Chỉ đạo kê khống giá trị hợp đồng, cựu Tổng giám đốc VEAM bị truy tố
Cựu Tổng giám đốc VEAM Phan Phạm Hà lợi dụng chức vụ quyền hạn chỉ đạo cấp dưới hợp thức thanh toán chi phí, kê tăng khống giá trị hợp đồng, sử dụng hóa đơn GTGT khống.
VKSND TP Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Phan Phạm Hà, cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) về lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cùng vụ án, 6 bị can khác gồm Nguyễn Thị Mai Hương (cựu Kế toán trưởng), Thái Đức Minh (cựu Trưởng ban Kinh doanh và phát triển thị trường), Trần Tuấn Kiệt (Giám đốc Công ty Mặt trời Việt), Nghiêm Trọng Thăng (cựu Phó CVP) bị truy tố tội lợi dụng chức vụ quyền hạn.
Các bị can Bùi Thanh Dũng (quản lý nhà hàng), Lê Thị Hiền (Giám đốc Công ty Song Linh) bị truy tố về tội mua bán hóa đơn.

Ông Phan Phạm Hà, cựu Tổng giám đốc VEAM.
Theo cáo trạng, tháng 6-2020, Phan Phạm Hà được bổ nhiệm là Tổng giám đốc VEAM, đồng thời là đại diện 38% vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này.
Quá trình điều hành doanh nghiệp, Phan Phạm Hà đã lợi dụng chức vụ quyền hạn chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi hợp thức thanh toán chi phí, kê tăng khống giá trị hợp đồng, sử dụng hóa đơn GTGT khống để thanh toán, lấy tiền của VEAM.
Khoản tiền này được dùng để hoàn ứng cho các khoản chi phí ngoại giao vốn không được thanh toán theo quy định nội bộ, gây thiệt hại cho VEAM tổng cộng hơn 3 tỉ đồng.
Cụ thể, về hành vi mua bán hóa đơn, từ đầu năm 2021, các phòng, ban chức năng của VEAM phát sinh các chi phí không hợp lệ, không có cơ sở thanh toán nên một số cá nhân mua hóa đơn GTGT khống để hợp thức chi phí.
Bị can Lê Thị Hiền, chủ chuỗi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống có đã sử dụng 7 công ty bán 67 hóa đơn khống cho VEAM. Sau đó, Tổng công ty sử dụng 64 hóa đơn khống thanh toán số tiền 997 triệu đồng.
Ngoài ra, một số cá nhân khác cũng sử dụng hóa đơn khống để thanh toán, dẫn đến tổng thiệt hại cho VEAM là hơn 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, do số lượng hóa đơn ít, không hưởng lợi, chủ động nộp khắc phục nên CQĐT không xem xét xử lý hình sự.
Ở hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn thanh toán sai quy định, năm 2023, Bộ Công Thương tổ chức các buổi làm việc và hội nghị, VEAM được mời với tư cách khách mời và không có nhiệm vụ, trách nhiệm liên quan việc thanh toán chi phí tại các sự kiện, vì hội nghị do Bộ Công Thương tổ chức.
Tuy nhiên, Phan Phạm Hà chỉ đạo bị can Nghiêm Trọng Thăng (phụ trách văn phòng VEAM) hợp thức hóa chi phí bằng cách lập hồ sơ tiếp khách, lấy tiền của VEAM để thanh toán. Ông Thăng đã hợp thức, tập hợp hồ sơ, chứng từ liên quan đến chi phí để Tổng công ty thanh toán với giá trị hơn 329 triệu đồng.
Tháng 6-2023, ông Hà ký hợp đồng với Nhà khách Quốc hội về việc cung cấp dịch vụ tại Tòa nhà Quốc hội với số tiền hơn 400 triệu đồng. Việc thanh toán là trái quy định nhưng Nguyễn Thị Mai Hương (cựu Kế toán trưởng) vẫn xét duyệt thanh toán.
Ngoài việc thanh toán sai quy định nói trên, VEAM còn hỗ trợ chi trả tiền hỗ trợ các hoạt động Công đoàn Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Công Thương), gây thiệt hại số tiền 109 triệu đồng. Tổng số tiền VEAM chịu thiệt hại vì thanh toán sai quy định là hơn 845 triệu đồng.
Ở hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc tổ chức hội nghị, sự kiện, Trần Tuấn Kiệt (Giám đốc Công ty Mặt trời Việt) có mối quan hệ quen biết với gia đình Phan Phạm Hà.
Khi VEAM tổ chức hội nghị, sự kiện thì ông Hà đều chỉ đạo Hoàng Thị Thanh Tâm (cựu CVP) và Nghiêm Trọng Thăng lập hồ sơ mời thầu tạo điều kiện cho Công ty Mặt trời Việt.
Từ tháng 1-2021 đến tháng 1-2024, VEAM đã ký 15 hợp đồng tổ chức hội nghị - sự kiện với Công ty Mặt trời Việt. Thực tế, VEAM đã thanh toán 14 hợp đồng với tổng giá trị hơn 9,2 tỉ đồng. Trong đó, 7 hợp đồng bị kê khống, tăng giá trị hàng hóa dịch vụ, chênh lệch gửi giá là hơn 1,1 tỉ đồng.
Đến nay, số tiền thiệt hại hơn 3 tỉ đồng trong vụ án đã được thu hồi lại.
Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM) ra đời từ năm 1990, là Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên, hoạt động theo mô hình Công ty Mẹ - Công ty Con, thuộc Bộ Công Thương
VEAM giữ vị trí dẫn đầu tại thị trường Việt Nam về máy động lực và máy nông nghiệp sản xuất; tham gia đầy đủ các phân khúc trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp.
Năm 2017, VEAM chuyển đổi thành công ty cổ phần và lên sàn chứng khoán.
Một số lãnh đạo cấp cao của VEAM qua nhiều thời kỳ từng dính đến các vụ án hình sự.