Chi cục Tiêu chuẩn ĐLCL góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Hoạt động đo lường (ĐL) đã và đang diễn ra hàng ngày, có vai trò quan trọng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, QP - AN… Năm 2019, vai trò quản lý công tác ĐL của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (ĐLCL) Hà Giang được nâng cao và có những nét nổi bật đáng kể, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo công bằng, văn minh thương mại, phục vụ sự nghiệp phát triển KT – XH của tỉnh.
Cách đây 70 năm, ngày 20.1.1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 08 thống nhất ĐL nước ta theo hệ mét - hệ ĐL khoa học và tiên tiến trên thế giới. Đây là văn bản luật pháp đầu tiên về ĐL của chính quyền cách mạng nước ta. Sắc lệnh 08 đã tạo điều kiện thuận lợi đưa công tác ĐL của Việt Nam hội nhập vào dòng chảy của văn minh và tiến bộ trên toàn thế giới và là điểm xuất phát của sự ra đời và trưởng thành của ngành ĐL nước ta.
Ngày 11.10.2001 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 155 lấy ngày 20.1 hằng năm làm "Ngày Đo lường Việt Nam". Nhằm động viên, đánh giá công sức của cán bộ, công chức, các nhà khoa học đã và đang công tác, hoạt động trong lĩnh vực ĐL.
Năm 2019, hoạt động quản lý Nhà nước về ĐL và thực hiện các dịch vụ công về ĐL của Chi cục Tiêu chuẩn ĐLCL đã khẳng định được vị thế của mình: Làm tốt công tác tham mưu trình lãnh đạo Sở KH&CN ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân có liên quan để tăng cường công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn ĐLCL tại địa phương; cử cán bộ tham gia các đoàn thanh tra chuyên ngành về tiêu chuẩn ĐLCL và sở hữu công nghiệp (gồm khí dầu mỏ hóa lỏng; xăng dầu, ĐL đối với phương tiện đo nhóm 2) nhằm hỗ trợ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, nhờ đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước của đơn vị; thực hiện 4 cuộc kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn ĐLCL đối với 55 cở sở.
Qua thanh tra, kiểm tra Chi cục Tiêu chuẩn ĐLCL đã xử lý vi phạm hành chính cửa hàng xăng dầu do không đảm bảo về hàm lượng E5 theo tiêu chuẩn Việt Nam; nhiều cơ sở chưa thực hiện việc lập sổ theo dõi và thực hiện tự kiểm tra đối với các PTĐ đang sử dụng; hơn 200 các phương tiện đo áp xuất, lưu lượng, nhiệt độ, điện, điện từ tại các nhà máy thủy điện không có giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định; có 685 phương tiện đo thuộc lĩnh vực y tế và hơn 1.200 phương tiện đo nhóm 2 sử dụng trong đo đếm điện năng, nước sinh hoạt đã hết hiệu lực kiểm định. Qua kiểm tra, chi cục vừa xử lý vi phạm vừa tăng cường phổ biến, hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở thực hiện nghiêm túc các quy định về tiêu chuẩn, ĐLCL trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, hoạt động quản lý và sử dụng phương tiện đo trên địa bàn tỉnh cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao, góp phần đảm bảo công bằng, hạn chế tình trạng gian lận về đo lường, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Thực tế, công tác quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn, ĐLCL hiện nay trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Việc thông tin, tuyên truyền hoạt động ĐL chưa được thường xuyên sâu rộng; công tác thanh, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm còn nhiều hạn chế, chưa thực sự tạo được lòng tin vào việc quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này; hiện nay vẫn còn nhiều cấp quản lý, lĩnh vực quản lý chưa thực sự được quan tâm, đặc biệt là phương tiện đo ngoài thị trường tự do như phương tiện đo tại các chợ, các điểm bán lẻ và các xưởng, nhà máy thu mua chế biến, thủy điện… Nguồn lực cho công tác quản lý còn hạn chế chưa đáp ứng kịp thời. Vì vậy, lãnh đạo Chi cục Tiêu chuẩn ĐLCL tỉnh thông tin, chi cục sẽ tiếp tục tăng cường công tác tham mưu nhằm nâng cao tiềm lực cho công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực ĐL trong tình hình mới; tập trung nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ được giao, đặc biệt đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cấp xã, phường, thị trấn đáp ứng yêu cầu quản lý về ĐL theo quy định của pháp luật... để hoạt động ĐL trên địa bàn tỉnh dần đi vào chiều sâu và hiệu quả.