Chợ nông thôn, điện đến bản còn gặp khó để hoàn thành nông thôn mới
Việc hoàn thành 2 tiêu chí số số 4 về điện nông thôn và tiêu chí số 7 cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong lĩnh vực ngành Công Thương còn gặp khó.
Tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị là địa phương có địa hình phức tạp, nhiều huyện có các xã miền núi vùng sâu vùng xa, do đó để hoàn thành các tiêu chí thành 2 tiêu chí số số 4 (Điện nông thôn) và tiêu chí số 7 (cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn) thuôc lĩnh vực ngành Công Thương trong 19 tiêu chí nông thôn mới gặp nhiều vướng mắc khó khăn.
Nhiều vướng mắc trở ngại trong tiêu chí điện nông thôn
Việc triển khai thực hiện tiêu chí số 4 điện nông thôn tại Quảng Bình còn một số bất cập do đặc thù địa bàn vùng miền. Ông Phan Hoài Nam- Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình cho hay, trong 19 tiêu chí thì ngành Công Thương có 2 tiêu chí có số 4 và số 7 là những tiêu chí rất quan trọng, trong đó tiêu chí số 7 là hạ tầng thương mại nông thôn hiện còn khá phức tạp vì liên quan đến thói quen đời sống văn hóa kinh tế xã hội đặc thù mỗi vùng miền.
Ở tiêu chí số 4, ở các xã miền núi hiện còn rất khó khăn trong việc hoàn thiện các tiêu chí điện, hiện nay vẫn còn một số bản ở các xã miền núi còn sử dụng năng lượng mặt trời, do đó để phát triển sản xuất các mô hình nông nghiệp mới áp dụng công nghệ còn gặp khó vì chưa có điện.
Cụ thể tại huyện Lệ Thủy, xã Ngân Thủy còn bản Còi Đá chưa có điện, xã Kim Thủy, hiện có 270 hộ hiện chưa có điện Đại diện Sở Công Thương Quảng Bình chia sẻ, dự án điện mặt trời xuống cấp do đó tỉ lệ tiêu thụ điện của người dân giảm, đồng thời đường dây truyền tải điện cũng xuống cấp do đó tiêu chí số 4 chưa đạt được.
Ông Trần Xuân Công- Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Bình cho hay, hiện nay Công ty Điện lực Quảng Bình đã thực hiện mua bán và cung cấp điện cho 157/159, còn 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch còn sử dụng hệ thống điện mặt trời. Tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh hiện còn 6 bản chưa có điện. Riêng huyện Lệ Thủy cần phải 30 tỷ, huyện Quảng Ninh là hơn 80 tỷ và Bố Trạch là 110 tỷ để kéo điện về đến các bản, làng miền núi.
Đối với địa bàn tỉnh Quảng Trị, hiện ngành điện tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình hoàn thiện, nâng cao đội tin cậy cung cấp điện, chống quá tải lưới điện phân phối cho các xã thuộc các huyện, thị trong tỉnh bằng vốn vay thương mại và khấu hao cơ bản hàng năm và vốn sửa chữa lớn để sửa chữa lưới điện khu vực nông thôn. Mục tiêu tập trung vào các khu vực lưới điện chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, các khu vực thuộc kế hoạch của địa phương hoàn thành tiêu chí số 4 về điện.
Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công Thương tỉnh này cho biết, trong tiêu chí số 4, công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các công trình thuộc dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia của tỉnh gặp nhiều khó khăn; nên việc triển khai thi công gặp nhiều trở ngại và không hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra. Việc nhà nước và nhân dân cùng làm đối với dựa án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia nên công tác giải phóng mặt bằng phụ thuộc hoàn toàn vào phía địa phương (những địa phương có công trình đi qua nhưng không được hưởng lợi thì việc tự nguyện đóng góp để giải phóng mặt bằng cho dự án là vô cùng khó khăn).
