Chính phủ Mỹ đang bị 'Musk hóa'
Elon Musk đang áp dụng chiến thuật quản lý X (trước đây là Twitter) cho chính quyền liên bang Mỹ.
Tháng 11/2022, chỉ vài ngày sau khi Elon Musk thâu tóm Twitter, nhân viên công ty đã nhận được email với tiêu đề: “Ngã ba đường”. Nay, tỷ phú chuyển hướng sang chính phủ Mỹ: các nhân viên liên bang cũng được gửi thông báo với tiêu đề tương tự.
Email ra tối hậu thư cho nhân viên Twitter: cam kết thể hiện vượt trội và làm việc cực kỳ nỗ lực hoặc nghỉ việc. Thông báo gửi nhân viên liên bang cũng đưa ra lựa chọn gần như vậy: cam kết “xuất sắc” và trở nên “đáng tin cậy, trung thành” hoặc từ chức.
CNN đánh giá ngôn ngữ trong email và thông báo là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Musk – cố vấn hàng đầu của Tổng thống Donald Trump, đồng Bộ trưởng Bộ Hiệu quả chính phủ (DOGE) - dường như đang áp dụng “chiêu thức” quản lý Twitter cho chính phủ liên bang.
Điều này đặt ra câu hỏi liệu chính phủ Mỹ có sa thải nhân viên với tốc độ thần tốc như một hãng công nghệ hay không, và liệu nó có hứng chịu hậu quả như Twitter hay không.
Lara Cohen, cựu Giám đốc tiếp thị và đối tác Twitter – người ra đi sau khi Musk mua lại Twitter, viết trên Threads: “Việc đóng băng tất cả chi tiêu chính phủ mang đến cảm giác quen thuộc kỳ lạ... Họ xuất hiện, không cần biết gì, đóng cửa mọi thứ mà không cần biết ai đang làm gì... Đó là một công ty mạng xã hội. Nhưng đây là một quốc gia và sẽ làm tổn thương mọi người”.
Musk thường xuyên nói về chuyện giảm quy mô chính phủ liên bang. Ông đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch đề xuất nhân viên nghỉ hưu của chính phủ Mỹ hôm 28/1. Hạn chót để hơn 2 triệu người đưa ra quyết định là ngày 6/2. Nếu nghỉ việc, họ sẽ được bồi thường khoảng 8 tháng lương.
Theo William Klepper, Giáo sư quản trị Trường Kinh doanh Columbia, chính phủ không phải doanh nghiệp. Trong kinh doanh, công thức thắng lợi là mang lại giá trị lớn hơn cho khách hàng so với đối thủ và mang đến lợi nhuận vượt trội. Trong khi đó, chính phủ tạo ra giá trị lớn hơn cho các cử tri thông qua các chương trình và dịch vụ.
Trong bài đăng trên X hôm 29/1, Musk tuyên bố “giảm quy mô chính phủ là vấn đề phổ biến nhất ngày nay”.
Elon Musk quản lý Twitter như thế nào?
Một ngày trước khi hoàn tất thương vụ thâu tóm Twitter (nay là X) trị giá 44 tỷ USD, ông đã bước vào trụ sở “chim xanh” với một chiếc bồn rửa mặt trên tay. Chỉ trong vòng vài giờ sau khi tiếp quản, Musk thực hiện những động thái mà ông cho là cần thiết để “cứu” công ty nhưng gây ra hỗn loạn.
Tỷ phú sa thải phần lớn nhân sự, để rồi gọi vài chục người quay lại.
Ông ra lệnh đóng cửa ít nhất một trung tâm dữ liệu, để rồi nền tảng trải qua vô số sự cố gián đoạn dịch vụ trong những tháng tiếp theo.
Ông loại bỏ đội ngũ an toàn, giải tán chính sách quản trị nội dung và chào mừng những người phát tán thông tin sai sự thật trở về nền tảng. Nhiều người dùng và nhà quảng cáo đã rời đi.
X bị các chủ đất và đối tác kiện vì không thanh toán tiền thuê. Thành phố San Francisco cũng điều tra X vì đặt biển báo phi pháp và vì báo cáo về việc có phòng ngủ trong văn phòng.
Theo CNN, những quyết định gây tranh cãi của Musk biến Twitter – từng là một trong những nguồn cập nhật tin tức quan trọng nhất và kịp thời nhất – trở nên độc hại hơn, kém tin cậy hơn và kém hữu ích hơn, thúc đẩy sự trỗi dậy của các nền tảng đối thủ.
Từ khi về tay Musk, giá trị của Twitter giảm khoảng 80%, theo Fidelity.
Dù vụ việc làm tổn thương các nhân viên, người dùng và các nhà quảng cáo Twitter, quyền lực của Musk lại tăng lên. Mùa hè năm 2024, ông đã dùng X để xoay chuyển nhận thức công chúng sang có lợi cho ứng cử viên Tổng thống Trump.
Và từ khi ông Trump thắng cử, Musk cũng có chỗ đứng vững chắc trong chính phủ, đồng thời bỏ túi thêm hàng chục tỷ USD nhờ kỳ vọng quan hệ giữa ông và Tổng thống sẽ làm lợi cho các đế chế kinh doanh của mình.
Vì lẽ đó, Musk có thể không có nhiều động lực để thay đổi chiến lược của mình tại DOGE.
(Theo CNN)
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chinh-phu-my-dang-bi-musk-hoa-2367915.html