Chính sách nổi bật tháng 7: Điều chỉnh hàng loạt lệ phí, tăng lương tối thiểu vùng

Tăng mức lương tối thiểu vùng cho người lao động, cấp hộ chiếu phổ mẫu mới, điều chỉnh mức thu hàng loạt lệ phí, thay đổi quy chế tuyển sinh đại học, chuyển sang hóa đơn điện tử thay hóa đơn giấy... là những chính sách mới đáng chú ý, có hiệu lực từ tháng 7/2022.

Tăng lương tối thiểu vùng

Theo Nghị định số 38/2022 của Chính phủ, lương tối thiểu tháng tăng thêm 6%, tương ứng 180.000 - 260.000 đồng so với mức lương tối thiểu trước đây. Đây chính là mức tiền lương thấp nhất làm cơ sở để các bên thỏa thuận và trả lương cho người lao động.

Cụ thể, các mức lương tối thiểu theo 4 vùng là: vùng I tăng 260.000 đồng lên 4,68 triệu đồng/tháng, vùng II tăng 240.000 đồng lên 4,16 triệu đồng/tháng, vùng III tăng 210.000 đồng lên 3,64 triệu đồng đồng/tháng, vùng IV tăng 180.000 đồng lên 3,25 triệu đồng/tháng.

Về mức lương tối thiểu giờ, Nghị định cũng quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ và vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Chính sách trên được áp dụng từ ngày 1/7.

 Tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động từ 1/7. Ảnh: ANTĐ

Tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động từ 1/7. Ảnh: ANTĐ

Hết hạn giảm lệ phí cấp căn cước công dân và 36 loại phí khác

Nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho những người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 120/2021 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí. Thời gian thực hiện từ ngày 1/1-30/6.

Trong 6 tháng đầu năm, các khoản phí, lệ phí có trong Thông tư 120 được giảm từ 10-50% so với quy định. Điển hình có thể kể đến các khoản sau: lệ phí cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip, phí cấp hộ chiếu, phí cấp giấy đăng kiểm, phí cấp giấy phép xuất khẩu lao động...

Bước sang ngày đầu tiên của tháng mới, 37 khoản phí, lệ phí trên trở lại mức thu như trước.

Hà Nội: Đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử trực tuyến

Từ ngày 1/7, người dân thủ đô được đăng ký trực tuyến các dịch vụ đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công thành phố.

UBND TP.Hà Nội giao Sở Tư pháp phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện ngay việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công thành phố theo quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn trực tuyến trên địa bàn; không để xảy ra tình trạng chậm, muộn hoặc yêu cầu các thông tin không cần thiết, không đúng quy định.

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội có nhiệm vụ bảo đảm điều kiện vận hành cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin “một cửa điện tử” của thành phố trong quá trình thực hiện các dịch vụ công trực tuyến theo đúng quy định.

Cấp hộ chiếu phổ thông mẫu mới

Từ ngày 1/7, Bộ Công triển khai cấp hộ chiếu phổ thông mẫu mới cho công dân.

So với mẫu cũ, hộ chiếu phổ thông mẫu mới có nhiều cải tiến về thiết kế. Trên mỗi trang là hình ảnh những địa danh nổi tiếng, đặc trưng nhất của Việt Nam như: Vịnh Hạ Long, Kinh đô Huế, Đền Hùng, Phố cổ Hội An, Bến cảng Nhà Rồng... Hơn nữa, mẫu mới đảm bảo các kỹ thuật bảo an, khó làm giả.

Trước đó, Bộ Công an chỉ cấp phát hộ chiếu phổ thông mẫu cũ cho công dân trong các trường hợp cấp bách như đi chữa bệnh, công tác, đã mua vé máy bay…

 Từ 1/7, người dân được cấp hộ chiếu mẫu mới. Ảnh: BCA

Từ 1/7, người dân được cấp hộ chiếu mẫu mới. Ảnh: BCA

Bắt buộc dùng hóa đơn điện tử

Nghị định 123/2020 của Chính phủ và Thông tư 78/2021 của Bộ Tài chính quy định cụ thể lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử như sau:

Trước ngày 11/7, chỉ bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử đối với các cơ sở kinh doanh được cơ quan thuế thông báo chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử mà đã đáp ứng được điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin. Đồng thời, khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đủ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng hóa đơn điện tử.

Từ 1/7, bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử, trừ những doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hệ thống phần mềm kế toán...

Xét tuyển đại học từ năm 2023: Điểm ưu tiên chỉ có hiệu lực 2 năm

 Thí sinh thi đại học lần 3 không được cộng điểm ưu tiên khu vực. Ảnh: IT

Thí sinh thi đại học lần 3 không được cộng điểm ưu tiên khu vực. Ảnh: IT

Quy chế tuyển sinh đại học mới ban hành kèm Thông tư 08/2022 của Bộ GD-ĐT có hiệu lực từ ngày 22/7. Đáng chú ý là chính sách cộng điểm ưu tiên sẽ có thay đổi.

Theo đó, từ năm 2023, thí sinh chỉ được hưởng chính sách cộng điểm ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp. Như vậy, nếu thi đại học năm thứ 3, thí sinh sẽ không được cộng điểm ưu tiên khu vực.

Mức cộng điểm ưu tiên cho các khu vực là: khu vực 1: 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn: 0,5 điểm, khu vực 2: 0,25 điểm, khu vực 3: 0 điểm.

Cũng từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30 điểm) được xác định theo công thức sau:

Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên quy định tại khoản 1, 2, điều 7 Thông tư này.

Như vậy, nếu thí sinh có tổng điểm từ 22,5 trở lên/3 môn thì điểm ưu tiên càng giảm và sẽ không có thí sinh nào đạt điểm xét đại học quá 30.

Minh Khôi

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/chinh-sach-noi-bat-thang-7-dieu-chinh-hang-loat-le-phi-tang-luong-toi-thieu-vung-d4903.html