Chi tiết kế hoạch của ông Trump nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine
Mới đây, nghị sĩ Mỹ JD Vance - phó tướng cho ứng viên Donald Trump trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ 2024, đã tiết lộ thêm về kế hoạch của ông Trump nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine kéo dài suốt hai năm rưỡi qua. Bản kế hoạch này có nhiều chi tiết đáng chú ý trong bối cảnh người dân toàn thế giới mong muốn sớm lập lại hòa bình giữa 2 quốc gia Đông Âu này.
Lập khu phi quân sự để chấm dứt xung đột Nga - Ukraine
Ứng viên phó tổng thống Mỹ Vance trình bày khá cụ thể kế hoạch của ông Trump trong việc kết thúc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine. Theo đó, cách ông Trump xử lý vấn đề này có thể bao gồm việc thiết lập một “khu phi quân sự” trên phần lãnh thổ Ukraine hiện do Nga chiếm giữ.
Cách tiếp cận này đánh dấu sự thay đổi lớn so với chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden, vốn tập trung vào phối hợp với châu Âu và các đồng minh khác để cung cấp viện trợ quân sự và những trợ giúp khác cho Ukraine trong cuộc đối đầu vũ trang với Nga.
Ông Vance nói trên kênh YouTube “The Shawn Ryan Show” mới đây, vào hôm 11/9/2024: “Tôi nghĩ nó như thế này. Ông Trump ngồi xuống, nói với người Nga, người Ukraine, người châu Âu: Các ông cần vạch ra đường đi nước bước. Giải pháp hòa bình như thế nào nhỉ? Có thể đường phân giới hiện tại giữa Nga và Ukraine sẽ trở thành một khu phi quân sự”.
Khu phi quân sự được đề xuất đó, ông Vance bổ sung, sẽ “được xây dựng thật kiên cố để người Nga không đưa quân qua được”.
Ông Vance nói tiếp, theo phương án hòa bình này, Ukraine sẽ duy trì nền độc lập của mình bằng việc chấp nhận bảo đảm trung lập, nghĩa là Ukraine sẽ không gia nhập khối quân sự NATO hoặc những “thể chế liên minh” khác.
Bình luận mới này của nghị sĩ Vance là kế hoạch mới nhất và công khai nhất cho xung đột Nga - Ukraine được ứng viên tổng thống Mỹ bên đảng Cộng hòa đề xuất.
Trước đó, ứng viên Trump đã tuyên bố nếu đắc cử, ông sẽ mau chóng chấm dứt xung đột Ukraine - Nga.
Tuần này, trong cuộc tranh luận bầu cử với đối thủ là đương kim Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris,, ông Trump tuyên bố rằng nếu mình đắc cử vào tháng 11 tới, ông sẽ “xử lý gọn vấn đề xung đột tại Ukraine thậm chí trước cả khi ông chính thức nhậm chức tổng thống”. Tuy nhiên, ông Trump lại không nêu rõ kế hoạch của mình để đạt được điều đó. Có thể ông lo ngại công bố sớm chiến lược của mình sẽ làm suy yếu thế của ông trong đàm phán giải quyết vấn đề.
Tuần trước, trong cuộc trả lời phỏng vấn của Lex Fridman, ứng viên Trump nói như sau: “Tôi có một kế hoạch về cách ngừng hẳn chiến sự giữa Nga và Ukraine. Tôi có một ý tưởng nhất định, có thể chưa phải là một kế hoạch, nhưng là một ý tưởng liên quan đến Trung Quốc”. Ông nói thêm: “Nhưng tôi không thể trao cho quý vị những phương án đó bởi vì nếu tôi làm vậy, tối sẽ không thể triển khai chúng được nữa, chúng sẽ thất bại mất. Một phần của phương án là yếu tố bất ngờ”.
Công nhận khoảng xám, không chấp nhận tổn thất sinh mạng Mỹ
Trong cuộc phỏng vấn do Ryan thực hiện, ông Vance trả lời rằng không nên coi xung đột Nga - Ukraine như một thứ gì đó trắng hoặc đen hoàn toàn. Một mặt, ông cho rằng Nga không nên phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt”; mặt khác, ông cũng nhấn mạnh “bản thân Ukraine cũng có nhiều vấn đề về tham nhũng”.
