Chính sách cho nạn nhân da cam/dioxin: Nhiều nhưng chưa hoàn chỉnh
Theo Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA) Trung tướng Nguyễn Thế Lực, nhờ triển khai Chỉ thị 43 - CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân đã được toàn xã hội quan tâm, xuất hiện nhiều mô hình và cách làm hay, hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, nhiều chính sách, quy định còn chưa phù hợp dẫn đến việc thực thi chính sách kém hiệu quả.
Nạn nhân còn nhiều khó khăn trong cuộc sống
Là đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh, dù hòa bình lập lại nhưng hậu quả của nó vẫn còn rất nặng nề, nhất là đối với những người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học trong kháng chiến chống Mỹ. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với nạn nhân chất độc da cam/ dioxin. Chỉ tính từ năm 2005 đến nay, Chính phủ đã ban hành và hoàn thiện nhiều chế độ, chính sách nhằm cải thiện đời sống cho các nạn nhân. Hằng năm, nhà nước dành khoản chi phí lớn để chăm sóc sức khỏe nạn nhân; riêng tiền trợ cấp nạn nhân chất độc da cam mỗi năm đã lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Hiện có hơn 200.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam được hưởng chính sách người có công với cách mạng; hơn 50% số hộ gia đình có người tàn tật và nạn nhân chất độc da cam được hưởng chế độ bảo hiểm y tế hoặc khám, chữa bệnh miễn phí...
Cùng với nguồn lực của nhà nước, công tác chăm sóc nạn nhân chất độc da cam cũng được xã hội, nhân dân quan tâm. Đánh giá về nguồn lực cũng như việc thực hiện chính sách cho nạn nhân da cam/dioxin, Trung tướng Nguyễn Thế Lực cho biết, các cấp hội đã tích cực tuyên truyền vận động các nguồn lực xã hội, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, gắn phong trào “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” với các phong trào, các ngày kỉ niệm, ngày lễ, tết… Tính từ năm 2013 đến năm 2018, hội đã vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước xây dựng quỹ đạt hơn 1.139 tỉ đồng để đầu tư xây dựng trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề, thăm hỏi, tặng quà, nhằm cải thiện đời sống và sức khỏe của nhiều nạn nhân… Mặc dù vậy, theo Trung tướng Nguyễn Thế Lực, công tác chăm sóc nạn nhân chất độc da cam vẫn còn nhiều khoảng trống. “Dù chiến tranh đã lùi xa hơn bốn mươi năm, nhưng đến nay chúng ta vẫn phải chứng kiến hàng triệu đồng bào, đồng chí đã và đang phải chịu những hậu quả nặng nề, dai dẳng do chất độc da cam/dioxin gây ra. Hàng vạn nạn nhân đã chết; nhiều người đang hằng ngày, hằng giờ sống trong bệnh tật… Chưa kể, do thủ tục hồ sơ, giấy tờ chưa thật sự hoàn thiện cho nên vẫn còn những trường hợp chưa được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước. Rất nhiều nạn nhân chất độc da cam đang có cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn cần trợ giúp”, Trung tướng Nguyễn Thế Lực chia sẻ.
Cần tiếp tục sửa đổi
Với quyết tâm bảo đảm công bằng trong thực hiện chế độ cho nạn nhân da cam dioxin 14/5/2015, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 43 - CT/TW (Chỉ thị 43) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Sau hơn 3 năm triển khai, theo báo cáo của Ban Dân vận Trung ương, công tác tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền Chỉ thị 43 của một số cấp ủy, tổ chức đảng và hội nạn nhân chất độc da cam ở cơ sở chưa sâu sắc, toàn diện, thường xuyên và chưa kịp thời, có nơi còn hình thức. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, Trung ương, các sở, ban, ngành của địa phương trong chỉ đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam vẫn chưa đồng bộ. Hồ sơ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học vẫn tồn đọng nhiều, chưa được giải quyết ở một số địa phương. Công tác quản lí nhà nước về nạn nhân chất độc da cam, nhất là trong thẩm định, giám định thực hiện chế độ, chính sách một số địa phương chưa chặt chẽ, vẫn để lọt đối tượng không đúng quy định để hưởng chính sách, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Về nguyên nhân, Trung tướng Nguyễn Thế Lực cho rằng, dù nhiều chính sách được ban hành nhưng hệ thống luật pháp chưa được hoàn chỉnh, đặc biệt là những văn bản dưới luật do các bộ, ngành hướng dẫn chưa cụ thể, do đó việc giải quyết các chế độ chính sách còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, hiện nay chưa xác định được tiêu chí nạn nhân chất độc da cam như thế nào thì được hưởng chính sách dẫn đến việc giải quyết chính sách cho nạn nhân chất độc da cam không dễ. Những năm gần đây công tác chăm sóc nạn nhân chất độc da cam của các cấp ủy, ngành và người dân đã có nhiều tiến bộ, tích cực nhưng chưa thường xuyên. Tồn đọng chính sách cho người kháng chiến và người dân còn lớn. Nguồn lực để khắc phục hậu quả chất độc da cam còn hạn chế; hỗ trợ cho mỗi người dân hằng tháng không lớn. Hoạt động tuyên truyền, đấu tranh đòi công lí cho các nạn nhân chất độc da cam/ dioxin và khắc phục hậu quả môi trường chưa mạnh mẽ, thường xuyên. Chính vì vậy, cần phải sớm sửa đổi chính sách để lấp những khoảng trống trong quá trình thực hiện chính sách với nạn nhân chất độc da cam.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=141364