Chỉ số VN-Index vẫn 'lỗi hẹn' mốc 1.250 điểm

Mặc dù thị trường vẫn bảo toàn được sắc xanh và xác nhận phiên tăng điểm thứ tư liên tiếp, nhưng với dòng tiền khá yếu và thiếu nhóm cổ phiếu dẫn dắt, chỉ số VN-Index vẫn 'lỗi hẹn' với mốc 1.250 điểm.

Sau 3 phiên tăng liên tiếp cuối tuần trước, thị trường đã gặp chút áp lực trong phiên sáng 20/1 khiến VN-Index rung lắc nhẹ. Tuy nhiên, cùng sự hỗ trợ của một số mã bluechip và đà tăng nhẹ của các nhóm trụ cột bank – chứng – thép, đã giúp thị trường bảo toàn sắc xanh, xác nhận phiên tăng thứ tư liên tiếp và VN-Index tiếp tục vươn lên mốc 1.250 điểm.

Đà tăng khá mong manh khi các cổ phiếu và nhóm trụ cột chỉ nhích nhẹ, đã khiến VN-Index sớm quay đầu khi bước vào phiên giao dịch chiều. Biên độ tăng dần thu hẹp, sau đó thị trường chuyển qua trạng thái rung lắc nhẹ sau khoảng 30 phút mở cửa.

Mặc dù lực cầu gia tăng ở nhóm VN30 giúp một số mã lớn bật hồi và VN-Index đã khôi phục sắc xanh trong đợt khớp lệnh ATC, nhưng lực đỡ chưa đủ mạnh để giúp chỉ số chung chinh phục thành công ngưỡng kháng cự mạnh 1.250 điểm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 176 mã tăng và 240 mã giảm, VN-Index tăng 0,44 điểm (+0,04%), lên 1.249,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 441 triệu đơn vị, giá trị 9.995 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,85% về khối lượng nhưng giảm 2,76% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 17/1. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 84,3 triệu đơn vị, giá trị 2.208,5 tỷ đồng.

Nhóm VN30 kết phiên tăng gần 3,5 điểm với 13 mã tăng và 14 mã giảm, trong đó POW giảm sâu nhất khi mất 1,3%, nhưng VCB là gánh nặng lớn nhất khi lấy đi hơn 1 điểm của chỉ số chung và kết phiên giảm 0,9%; ngược lại, các mã ngân hàng khác như HDB, MBB, TPB lại đang có mức tăng tốt nhất trong rổ này.

Điểm sáng là HDB. Dù chủ yếu giao dịch trong sắc đỏ ở phiên sáng và rung lắc nhẹ khi mở cửa phiên chiều, nhưng lực cầu sôi động đã giúp HDB tăng vọt. Kết phiên, HDB có mức tăng tốt nhất dòng bank, tăng 2,2% lên mức 23.000 đồng/Cp và thanh khoản sôi động nhất thị trường với 20,7 triệu đơn vị khớp lệnh.

Mặc dù thiếu sự hậu thuẫn của “anh cả” VCB khi kết phiên giảm 0,86%, nhưng nhiều mã bank khác đã nới rộng biên độ tăng trong phiên chiều và hỗ trợ tốt cho thị trường, như BID, MBB, VIB, TPB đều tăng hơn 1%; ngoài ra MSB, STB, EIB, CTG, ACB đều kết phiên tăng nhẹ.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán đảo chiều điều chỉnh nhẹ do các mã HCM, SSI, VND, VCI đều kết phiên giảm nhẹ, VDS giảm 3,85%...

Nhóm cổ phiếu thép cũng kém tích cực khi NKG nới rộng biên độ giảm, HPG đảo chiều giảm nhẹ 0,2%...

Điểm đáng chú ý là lực cầu vẫn chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu thuộc các nhóm lớn ngân hàng, chứng khoán và thép. Bên cạnh HDB sôi động nhất, các cổ phiếu có thanh khoản tiếp theo đó là VIX khớp 14,1 triệu đơn vị, VIB và HPG khớp 9,7 triệu đơn vị, VND khớp 8,85 triệu đơn vị, MBB khớp 8,24 triệu đơn vị, EVF, EIB, SSI khớp trên dưới 7 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sau thời gian ngắn mở cửa phiên chiều rung lắc nhẹ, thị trường cũng quay đầu giảm và nới nhẹ biên độ giảm về cuối phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 48 mã tăng và 100 mã giảm, HNX-Index giảm 0,79 điểm (-0,36%) xuống 221,69 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 40 triệu đơn vị, giá trị 652 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,57 triệu đơn vị, giá trị 24,57 tỷ đồng.

Cổ phiếu SHS trở lại vị trí dẫn đầu thanh khoản trên HNX với 6,37 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng cùng trong xu hướng kém lạc quan của nhóm cổ phiếu chứng khoán, mã này kết phiên giảm 1,6% xuống mức 12.000 đồng/CP. Các cổ phiếu chứng khoán khác như MBS và VFS cùng giảm 1,1% với thanh khoản đều trên 1 triệu đơn vị, APS giảm 1,6%, BVS giảm 1,1%, PSI giảm 1,3%...

Một số mã đáng chú ý là MST tăng 1,4% và khớp 4,35 triệu đơn vị, NAG tăng 4,6% và khớp 1,37 triệu đơn vị, PV2 vẫn giữ sắc tím với khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị…

Trên UPCoM, thị trường duy trì đà giảm nhẹ trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,31 điểm (-0,33%) xuống 92,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 31,9 triệu đơn vị, giá trị 394 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 10 triệu đơn vị, giá trị hơn 108 tỷ đồng, trong đó HNG thỏa thuận 6 triệu đơn vị, giá trị 52,8 tỷ đồng và DSP thỏa thuận 3,5 triệu đơn vị, giá trị 45,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu BGE có phiên giao dịch đột biến khi tăng 6,7% lên mức giá 6.400 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt hơn 5,1 triệu đơn vị.

Ngoài ra, mã vừa và nhỏ khác như HNG tăng 1,3% và khớp 3,84 triệu đơn vị, DRI tăng 4,1% và khớp gần 1 triệu đơn vị…

Một mã đáng chú ý khác là SGP bất ngờ tăng kịch trần lên mức giá 35.500 đồng/CP với khối lượng giao dịch sôi động, đạt gần 1,2 triệu đơn vị và dư mua trần 0,13 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng nhẹ, trong đó VN30F2502 đáo hạn gần nhất vào ngày 20/2 tăng 3,7 điểm, tương đương +0,3% lên 1.324,5 điểm, khớp lệnh hơn 139.830 đơn vị, khối lượng mở hơn 41.610 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này mã CACB2404 có thanh khoản cao nhất, đạt 2,36 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 2,8% xuống mức 700 đồng/cq. Theo sau là CVPB2407 khớp 1,75 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 3,3% xuống 290 đồng/cq.

T.Thúy

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chi-so-vn-index-van-loi-hen-moc-1250-diem-post362105.html