Mặc dù một số nghị sĩ đảng Cộng hòa (Mỹ) ủng hộ mạnh mẽ hàng đầu cho Ukraine, số khác thì ngày càng lưỡng lự trong việc tiếp tục cung cấp thêm ngân sách liên bang cho Ukraine theo đuổi cuộc xung đột quân sự với Nga. Những người này cho rằng số tiền từ ngân sách đó nên chi cho các vấn đề trong nước như bảo vệ biên giới phía Nam của nước Mỹ.
Những cá nhân giấu tên đã thảo luận đề xuất của ông Trump về giải quyết xung đột Nga - Ukraine có nói với tờ Washington Post hồi tháng 4/2024 rằng phương án của ông Trump bao gồm ép Ukraine nhượng hẳn bán đảo Crimea và vùng biên giới Donbass cho Nga.
Nghị sĩ Vance - cựu lính thủy đánh bộ Mỹ, giải thích: “Có nhiều rủi ro đối với chúng ta khi ngồi đây rồi cố gắng thuyết phục người Ukraine bám lấy Crimea. Câu hỏi đặt ra là: Sẽ tổn thất bao nhiêu mạng sống người Mỹ để làm được điều đó? Nếu câu trả lời là hơn 0 thì tôi sẽ thôi”.
Phó tướng Vance của ông Trump cũng nói rằng châu Âu “đã chi không đủ cho cuộc chiến này trong khi những người nộp thuế tại Mỹ lại rất hào phóng” - ý này thường được ông Trump đưa ra để công kích phe Dân chủ.
Ông Vance tiếp tục lập luận rằng chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden là “quẳng tiền vào vấn đề này với hy vọng người Ukraine có khả năng giành được một thắng lợi quân sự ngay cả khi chính người Ukraine vẫn đang nói rằng họ không thể đạt được”. Vị nghị sĩ nhấn mạnh: “Chính sách của Donald Trump là hãy mạnh mẽ nhưng cũng phải thông minh. Hãy đàm phán”.
Một số cố vấn của ứng viên Trump cũng vạch ra những kế hoạch tương tự, bao gồm một kế hoạch được Keith Kellogg và Fred Fleitz công bố vào mùa hè vừa qua. Cả Kellogg và Fleitz đều từng làm chánh văn phòng Hội đồng An ninh quốc gia của cựu Tổng thống Mỹ Trump.
Bản đề xuất của Kellogg và Fleitz, mà họ nói đã được trình lên ông Trump, cũng bao gồm thông báo cho Ukraine rằng họ sẽ không nhận thêm viện trợ nào từ Mỹ nếu Ukraine không đồng ý với phương án đàm phán của ông Trump.
Phó tướng Trump không nói cụ thể ai sẽ kiểm soát “khu phi quân sự” nhưng ông nói rằng “đường phân giới hiện nay” sẽ giữ nguyên, nghĩa là theo đó, Ukraine sẽ không tuyên bố đòi lại lãnh thổ mà Nga hiện nay chiếm giữ.
Trong suốt xung đột Nga - Ukraine vừa qua, phía Ukraine, với sự hậu thuẫn của Mỹ và NATO, đã kiên quyết yêu cầu rằng tất cả lãnh thổ thuộc chủ quyền của Ukraine phải được trả lại cho Ukraine. NATO thậm chí cam kết rằng Ukraine sẽ trở thành một phần của liên minh quân sự này và họ đã xúc tiến chuẩn bị cho việc kết nạp Ukraine trong tương lai.
Bản kế hoạch 10 điểm mà Tổng thống Ukraine Zelensky trình lên Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2022 bao gồm việc Nga rút toàn bộ quân khỏi Ukraine và khôi phục biên giới giữa 2 nước trước năm 2014.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin tuyên bố về quyền sở hữu lịch sử đối với một phần lãnh thổ Ukraine, đất nước từng thuộc Đế chế Nga và sau đó là Liên Xô. Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói rằng bất cứ kế hoạch hòa bình nào cũng phải công nhận “thực tế trên thực địa” và quyền của Nga được giữ lại những lãnh thổ họ mới kiểm soát từ năm 2014 đến nay.