Chợ trên cánh đồng lúa, nét mới của hợp tác xã tại Đồng Tháp

Để các thành viên trong hợp tác xã (HTX) có thêm thu nhập, người dân có nơi để trao đổi các sản phẩm nông sản, quảng bá hình ảnh địa phương đến bạn bè gần xa. Mới đây, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thắng Lợi, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức chợ đồng quê trên cánh đồng trồng lúa của HTX.

Những ngày này, đến với chợ quê do HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thắng Lợi mới khởi xướng chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi bắt gặp cảnh mua bán tấp nập. Khung cảnh người dân và du khách dạo quanh những gian hàng chuyên bán đồ nông sản của thành viên HTX, mua và thưởng thức những món ăn dân dã gắn liền với tuổi thơ và nét văn hóa của người dân như bánh xèo, bánh lá, bánh canh, bắp trái nướng, bún riêu hay như cháo cá lóc, ốc hấp xả… những sản phẩm này được chế biến qua bàn tay khéo léo của các thành viên trong HTX. Ngoài việc thưởng thức các món ăn dân dã, khi đến với chợ đồng quê du khách và người dân còn có dịp giao lưu đờn ca tài tử trên cánh đồng lúa đang ngả sang màu vàng, đây được xem là cảm xúc khó quên với du khách khi đến với chợ quê.

Theo Ban Quản trị HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thắng Lợi, việc khởi xướng chợ đồng quê không chỉ tăng thêm thu nhập cho xã viên và cốt lõi là giúp các thành viên HTX có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh.

Chợ đồng quê đã thu hút hàng ngàn người dân đến tham quan, check in và thưởng thức ẩm thực

“Em cảm thấy rất vui và phấn khởi, xã phát triển, mở phiên chợ quê được giao lưu học hỏi gắn kết tình làng nghĩa xóm, giao lưu học hỏi những cái mới lạ hơn”, chị Nguyễn Thị Kiều Tiên, ngụ ấp 5 xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp tham gia chợ đồng quê phấn khởi nói.

Nơi diễn ra điểm mua bán chợ đồng quê là cánh đồng của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thắng Lợi, nơi đây cũng đang được chính quyền xã Mỹ Đông xây dựng các tiêu chí về làng thông minh và cũng đang phấn đấu đạt các tiêu chí trong xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới.

Chợ trên cánh đồng lúa đang ngả sang màu vàng, đây được xem là cảm xúc khó quên với du khách

Chị Hồ Thị Phước Hoàng, ấp 5 xã Mỹ Đông chia sẻ, vào HTX các thành viên được tiếp cận những cách làm mới, suy nghĩ mới, nên thành viên HTX đã mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất truyền thống, bắt kịp xu thế thị trường, tận dụng tối đa lợi thế để khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương, từng bước nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống của các thành viên trong HTX.

Vui mừng khi chợ đồng quê được mở, tạo thêm cơ hội, nguồn thu nhập cho các thành viên trong HTX, chị Hồ Thị Phước Hoàng chia sẻ: “Nói làm nông nghiệp không có thời gian rảnh, đầu tắt mặt tối nhưng giờ vô cánh hiện đại, rồi vô làng thông minh làm bằng máy thì nhiều, làm bằng tay thì ít có thời gian rảnh rỗi thành lập chợ quê như vậy để bà con nông dân trong làng thông minh ở HTX có thêm việc làm, kiếm thêm thu nhập. Rồi còn quảng bá mời gọi những nơi khác đến để tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, vui chơi giải trí”.

Nhiều món ăn được các thành viên trong HTX bán tại chợ

Được thành lập trên 20 năm, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thắng Lợi đang tổ chức sản xuất 5 loại dịch vụ là tưới tiêu, cày xới; liên kết sản xuất lúa giống và lúa hàng hóa; sản xuất nước đóng bình đóng chai. Hiện nay, gần 100% diện tích của HTX được sản xuất theo chuẩn SRP (Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn giảm thiểu tác động đến môi trường và đảm bảo sinh kế cho người nông dân phát triển nông nghiệp bền vững) và liên kết tiêu thụ bền vững với các Công ty trong bao tiêu sản phẩm nông sản.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thắng Lợi, xã Mỹ Đông, chợ quê là bước đi khởi đầu để HTX tập trung vào sản xuất nông nghiệp sinh thái, bền vững theo hướng hữu cơ. Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để giảm chi phí, tăng lợi nhuận, hướng đến mục tiêu từng bước khai thác hết tiềm năng, lợi thế để đem lại giá trị gia tăng cho các thành viên trong HTX.

Nơi diễn ra điểm mua bán chợ đồng quê là cánh đồng của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thắng Lợi

“Chợ quê chỉ là một dịch vụ quan trọng, vận động bà con làm theo hướng hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp. Thứ 2 là hướng tới lúa cá, lúa vịt, giá trị gia tăng, quan trọng nhất với thị trường. HTX tới đây cũng có kế hoạch làm đa dịch vụ như làm nhà máy lau bóng gạo, chà lúa gạo an toàn để đóng gói xuất khẩu”, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Trải nghiệm khó quên của người dân và du khách đến với chợ đồng quê

Hiện nay, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thắng Lợi đang tham gia đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” và HTX cũng đang tiên phong sản xuất lúa theo mô hình “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo để thích ứng với Biến đổi khí hậu và Phát triển Bền vững ở đồng bằng sông cửu long (TRVC)”. Chính việc tham gia vào quy trình canh tác bền vững gắn liên kết với doanh nghiệp đã giúp cho các thành viên trong HTX tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập, từng bước xây dựng nền nông nghiệp bền vững, trách nhiệm và đồng hành cùng với chính quyền địa phương thực hiện các cam kết giảm phát thải trong nông nghiệp.

Phạm Hải/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/cho-tren-canh-dong-lua-net-moi-cua-hop-tac-xa-tai-dong-thap-post1094438.vov