Chợ Giáng sinh Brussels (Bỉ) nhộn nhịp trở lại

Mặc dù mưa không ngớt và giữa giờ hành chính vào buổi chiều, chợ Giáng sinh Brussels không hề vắng vẻ.

Người dân mua sắm tại một chợ Giáng sinh ở Brussels, Bỉ, ngày 11/12/2021. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Người dân mua sắm tại một chợ Giáng sinh ở Brussels, Bỉ, ngày 11/12/2021. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Chị Claudine, người bán thịt tại quầy Le Fumet des Ardennes (Hương thơm củ vùng Ardennes), nói: "Số lượng du khách đến chợ đã trở lại mức của năm 2019, một năm đặc biệt. Năm ngoái vẫn phức tạp với vòng đeo tay và chứng chỉ an toàn với COVID-19, nhưng năm nay, mọi thứ đã trờ lại bình thường và do đó, chúng tôi phải tăng gấp đôi doanh thu".

Chị Claudine cho biết, bất chấp lạm phát, người Bỉ không kém phần tiêu xài so với trước đây, ngay cả khi điều đó "rõ ràng phụ thuộc vào tầng lớp xã hội". Tại quầy Le Fumet des Ardennes, giá bán vẫn ổn định, dù lạm phát và giá năng lượng tăng cao.

Đối với quầy hàng Apéro de Philomène, đó là một câu chuyện hơi khác. Chủ quầy hàng, Dominique, năm nào cũng có mặt ở chợ Giáng sinh Brussels, kể từ lần tổ chức đầu tiên, khoảng 20 năm trước. Năm nay quầy hàng đã tăng giá bán - ví dụ 20 euro cho một chai Pecket thay vì 18 euro, nhưng điều đó không ngăn cản khách hàng "rút hầu bao".

Xa hơn một chút, tại gian hàng mật ong Ma Ruche en Pot, giá cũng chỉ tăng hơn 1 euro, tức khoảng 14% cho hũ 250g và 9% cho hũ 500g. Công ty này thuộc sở hữu của Vincent Van Biesbroeck, người Bỉ, nhưng đã chuyển đến vùng Creuse của Pháp, nhưng thực tế là cung cấp mật ong của mình tại chợ Giáng sinh ở thủ đô của Bỉ.

Theo Maxime Godart, nhân viên bán hàng của Ma Ruche en Pot, có hai kiểu khách hàng: những người mua trực tiếp và những người suy nghĩ rồi mới tiếp tục. Nhưng doanh thu chủ yếu đến từ việc bán hàng trên mạng. Ngoài ra, anh Maxime cũng nhấn mạnh lượng khách du lịch năm nay đặc biệt cao. Anh nói: "Càng gần đến cuối tháng, chúng tôi càng gặp lại nhiều người người Bỉ quen. Đầu tiên là vì khách du lịch trở về nhà vào dịp lễ, sau đó là vì Người Bỉ đang trông chừng giảm giá nên chúng tôi phải thanh lý tất cả hàng tồn kho của mình trước khi chợ Giáng sinh kết thúc".

Tiêu dùng tự phát

Tại chợ Giáng sinh Brussels, rất nhiều thương gia Pháp tới bán hàng. Đây là trường hợp của thương hiệu Art-O-Caria, chuyên về bộ đồ ăn làm từ gỗ keo, đến từ vùng Normandie của Pháp. Người quản lý Xavier chia sẻ: "Vào mùa Hè, tôi gặp rất nhiều du khách Bỉ và điều đó đã cho tôi ý tưởng đến đây. Rõ ràng, tôi không thất vọng. Ở Bỉ, tiêu dùng tự phát và thoải mái hơn. Mọi người vui vẻ hơn và ở đó là động lực thương mại, bất chấp sự gia tăng giá ảnh hưởng đến cả người Bỉ và người Pháp!". Tuy nhiên, ông Xavier nhấn mạnh, sau những tuần đầu tiên rất thuận lợi, đã có sự thay đổi về khách hàng, với những người tiêu dùng "ít hơn về số lượng và ít mua sắm hơn".

Một gian hàng khác cũng đến từ Pháp, Ça envoi du bois, có trụ sở tại Carcassonne. Chị Ludivine, quản lý quầy hàng, cho biết, chị đến chợ Giáng sinh bán bút chì, dây móc khóa và chuông gỗ. Chị chia sẻ: "Brussels là thủ đô châu Âu với tiềm năng thương mại to lớn. Tôi có những khách hàng người Bỉ, những người mà năm nay rất vui và họ tiếp tục đến quầy của tôi. Cũng có rất nhiều khách du lịch nước ngoài , nhiều hơn ở vùng Tây Nam của Pháp. Chợ Giáng sinh ở Brussels mang lại cho tôi doanh thu 30.000 euro trên tổng số 50.000. Vì vậy, tôi kiếm được nhiều hơn trong năm tuần ở đây so với bốn tháng ở nước Pháp". Mặc dù chi phí vận chuyển, nhà ở và tiền thuê địa điểm đã tăng từ 4.000 lên 4.500 euro trong năm nay nhưng chị Ludivine vẫn không bỏ lỡ thị trường Brussels đầy tiềm năng.

Hương Giang (P/v TTXVN tại Bỉ)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cho-giang-sinh-brussels-bi-nhon-nhip-tro-lai-20221223080623559.htm