-2016, về phân vùng bão và xác định nguy cơ bão, nước dâng do bão gây ra ở khu vực ven biển Việt Nam, tỉnh Hà Tĩnh có khả năng chịu ảnh hưởng của bão và triều cường cao nhất cả nước. Vì vậy chủ động đối phó thiên tai là việc cần làm ngay của Hà Tĩnh.

Kè chắn sóng Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Ảnh: HƯƠNG THÀNH

Hà Tĩnh có chiều dài bờ biển hơn 137 km, với bốn cửa sông lớn đổ ra biển và hơn 317 km đê sông, đê biển. Trong đó có 61,8 km đê trực diện với biển. Những năm gần đây, một số tuyến đê biển ở Hà Tĩnh được đầu tư nâng cấp, tuy nhiên cũng chỉ chống chịu được bão cấp 10 và tần suất triều 5%. Năm 2017, Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng của ba cơn bão số 2, số 4 và số 10. Bão số 10 đổ bộ với sức gió cấp 11 và 12 giật cấp 15, "quần phá" trên đất liền trong bảy giờ liên tục, cho nên hầu hết các tuyến đê biển, đê cửa sông của Hà Tĩnh đều bị nước biển tràn qua với chiều cao nước tràn từ 0,5 đến 1,5 m. Tại cửa biển Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) đo được là +6,50 m, trong khi tuyến đê biển Cẩm Nhượng chỉ thiết kế ở cao trình +5,00 m… Hậu quả là nhiều cơ sở sản xuất, hạ tầng phía trong đê bị nước biển tràn qua, gây thiệt hại nghiêm trọng, phải mất nhiều năm mới có thể khôi phục.

Theo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, trước diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, và từ thực tiễn công tác phòng, chống thiên tai những năm qua, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục chủ động triển khai đồng bộ các phương án phòng, chống thiên tai. Huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cùng vào cuộc, tiếp cận cơ sở, bám sát địa bàn, nhất là các địa bàn xung yếu để chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân chủ động phòng tránh và "tự quản" ngay trong mỗi gia đình và cộng đồng dân cư. Bố trí phương tiện, lực lượng, vật tư dự phòng trực tiếp đến các địa bàn, công trình xung yếu để ứng trực sẵn sàng đối phó mưa to, bão lớn, không để bị động, bất ngờ.

Tuy nhiên, để đối phó bão mạnh, siêu bão, thời gian tới cần ưu tiên nguồn lực giúp các địa phương ven biển Hà Tĩnh đầu tư nâng cấp bảo đảm an toàn cho các tuyến đê biển, đê cửa sông. Tăng cường củng cố và nâng cao năng lực hệ thống thiết bị và công tác dự báo và cảnh báo sớm từ T.Ư đến địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và diễn biến của thiên tai, giúp chính quyền địa phương và nhân dân chủ động phòng tránh.

Trước mắt, tỉnh cần được hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện Ðề án nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng, tránh thiên tai (Ðề án 1002).

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/36327902-chu-dong-doi-pho-bao-va-trieu-cuong.html