Cơ sở hạ tầng thương mại chợ nông thôn còn nhiều bất cập
Trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình hiện có tổng số 141 chợ đang hoạt động theo đúng Quy hoạch. Trong đó, có 22 chợ thành thị và 119 chợ nông thôn. Hầu hết các chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình phục vụ nhu cầu trao đổi hàng hóa trong nội bộ dân cư quanh khu vực chợ, do đó, về tính chất kinh doanh chủ yếu là những hàng hóa tiêu dùng thông thường. Tuy vậy, cơ sở hạ tầng thương mại tại các chợ nông thôn còn nhiều bất cập, hạn chế. Một số chợ được xây dựng kiên cố, còn lại các chợ phục vụ dân sinh (hạng III) chủ yếu là chợ bán kiên cố và chợ cóc, chợ tạm cơ sở hạ tầng còn thiếu, chưa có nhà lồng chợ để phục vụ cho việc buôn bán kinh doanh. Hệ thống cấp thoát nước của các chợ chưa đảm bảo, chưa có nước rửa tại các quầy thực phẩm, cống, mương thoát nước kích thước nhỏ, không thoát nước kịp nên dẫn tới úng, ngập trong chợ những khi có mưa lớn. Hầu hết các chợ không có hệ thống chiếu sáng, nước sạch, quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và dịch vụ hỗ trợ, chỉ có một số chợ có dịch vụ cho thuê kho còn lại các dịch vụ khác chưa phát triển.
Trang thiết bị phòng chống cháy nổ tại các chợ còn thiếu đồng bộ nên ảnh hưởng nhiều đến công tác phòng cháy chữa cháy. Một số chợ xây dựng không phù hợp với quy hoạch, xa khu dân cư, giao thông đi lại không thuận tiện, vị trí kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến khi xây xong chợ bị bỏ hoang hoặc phải chuyển mục đích sử dụng khác gây lãng phí và không hiệu quả trong đầu tư xây dựng công trình. Việc xây dựng chợ theo các tiêu chí và quy hoạch nông thôn mới gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, nguồn vốn huy động xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân và các hộ kinh doanh hạn chế nên nhiều hạng mục công trình không thể hoàn thành đồng bộ theo quy định, một số chợ được đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình phụ trợ nhưng còn nhiều bất cập đặc biệt là công trình vệ sinh, cấp thoát nước, khu dịch vụ ăn uống...để hoàn thành tiêu chuẩn chợ đạt tiêu chí số 7.
Cũng gặp nhiều vướng mắc và tồn tại, đại diện Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị cho hay, toàn tỉnh có 89/101 xã đạt chuẩn tiêu chí số 7 cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Tuy nhiên, trong tiêu chí số 7 địa phương còn gặp nhiều vướng mắc và hạn chế. Cụ thể, do điều kiện ngân sách tỉnh khó khăn nên việc bố trí vốn cho đầu tư xây dựng, sửa chữa và cải tạo chợ nông thôn còn hạn chế, chưa đảm bảo theo quy hoạch và nhu cầu phát triển chợ của các địa phương.
Cố gắng gỡ khó các tiêu chí
Vừa qua, trong 2 ngày 13- 14/11, Cục Công Thương địa phương (Cục CTĐP) - Cơ quan thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị về kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương phụ trách.
Tại các buổi làm việc, các địa phương đã có nhiều kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho các tiêu chí. Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị kiến nghị, trên cơ sở ý kiến của Bộ Công Thương về sửa đổi chỉ tiêu 6.2 của bộ tiêu chí huyện nông thôn mới, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tiếp thu nội dung điều chỉnh chỉ tiêu 6.2 từ “Chợ trung tâm huyện đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm” thành “Có mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm theo hướng dẫn”. Do vậy, kính đề nghị Vụ thị trường trong nước có hướng dẫn cụ thể đối với chỉ tiêu này để các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện.
Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Quảng Bình cũng kiến nghị với Cục Công Thương địa phương là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Nông thôn mới của Bộ Công Thương và Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương tích cực hỗ trợ, hướng dẫn địa phương cụ thể về hành lang pháp lý và cơ sở triển khai các vướng mắc đến tiêu chí số 4 và số 7 giúp sớm hoàn thành các chỉ tiêu về Nông thôn mới.
Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương đánh giá địa phương đã bám sát các chỉ đạo của Bộ Công Thương, đề nghị Sở và địa phương xây dựng các kế hoạch liên quan đến những tiêu chí của ngành Công Thương trong xây dựng các tiêu chí nông thôn mới.
Lợi ích cốt lõi của nông thôn mới là nâng cao đời sống của nhân dân, do đó đề nghị bám chặt các tiêu chí, không hạ tiêu chí; đối với các xã đã đạt tiêu chí thì tiếp tục duy trì. Đối với công tác xã hội hóa các chợ, nâng cao công tác tuyên truyền cho người dân.
Ông Thịnh đề nghị Sở tham mưu cho lãnh đạo tỉnh cũng như các ban, ngành liên quan để Chương trình được thực hiện đúng tiêu chí đề ra, khắc phục những khó khăn để triển khai một cách hiệu quả nhất. Đồng thời lưu ý đến vấn đề phòng cháy chữa cháy, xử lý rác thải vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và cân đặt tại các chợ.