Chiến dịch mới truy tìm quan tham Trung Quốc trốn ra nước ngoài

Đầu tháng 5, Trung Quốc đã phát động một chiến dịch đặc biệt mới mang tên Sky Net 2024 nhắm vào các quan chức tham nhũng đã trốn ra nước ngoài. Thậm chí, các cơ quan chức năng của Trung Quốc còn đang thúc đẩy việc xây dựng cơ chế tích hợp truy đuổi kẻ bỏ trốn, ngăn chặn bỏ trốn, thu hồi tài sản và chống tham nhũng xuyên quốc gia.

Truy lùng những kẻ đào tẩu

Theo tin từ tờ Global Times, trong hoạt động của chiến dịch mới Sky Net 2024, Ủy ban Giám sát quốc gia Trung Quốc (NSC) sẽ chỉ đạo một hành động đặc biệt nhằm truy lùng những kẻ đào tẩu trên phạm vi quốc tế và thu hồi tài sản mà những kẻ đào tẩu này có được do tham nhũng, nhận hối lộ. Ngân hàng nhân dân Trung Quốc và Bộ Công an cũng sẽ tiến hành một hành động đặc biệt để ngăn chặn và chống lại việc chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài thông qua các công ty nước ngoài và ngân hàng ngầm. Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cùng tham gia hành động truy thu tài sản trong trường hợp bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc chết.

Ngoài ra, Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Bộ Công an sẽ tiến hành thanh tra đặc biệt để xử lý việc tàng trữ tài liệu trái quy định.

Một tội phạm kinh tế bị áp giải tại sân bay Trường Lạc ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc tháng 9/2015, sau khi được hồi hương từ Hoa Kỳ. Ảnh: ICIJ.

Một tội phạm kinh tế bị áp giải tại sân bay Trường Lạc ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc tháng 9/2015, sau khi được hồi hương từ Hoa Kỳ. Ảnh: ICIJ.

Trước đó, thông cáo tại Phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc phát hành hồi tháng 1 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung vào việc khắc phục các vấn đề liên quan đến tham nhũng xuyên quốc gia. Theo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và NCS, năm 2023, Trung Quốc đã bắt giữ được hơn 1.200 người đào tẩu ra nước ngoài, bao gồm 140 đảng viên và quan chức chính phủ; thu hồi 2,91 tỷ nhân dân tệ (tương đương 404,48 triệu USD) tiền tham ô. Gần đây nhất, Guo Baichun, cựu Phó thị trưởng Ngân Xuyên, khu tự trị Ninh Hạ bị bắt ở nước ngoài đã được cho hồi hương hồi cuối tháng 3. Theo đó, Guo Baichun (58 tuổi), bị Ủy ban Giám sát Ninh Hạ điều tra hồi tháng 1 vì nghi ngờ phạm tội nghiêm trọng liên quan đến lạm dụng quyền lực.

Zhuang Deshui, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính phủ sạch tại Đại học Bắc Kinh cho biết, kết quả của chiến dịch Sky Net 2023 (hay còn gọi là Mạng lưới bầu trời) bắt đầu từ tháng 3 năm 2023 cho thấy sức mạnh tổng hợp giữa các cơ quan trung ương Trung Quốc. Các cơ quan này đã sử dụng các biện pháp pháp lý, đặc biệt là các cơ chế pháp lý quốc tế để tăng cường nỗ lực truy đuổi, bắt giữ những kẻ chạy trốn và thu hồi tài sản bị đánh cắp. “Nỗ lực này phản ánh cam kết của chính quyền trung ương, gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ rằng các quan chức tham nhũng ở Trung Quốc, bất kể trốn đi đâu, sẽ bị đưa trở lại để đối mặt với công lý”, Zhuang Deshui nói.

100 người đã bị Trung Quốc phát thông báo truy nã đỏ hồi tháng 4/2015.

100 người đã bị Trung Quốc phát thông báo truy nã đỏ hồi tháng 4/2015.

