Chia tay bến phà trăm năm
Đúng 9 giờ ngày 30/6, bến phà Vàm Cống nối hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp chính thức dừng hoạt động, kết thúc sứ mệnh lịch sử trăm năm đưa khách sang sông. Buổi tri ân cán bộ, công nhân viên bến phà là một cuộc chia tay đầy bâng khuâng, lưu luyến.
Một phần máu thịt
Bến phà Vàm Cống chạy qua sông Hậu, nối thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang) với huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp), hoạt động cả trăm năm nay. Với những người lái phà lâu năm nơi đây, ai cũng có những kỷ niệm vui buồn khó quên trong nghiệp đưa khách của mình. Ngày kết thúc sứ mệnh lịch sử của bến phà, có những người muốn nghỉ ngơi, còn nhiều người vẫn mong tiếp tục được làm việc ở các bến phà khác, nhưng ai cũng có cảm xúc đặc biệt với bến nước này.
Ông Thái Tuấn Khải, người có 29 năm làm tài công nơi này, chia sẻ rằng niềm vui của nghề có khi đơn giản là tình cờ bắt gặp những cái gật đầu, những nụ cười, cái vẫy tay thay cho lời cảm ơn của ai đó trong dòng lữ khách sang sông.
“Chúng tôi không bao giờ quên được những buồn vui, vất vả, cực nhọc, lo toan nơi bến sông này... Đến hôm nay, vinh dự và trọng trách một thời, chúng tôi xin trao lại cho chiếc cầu vững chãi đang phơi mình giữa nắng gió nơi đây. Còn chúng tôi, những gã đưa đò như những cánh cò trắng trên sông hãnh diện, ngẩng cao đầu báo hiệu ba tiếng còi dài để rời xa bến nước này. Rồi chúng tôi cũng lại cặm cụi trên những chuyến đò ở những bến sông khác. Xin gửi lại tấm chân tình của những gã đưa đò nơi bến sông yêu” - ông Khải chia sẻ.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đăng Đồng (54 tuổi), người có hơn 30 năm lái phà trên sông Hậu kể: “Tôi từng trải qua cảnh chia tay đầy bịn rịn khi cầu Cần Thơ khánh thành (năm 2010), khi đó tôi rời phà Cần Thơ để được tiếp tục công việc với phà Vàm Cống vào tháng 6/2010. Những chuyến phà tháng 6 đối với tôi là những kỷ niệm khó quên. Ngày hôm nay tôi lại chính thức rời bến phà này”.
Ông Đồng kể, khi về “đầu quân” bến phà Vàm Cống, ông vẫn nhớ như in cảm giác lái chuyến đầu tiên. Trên sông những đoạn nước chảy xiết khiến việc điều khiển phà cập bến đúng vị trí rất vất vả, có lúc tưởng chừng mũi phà đã chạm vào ponton (cầu phao), nhưng nước xoáy bất ngờ đẩy phà ra xa, nhất là mùa nước nổi. Phải mất chừng cả tháng ông mới làm quen được với khúc sông này.
Công việc của người công nhân lái phà vất vả, cực nhọc, dịp lễ tết phải tăng ca để đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ bà con... Trong những ngày cao điểm, bữa cơm gia đình thường thiếu vắng ông. Ngày Tết có khi chỉ có vợ con đón giao thừa. Có người hỏi ông có nhàm chán với công việc lái phà không, ông cũng không biết trả lời thế nào. Nhưng nghĩ đến ngày hôm nay bến phà chính thức ngừng hoạt động, trong lòng ông cảm thấy bùi ngùi, vì nó đã gắn bó với ông như máu thịt.
Một trong những kỷ niệm khó quên nhất của ông Đồng: “Lần ấy, có vợ chồng về quê ăn tết xong trở lại qua phà đi làm. Không biết có mâu thuẫn gì, bà vợ mới nhảy xuống sông tự tử. Ông chồng liền gọi điện cho bến phà báo nhờ cứu giúp. Có mấy chiếc phà chạy ra nhưng không tìm thấy. Tôi được cũng được cấp trên giao chạy phà ra cùng hỗ trợ. Khi ra đến nơi phát hiện chị ấy gần chìm. Tôi điều khiển phà lại gần rồi báo cho một số anh em khác quăng phao và may mắn đã cứu sống chị ấy”.
Về phương án sắp xếp, bố trí nhân sự, phương tiện sau khi bến phà Vàm Cống ngưng hoạt động, ông Nguyễn Văn Thành - Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV cho biết đơn vị trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) phương án chuyển trụ sở văn phòng cụm phà Vàm Cống về huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Tổng số nhân sự hiện tại trong toàn cụm phà là 425 người, trong đó bến phà Vàm Cống là 161 người. Qua khảo sát nguyện vọng, có 42 người mong muốn nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí. Có 105 người có nguyện vọng được tiếp tục phân công nhiệm vụ, công tác tại các phòng nghiệp vụ và đơn vị trực thuộc cụm phà, những người này dự kiến được bố trí, sắp xếp tại các phòng trực thuộc.
Cụm phà dự kiến điều động số lượng viên chức, nhân viên và người lao động còn lại của bến phà Vàm Cống tiếp tục nhận nhiệm vụ tại các bến phà trực thuộc theo đúng chuyên môn, vị trí công tác.
Bến phà Vàm Cống có 8 phà 200 tấn, 2 phà 100 tấn và 1 tàu kéo, sẽ điều chuyển tăng cường cho các bến phà trực thuộc cụm như: bến phà Đình Khao, bến phà Đại Ngãi hoặc điều chuyển cho địa phương quản lý, sử dụng. Đối với cơ sở nhà, đất, do không có nhu cầu sử dụng nên phía bờ An Giang đề nghị Tổng cục ĐBVN điều chuyển cho tỉnh An Giang quản lý, sử dụng; phía bờ Đồng Tháp đề nghị điều chuyển cho tỉnh Đồng Tháp quản lý, sử dụng.
“Cảm xúc trong tôi lúc này là buồn, vì mình gắn bó với con người, dòng sông bến nước nơi đây, bây giờ phải chia tay. Sắp tới mọi người sẽ được chuyển đi công tác nơi khác. Nhưng đối với tôi, nơi đây sẽ lưu giữ nhiều kỷ niệm trong cuộc đời”
Tài công Nguyễn Trường An (46 tuổi), người lái phà Vàm Cống hơn 20 năm
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/chia-tay-ben-pha-tram-nam-1434736.tpo