Chi phí đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022 'thấp nhất từ trước đến nay'

Trung Quốc cho biết chi phí đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022 là một trong những kỳ Olympic rẻ nhất từ trước đến nay với 3,9 tỷ USD. Tuy nhiên, con số thực có thể lớn hơn rất nhiều.

"Xanh, an toàn và đơn giản"

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm các địa điểm tổ chức Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh vào tháng 11, ông đã bày tỏ tham vọng khiêm tốn đối với Thế vận hội: "Xanh, an toàn và đơn giản". Đó là một tầm nhìn trái ngược hoàn toàn với bối cảnh của Thế vận hội Mùa hè 2008 tại nước này, với tổng chi phí tới 42 tỷ USD.

Biểu ngữ chào đón Olympic Bắc Kinh 2022. Ảnh: GI

Bài liên quan

Hơn 30 nguyên thủ quốc gia cùng Chủ tịch Tập Cận Bình dự lễ khai mạc Olympic

Số ca Covid-19 trong 'bong bóng Olympic' tăng lên 106

Phát hiện 78 ca nhiễm Covid từ các đoàn đến dự Olympic Bắc Kinh

Olympic Bắc Kinh 2022: Chưa có VĐV nước ngoài nào dương tính với Covid-19

Theo các tài liệu chính thức, Bắc Kinh dường như tuân thủ sứ mệnh của ông Tập. Với mức giá 3,9 tỷ USD trên giấy tờ, Thế vận hội Bắc Kinh 2022 là kỳ Olympic ít tốn kém nhất trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, cuộc điều tra của Insider tiết lộ rằng số tiền thực tế vượt quá 38,5 tỷ USD, gấp 10 lần ngân sách chính thức.

"Rất khó để có được bất kỳ thông tin chi tiết hoặc chính xác nào ở bên ngoài Trung Quốc", nhà kinh tế thể thao Andrew Zimbalist nói với Insider. Ông nhận định Trung Quốc không nói về cơ sở hạ tầng giao thông cũng như các cơ sở hạ tầng thể thao. Họ cũng không nói về chi phí xây dựng làng Olympic.

Những chi phí chưa được liệt kê?

Theo Insider, điều dễ nhận thấy không có trong danh sách chi phí của Trung Quốc là chi phí xây dựng Sân bầu dục Trượt băng Tốc độ Quốc gia. Còn được gọi là Ice Ribbon, nó được hoàn thành vào năm 2020 và ước tính tốn khoảng 186,6 triệu USD để xây dựng.

Trung Quốc cũng đã tân trang một số địa điểm được xây dựng cho Thế vận hội 2008, bao gồm sân vận động quốc gia Tổ chim và Water Cube, trung tâm thủy sinh của thành phố. Tuy nhiên, không rõ Trung Quốc đã chi bao nhiêu để cải tổ các địa điểm.

Rất nhiều hạng mục được phân vào chi phí "cải tiến vốn", được tách biệt riêng khỏi chi phí tổ chức Olympic.

"Những chi phí này tương đồng với các mục tiêu dài hạn mà nước chủ nhà mong muốn đạt được thông qua việc tổ chức Thế vận hội vì các địa điểm thể thao không chỉ phục vụ bốn tuần thi đấu Olympic và Paralympic", một đại diện của IOC nói.

Nhiều chi phí "cải tiến" của Trung Quốc tập trung vào Yanqing và Zhangjiakou, hai địa điểm vệ tinh của Thế vận hội lần này.

Trung Quốc đã chuyển đổi Yanqing, một quận ở phía tây bắc Bắc Kinh, thành một loạt đấu trường lấp lánh với một trung tâm trượt tuyết trên núi cao và một Làng Olympic riêng biệt để chứa hơn 1.400 vận động viên và quan chức. Một ngôi làng Olympic thứ hai ở trung tâm thành phố Bắc Kinh được thiết kế cho 2.300 vận động viên và chi phí xây dựng ước tính lên tới 3,16 tỷ USD.

Trung Quốc đã chi khoảng 442,9 triệu đô la để xây dựng các địa điểm trượt tuyết khác nhau ở Yanqing. Riêng hai chục tập đoàn giấu tên đã quyên góp thêm 514,1 triệu USD cho sự phát triển của Yanqing, mặc dù số tiền này được tính là đầu tư để phát triển quận chứ không phải để tổ chức Olympic.

Trung Quốc đã rót thêm 5,18 tỷ USD để xây dựng 50 dự án liên quan đến các địa điểm tổ chức Thế vận hội ở Trương Gia Khẩu, thành phố có dân số khoảng 1,5 triệu người được mệnh danh là "Cổng vào Bắc Kinh". Một trong những dự án đó là ngôi làng Olympic thứ ba của đất nước, nơi có thể phục vụ cho 2.640 người. Đây cũng có các địa điểm thi đấu như Công viên Tuyết Genting, Trung tâm Biathlon Quốc gia, Trung tâm Nhảy Trượt tuyết Quốc gia và Trung tâm Chạy việt dã Quốc gia.

Việc xây dựng các địa điểm vệ tinh cho Thế vận hội cũng đòi hỏi một cơ sở hạ tầng giao thông mạnh mẽ. Vì vậy, Trung Quốc đã xây dựng sân bay Ningyuan của Trương Gia Khẩu với chi phí 205,6 triệu USD và tiêu tốn 15,02 tỷ USD vào việc xây dựng các đường cao tốc mới để đảm bảo kết nối giữa các khu vực vệ tinh trong thời gian diễn ra Thế vận hội. 773,5 triệu USD khác đã được sử dụng để xây dựng tuyến tàu điện ngầm dành riêng cho Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.

Trung Quốc đã chi thêm 9,2 tỷ USD cho một chuyến tàu cao tốc không người lái giữa Trương Gia Khẩu và Bắc Kinh để giảm thời gian di chuyển từ 3 tiếng xuống 50 phút.

Ông Zhou, Thứ trưởng Bộ Tài chính, nói với Tân Hoa xã vào năm 2015 rằng Trung Quốc sẽ bù đắp một số chi phí cơ sở hạ tầng bằng cách chuyển đổi các ngôi làng Olympic được xây dựng ở Bắc Kinh và Trương Gia Khẩu thành nhà ở thương mại sau Thế vận hội.

Trung Quốc cũng có kế hoạch sử dụng hàng loạt các địa điểm thể thao mới để "phát triển mạnh mẽ" các môn thể thao trên băng và trên tuyết ở khu vực, một trong những mục tiêu được ưu tiên của chính phủ nước này.

Hoàng Việt

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chi-phi-dang-cai-the-van-hoi-mua-dong-2022-thap-nhat-tu-truoc-den-nay-post179721.html