Cũng theo Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính phủ sạch, trọng tâm của Sky Net 2024 là 100 người đã bị Văn phòng Trung ương quốc gia Trung Quốc đưa ra thông báo truy nã đỏ hồi tháng 4/2015 và những kẻ đào tẩu gần đây. Một số người trong số họ đã đầu thú và tuân theo các biện pháp do cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người đang cố tình trốn chạy. Ông Zhuang Deshui cũng cho biết thêm rằng, hồi tháng 6/2023, Guo Jiefang trở thành người đầu tiên trong số 100 nằm trong danh sách Truy nã đỏ ra đầu thú kể từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2022.

Năm nay 71 tuổi, Guo Jiefang từng làm ở Phòng Cảnh sát giao thông của Công an tỉnh Quảng Châu trước khi trốn ra nước ngoài vào tháng 3 năm 2000 khi bị phát hiện nhận hối lộ cùng với một số người khác. Tháng 12/2007, Interpol đã đưa Guo Jiefang vào danh sách Truy nã đỏ vì nhận hối lộ hơn 4,87 triệu nhân dân tệ.

Siết chặt vòng vây từ hợp tác quốc tế

Nói thêm về việc này, giáo sư Yang Weidong thuộc Viện Pháp quyền, Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc nhận định, lý do chính khiến nhiều kẻ chạy trốn tự nguyện trở về nước trong những năm gần đây là bởi áp lực ngày càng tăng mà họ phải đối mặt từ những nỗ lực truy đuổi ở nước ngoài của Trung Quốc và sự hợp tác quốc tế khiến họ không còn nơi nào để trốn. Những nỗ lực tăng cường đã khiến các nghi phạm hình sự phải lựa chọn tiếp tục cuộc sống chạy trốn vô vọng hoặc đầu thú chính quyền. Hiệu ứng răn đe vô hình này ngày càng mạnh mẽ hơn.

“Những nỗ lực truy đuổi mạnh mẽ đã khiến các đối tượng hiểu rằng gần như không thể thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật. Do đó, nó khiến giới chức đương thời sợ hãi, không dám tham nhũng. Còn những kẻ đã dính líu đến tham nhũng đều phải đầu hàng ngay lập tức”, giáo sư Yang Weidong nói.

Năm 2023, Trung Quốc đã bắt giữ được hơn 1.200 người đào tẩu ra nước ngoài. Ảnh: Bloomberg.

Năm 2023, Trung Quốc đã bắt giữ được hơn 1.200 người đào tẩu ra nước ngoài. Ảnh: Bloomberg.

Thông tin từ Tòa án Nhân dân tối cao, tính đến tháng 10 năm 2023, Trung Quốc đã ký kết 171 hiệp định tương trợ tư pháp song phương với 83 quốc gia và tham gia gần 30 công ước quốc tế liên quan đến tương trợ tư pháp và dẫn độ, với sự hợp tác bao phủ từ hơn 130 quốc gia. Ông Zhuang Deshui lưu ý rằng Trung Quốc đã liên tục sử dụng các cách tiếp cận ngoại giao và hợp tác, bao gồm hợp tác thực thi pháp luật và tư pháp, để chống tội phạm xuyên quốc gia và truy đuổi những kẻ chạy trốn.

“Trong khi luật pháp Trung Quốc coi những kẻ chạy trốn là những cá nhân tham nhũng hoặc những người liên quan đến tội phạm, liên quan đến nghĩa vụ, một số quốc gia có thể từ chối thừa nhận những chỉ định này và áp dụng tiêu chuẩn kép. Ngoài ra, một số quốc gia còn viện dẫn việc Trung Quốc sử dụng án tử hình làm lý do để từ chối dẫn độ và cố tình cản trở nỗ lực truy đuổi", Zhuang Deshui cho biết.

