Chính phủ phấn đấu tăng trưởng GDP trên 7%, tạo đà bước vào kỷ nguyên mới
Chính phủ tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm đạt trên 7%; tạo đà để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, trở thành quốc gia giàu mạnh, thịnh vượng.
Chiều 12/11, trước khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo, giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm, mong đợi, chia sẻ.
Kinh tế xã hội tiếp tục xu hướng tích cực, vượt trội
Về cập nhật tình hình KT-XH, Thủ tướng cho biết, trong tháng 10, KT-XH tiếp tục xu hướng tích cực, vượt trội hơn tháng 9; tính chung 10 tháng kết quả đạt được tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.
“Trên cơ sở những kết quả tích cực của 10 tháng, từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để giữ đà, giữ nhịp, phấn đấu tăng trưởng GDP quý 4 đạt trên 7,5%, cả năm đạt trên 7%”, Thủ tướng nêu quyết tâm.
Qua đó đảm bảo đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu KT-XH chủ yếu của năm 2024, tạo lực, tạo đà cho thực hiện kế hoạch năm 2025, cả giai đoạn 2021 - 2025, làm tiền đề, cơ sở để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh và thịnh vượng.
Về giải ngân vốn đầu tư công, người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận đúng như ý kiến của một số đại biểu Quốc hội nêu, giải ngân còn chậm.
Vì vậy, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 đảm bảo” phấn đấu năm 2024 giải ngân trên 95% kế hoạch.
Cụ thể, tập trung vào 6 nhóm giải pháp chủ yếu, trong đó Chính phủ đề xuất Quốc hội tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc về pháp lý trong kỳ họp này, nhất là về quy trình thủ tục đầu tư, quy hoạch, tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, thủ tục đất đai, nguồn cung vật liệu…
Cùng với đó, có giải pháp đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, kỷ luật, kỷ cương gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công với tinh thần “5 rõ”; xử lý nghiêm các vi phạm…
Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng cho biết, công tác này được Chính phủ, Thủ tướng tập trung chỉ đạo và đạt được một số kết quả tích cực. Trong đó có việc khắc phục hiệu quả việc đầu tư dàn trải; điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án kinh tế, thu hồi số lượng lớn tiền và tài sản cho nhà nước.
Đồng thời, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển đổi số, trong đó triển khai Đề án 06 góp phần tiết kiệm chi phí xã hội trên 3.000 tỷ đồng hằng năm…
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thừa nhận, công tác này còn nhiều tồn tại, hạn chế. Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng tập trung chỉ đạo khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật; tiếp tục rà soát, cắt giảm và tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, nhất là chi thường xuyên.
Xây dựng bộ máy hành chính nhà nước theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. Thủ tướng Phạm Minh Chính
Cùng với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực, nhất là về đầu tư, tài sản công, đất đai, khoáng sản…; xử lý nghiêm vi phạm với tinh thần “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc đơn giản hóa, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng, kéo dài, kém hiệu quả, các tổ chức tín dụng yếu kém.
Đáng chú ý là đẩy mạnh truyền thông, xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội; xây dựng bộ máy hành chính nhà nước theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”.
Về bảo đảm cung ứng điện trước mắt và lâu dài, Thủ tướng cho hay, Chính phủ, Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện trong mọi tình huống.
Dự báo nhu cầu điện tăng nhanh, trong đó năm 2025 tăng khoảng 12-13% và những năm sau còn cao hơn nữa, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ quy định pháp luật để tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các dự án hạ tầng nguồn điện.
Cùng đó là xây dựng hệ thống lưới điện thông minh và vận hành linh hoạt, có khả năng tự động hóa cao; tập trung hoàn thành thủ tục, khởi công và đưa vào vận hành các dự án điện lớn, quan trọng…
Về dài hạn, để đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển KT-XH nhanh, bền vững, Chính phủ đã và đang đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...
Trong đó, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Điện lực nhằm tạo đột phá về thể chế, tháo gỡ các vướng mắc, phát triển nguồn, lưới điện.
“Chính phủ trân trọng đề nghị Quốc hội quan tâm, chia sẻ, phối hợp với Chính phủ nâng cao chất lượng và xem xét thông qua tại kỳ họp này để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn pháp lý”, Thủ tướng nói.
Chuyển đổi số đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà, vào từng người”
Về thúc đẩy chuyển đổi số, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, chuyển đổi số đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà, vào từng người” và tiến bộ vượt bậc.
Điều này thể hiện qua thương mại điện tử phát triển mạnh, thuộc nhóm 10 nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Chuyển đổi số phục vụ người dân, an sinh xã hội có bước phát triển mạnh mẽ. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhìn nhận đây là lĩnh vực mới nên các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách về chuyển đổi số còn chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Cải cách hành chính còn chậm; thủ tục còn rườm rà, ách tắc; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa chuyển biến rõ nét. Chưa khắc phục được tình trạng “manh mún, cát cứ thông tin, co cụm dữ liệu”…
Thời gian tới, với phương châm “tăng tốc, bứt phá”, Chính phủ, Thủ tướng tập trung chỉ đạo huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý số; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân chuyển đổi số.
Thủ tướng cũng lưu ý đến việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nhất là công nghệ vệ tinh, Internet vạn vật...; xây dựng trung tâm công nghiệp kỹ thuật số, dữ liệu lớn, ứng phó khẩn cấp sự cố an ninh mạng; phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; đẩy mạnh triển khai Đề án 06 ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương.
Cùng đó là huy động nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển phục vụ chuyển đổi số; xây dựng chính sách ưu đãi, kể cả ưu đãi tài chính để thu hút mạnh mẽ đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn; phát triển nguồn nhân lực số, nhất là nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực mới nổi; triển khai hiệu quả Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030”.
Về phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao, Thủ tướng cho biết, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng KHCN, chấp nhận rủi ro và kiên trì trong hoạt động nghiên cứu KHCN, đổi mới sáng tạo…
Đặc biệt, Chính phủ bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo; có chính sách đột phá trong tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ nhân tài ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là các ngành động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức...
Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là hợp tác công - tư cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, hướng đến chuẩn quốc tế và đáp ứng nhu cầu thị trường. Sớm hoàn thành đào tạo ít nhất 50 nghìn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.