Chồng nấu cơm cữ cho vợ trong dịch, 30 ngày không trùng bữa
Không chỉ chu toàn bếp núc, Công Thế còn thạo việc thay tã, pha sữa và tắm cho em bé. Khi rảnh, anh lại kèm cậu con trai lớn 6 tuổi học bài.
Tròn một tháng từ ngày vợ sinh con thứ 2, Giang Công Thế (sinh năm 1990, Hà Nội) đảm nhận hoàn toàn việc làm cơm cữ và chuyện bếp núc trong gia đình.
Nhà anh nằm trong vùng đỏ nên việc mua sắm thực phẩm khó khăn. Nhưng nhờ sự yêu thích nấu nướng và gợi ý từ vợ, Thế vẫn có thể hoàn thành những bữa cơm cữ đầy đủ dinh dưỡng, bày biện đẹp mắt.
"Tôi nấu ăn ở mức tạm chấp nhận được. Có điều nấu bằng cả tấm lòng sẽ khác với việc làm cho xong chuyện", Thế chia sẻ với Zing.
30 ngày không trùng bữa
Thế cho biết từ nhỏ đã được mẹ giao việc cơm nước, vì vậy anh không hề ngại vào bếp nấu ăn cho gia đình, vợ con.
"Tôi là kiến trúc sư thiết kế và thi công nội thất nên thời gian khá linh hoạt. Trước đợt dịch bùng phát, vợ đi làm về muộn, tôi thường đón con và nấu cơm tối", Thế nói.
Từ khi vợ sinh con thứ 2, Thế lại thêm nhiệm vụ chuẩn bị cơm cữ. Người bố trẻ khá lúng túng không biết loại thức ăn nào phù hợp với sức khỏe mẹ bỉm, phải tìm hiểu trên Internet và xin tư vấn từ bố mẹ ở quê.
Khó khăn lớn nhất đối với anh chính là việc thực phẩm trong nhà không đa dạng. Mỗi ngày, anh đều đứng trước tủ lạnh hồi lâu để nghĩ xem nấu món gì cho vợ mà cả gia đình cùng ăn được.
"Tôi được bố mẹ gửi cho một ít rau thịt, tôi cũng đặt mua đồ nhờ ship đến chốt kiểm dịch của khu phố rồi chạy ra đầu ngõ lấy, thế nhưng thực phẩm không thể phong phú như bình thường được", Thế cho biết.
Mỗi bữa, anh cố gắng đảm bảo có đủ món mặn, rau, canh và hoa quả tráng miệng. Một số loại đồ ăn như mít, dưa hấu, nước chấm cay không tốt cho mẹ bỉm, chỉ có anh, con trai và em trai dùng.
Suốt 30 ngày nấu cơm cho vợ, dù thực phẩm hạn chế, Thế vẫn cố gắng thay đổi món mỗi ngày, không nấu trùng bữa để giúp vợ ăn uống ngon miệng hơn.
"Tôi nấu ngon hay dở vợ đều nhận xét. Vợ rất thích món trứng chiên thập cẩm mà tôi tự chế, khen món này dù không đẹp mắt lắm nhưng ăn rất đưa cơm.
Trộm vía sau một tháng ăn cơm cữ, vợ khỏe mạnh, nhanh hết đau hậu sản, nhiều sữa cho con bú. Bé cũng tăng cân, phát triển tốt", Thế cho hay.
Một tay chồng chăm vợ sinh con trong dịch
Ngoài việc bếp núc, những trải nghiệm khác khi cùng vợ đi sinh, chăm sóc con nhỏ trong dịch cũng khiến Thế không thể quên.
Ngày vợ trở dạ, anh đưa hai mẹ con đi xe máy hơn 10 km đến bệnh viện do ôtô đã đặt không thể vào vùng đỏ. Anh lo lắng khi vợ đau bụng nhiều nhưng vẫn phải chờ đợi xét nghiệm Covid-19 theo quy định.
Bản thân anh cũng được bác sĩ nhắc nhở hạn chế di chuyển ra ngoài cổng bởi mỗi lần quay lại bệnh viện đều phải xét nghiệm nCoV khá tốn kém và mất thời gian. Dù có thiếu thốn một số đồ dùng, Thế và vợ vẫn chấp nhận, tìm cách khắc phục.
Trong dịch, mỗi sản phụ chỉ được một người thân đi cùng, Thế một mình làm hết mọi việc từ giúp vợ vệ sinh cá nhân, hút sữa hay cho con ăn. Anh chỉ tranh thủ chợp mắt bởi em bé khóc nhiều. Thương vợ vẫn còn đau, anh dỗ con để vợ được nghỉ.
Vợ Thế đẻ thường và được xuất viện sau 2 ngày. Về nhà, việc sinh hoạt thuận tiện hơn, cô lại bị đau dạ con và tắc sữa. Chiếc máy hút sữa Thế đặt mua từ rất lâu nhưng do giãn cách, hàng chưa thể ship đến nhà. Những ngày đầu, em bé hay khóc và quấy về đêm khiến vợ chồng Thế đang ngủ cũng phải bật dậy vỗ về.
"Do dịch bệnh nên ông bà ở quê không lên giúp đỡ vợ chồng tôi được. Ngày vợ sinh cháu đầu, tôi đi làm xa nên đến giờ vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm. Tôi học cách thay bỉm, pha sữa hay tắm cho con qua Internet.
Tôi tự tay giặt đồ vì quần áo của bé không giặt chung máy giặt cùng người lớn được. Mất 1-2 ngày đầu lúng túng, những ngày sau tôi quen dần", Thế chia sẻ.
Không chỉ cùng vợ chăm con nhỏ, Thế còn trông coi con trai lớn. Năm nay, cậu bé vào lớp 1, đã bắt đầu học online. Mỗi ngày, Thế đều kèm học bài, luyện viết chữ và chơi cùng con. Anh cũng ngủ với con vì sợ cậu bé tủi thân.
"Từ đầu đợt dịch, công việc của tôi bị ảnh hưởng nhiều, không còn đều đặn như trước đây. Nhưng tôi cho đó cũng là cơ hội để mình chăm sóc gia đình tốt hơn", Thế nói.