Tuy nhiên, kể từ Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2012, Trung Quốc đã nâng cao luật pháp quốc gia chống tham nhũng, sửa đổi luật và quy định để truy đuổi những kẻ bỏ trốn; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết các hiệp ước dẫn độ và hỗ trợ tư pháp với nhiều quốc gia hơn. Hệ thống theo đuổi và phục hồi quốc tế chống tham nhũng đã được cải thiện đáng kể trong hơn 10 năm qua. Thậm chí, tháng 3/2018, Luật Giám sát có hiệu lực, chỉ định rõ ràng Ủy ban giám sát quốc gia điều phối và giám sát hợp tác chống tham nhũng quốc tế.

Sau khi thực thi Luật Giám sát, Luật Tố tụng Hình sự sửa đổi, có hiệu lực từ tháng 10/2018, Trung Quốc đã thiết lập một hệ thống xét xử hình sự vắng mặt, hình thành một biện pháp ngăn chặn pháp lý khác đối với những kẻ tham nhũng mà bỏ trốn ra nước ngoài. Thêm vào đó, Luật Quan hệ đối ngoại, được ban hành ngày 1/7/2023 nhấn mạnh vào việc tăng cường và mở rộng các cơ chế hợp tác thực thi pháp luật quốc tế và cải thiện hệ thống hỗ trợ tư pháp nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong thực thi pháp luật và đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia và tham nhũng.

Chiến dịch Sky Net truy lùng quan tham chạy trốn ra nước ngoài lần đầu được ra mắt vào năm 2015.

Chiến dịch Sky Net truy lùng quan tham chạy trốn ra nước ngoài lần đầu được ra mắt vào năm 2015.

Không nơi nào an toàn

Chiến dịch Sky Net lần đầu được ra mắt vào năm 2015. Nó là chiến dịch lớn và rộng hơn chiến dịch Fox Hunt (Săn cáo) mà Bộ Công an Trung Quốc thực hiện đã nhiều năm nay nhằm vào tội phạm kinh tế bỏ trốn ra nước ngoài. Thống kê cho thấy, trong 10 năm qua, khi Sky Net được thực hiện, hơn 10.000 người trốn ra nước ngoài đã bị buộc phải trở về nước. Một báo cáo mới do một tổ chức phi chính phủ công bố đã tiết lộ các phương cách mà cơ quan chức năng Trung Quốc sử dụng để buộc những người chạy trốn đến các quốc gia khác trở về nhà cũng như cách mà chính quyền Bắc Kinh quản lý cộng đồng người Hoa ở hải ngoại.

Cụ thể, tổ chức Safeguard Defenders có trụ sở tại Tây Ban Nha đã nêu bật 3 chiến thuật gồm: thuyết phục người thân của kẻ chạy trốn liên lạc và vận động kẻ chạy trốn trở về; cử đặc vụ ra nước ngoài tìm kiếm và hợp tác với cơ quan chức năng nước sở tại để bắt giữ và dẫn độ; đưa ra những phương án khoan hồng để dụ kẻ chạy trốn quay lại… Safeguard Defenders còn dẫn thông tin dữ liệu của 62 trường hợp cựu quan chức Trung Quốc trốn chạy ở Mỹ, Canada, Australia, Việt Nam, Thái Lan và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất cho hay, các cơ quan chức năng của Trung Quốc còn thuê thám tử tư người bản địa để giúp truy tìm những kẻ chạy trốn.

Nhiều cựu cảnh sát ở New York (Mỹ) tham gia quá trình này từ năm 2017-2019 đã kể lại công việc của họ cho đại diện của Safeguard Defenders. Báo cáo của Safeguard Defenders có đoạn viết: “Với những người không tự nguyện trở về, thông điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc là không nơi nào an toàn; chạy trốn ra nước ngoài sẽ không cứu được bạn, không có lối thoát”.

Chu Nguyễn

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/chien-dich-moi-truy-tim-quan-tham-trung-quoc-tron-ra-nuoc-ngoai-i732006/