Chủ động bảo vệ an toàn công trình thủy lợi đón bão số 7

Ảnh hưởng của bão số 7, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xảy ra đợt mưa rất to. Để bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi vừa đề nghị thành phố Hà Nội và các tỉnh thuộc khu vực nêu trên khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó.

Công nhân Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì theo dõi mực nước hồ Suối Hai (huyện Ba Vì). Ảnh: Bảo Châu

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, 10h ngày 8-10, bão số 7 cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 130km với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Khoảng 10h ngày mai, bão đi vào khu vực phía Đông Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc) với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 11. Sau thời gian trên, bão đi vào vịnh Bắc Bộ. Đến 10h ngày 10-10, bão đi vào khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.

Thời gian tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới; sau đó đi vào đất liền các tỉnh phía Nam khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đến 10h ngày 11-10, tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8...

Do ảnh hưởng của bão nên từ ngày 9 đến 12-10, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và phía Bắc của khu vực Trung Bộ có khả năng xảy ra mưa to đến rất to. Từ chiều 9 đến ngày 11-10, các tỉnh, thành phố phía Đông của khu vực Bắc Bộ có mưa to đến rất to; tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm, có nơi cao hơn 300mm. Các tỉnh phía Tây khu vực Bắc Bộ có mưa to, tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi cao hơn 150mm.

Từ ngày 10 đến 12-10, các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa rất to; tổng lượng mưa phổ biến 150-350mm, có nơi cao hơn 350mm. Các tỉnh, thành phố, khu vực nêu trên có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông...

Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) nhận định, mưa lớn không chỉ gây ngập lụt, úng cho các vùng thấp trũng, mà còn ảnh hưởng tới năng suất đối với diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch và uy hiếp an toàn công trình thủy lợi, nhất là các hồ chứa nước nhỏ, xung yếu, đang tích đầy nước, đang thi công sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới...

Để bảo vệ an toàn công trình thủy lợi và sản xuất nông nghiệp, giảm thiệt hại do mưa lớn gây ra, trưa 8-10, Tổng cục Thủy lợi có công điện đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội và các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tăng cường theo dõi, cập nhật liên tục mức trữ nước của các hồ chứa; khẩn trương rà soát tình trạng an toàn công trình thủy lợi, nhất là các hồ chứa nước thuộc vùng đã xảy ra mưa lớn vừa qua; cập nhật phương án bảo đảm an toàn, vận hành công trình thủy lợi phù hợp với thông tin dự báo khí tượng thủy văn...

Tổng cục Thủy lợi cũng đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát, khoanh vùng nguy cơ ngập lụt, úng để có phương án phù hợp; lưu ý chủ động vận hành sớm các công trình thủy lợi để tiêu nước đệm và tiêu úng, đặc biệt cho các diện tích lúa chuẩn bị đến kỳ thu hoạch, bảo đảm giảm thấp nhất thiệt hại do ngập lụt, úng. Tiếp tục thực hiện điều chỉnh mực nước các hồ chứa có cửa van xuống mức chủ động đón lũ, bảo đảm không xả lũ bất thường gây mất an toàn cho vùng hạ du; thực hiện nghiêm túc việc cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố...

Kim Nhuệ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1014081/chu-dong-bao-ve-an-toan-cong-trinh-thuy-loi-don-bao-so-7